“Lấy ít bột đó để nặn thành bánh men, tượng trưng hình men ông, men bà, men con cháu, to hay nhỏ thì tùy mình nặn. Sau khi nặn xong bánh men thì đặt lên cái nia, nia này phủ trấu gạo để bánh men không bị dính khi đặt vào. Sau khi sắp xếp xong thì lấy ớt đặt trên bánh men, để trang trí làm hoa của men, bột men cũ rải lên bánh men mới và phơi khô” - Bà Y Mai vừa thoăn thoắt đôi tay vừa nói.
Khi nặn bánh men phải theo thứ tự, nặn bánh tượng trưng ông bà trước rồi tới bố mẹ, con cái, cháu chắt. Tất cả được đặt trên nia để phơi, trong đó bánh men ông bà phải được đặt ở giữa nia, con cháu thì đặt xung quanh. Những hạt gạo giã chưa nát được tận dụng rải lên mỗi bánh men để trang trí, vỏ cây Hyam đã giã nát được đặt giữa các bánh và xung quanh nia, phủ lá cây rừng lên. Bà con quan niệm làm như vậy để không bị ma quỷ phá và bánh cũng nhanh lên men hơn.
Bước cuối cùng là bà con cầu mong thần linh bảo vệ mẻ bánh lên men ngon.“Cầu mong men này uống say nồng, để tất cả mọi người uống vào quên cả đường đi lối về. Con trai uống nhanh say như con gái, con gái uống vững như con trai”.
Theo bà Mai men rượu của người Ba Na từ thời ông bà đến nay chỉ có người phụ nữ mới biết làm. Ngày xưa thì trong quá trình làm men phải kiêng cữ rất nhiều thứ, nhưng bây giờ, bà con trước khi làm men thì chỉ cần kiêng không ăn, không đụng vào đồ ăn, thức uống có vị chua, nếu không men rượu sẽ bị hư. Men được phơi trong khoảng 20 ngày là có thể sử dụng được. Bột men đầu tiên dùng người ta gọi là men hoa, để nấu thử xem mẻ men đó ngon hay không, đắng hay ngọt để lựa chọn nấu rượu, rồi dọn dẹp, cất, bảo quản trong ống tre, nứa, hoặc là trái bầu, tùy mình để sử dụng lâu dài sau này.
Hiện nay, ngoài thị trường có rất nhiều loại men làm sẵn để nấu rượu, nhưng người Ba Na vẫn giữ gìn và truyền lại cách làm men truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ con cháu. Mặc dù mất nhiều thời gian trong cách làm ra men, nhưng men truyền thống được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên, nên khi được sử dụng để nấu rượu cần không chỉ đảm bảo về an toàn sức khỏe mà còn mang đậm hương vị đặc trưng thơm nồng, ngon đậm đà của rừng núi Tây Nguyên. Nhiều chị em phụ nữ hào hứng và phấn khởi khi được bà Y Mai, một người có tay nghề nấu rượu cần ngon nhất của làng Kon Jơ Dri truyền lại cách làm.
Mỗi dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên đều có cách làm men khác nhau để tạo ra hương vị rượu cần truyền thống khác nhau, mang đặc trưng riêng của mỗi tộc người. Người Ba Na ở Kon Tum cũng thể, họ vẫn đang từng ngày tiếp nối, truyền dạy cách làm men rượu cần truyền thống, tự hào giữ gìn lại bản sắc văn hóa tốt đẹp của ông bà ngày xưa đến thế hệ mai sau, mãi không mai một./.
Bài, ảnh: A Lê Khăm