Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Nông dân Kon Tum đoàn kết giúp nhau làm giàu
Ngày đăng: 21/11/2016  08:13
Mặc định Cỡ chữ
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong 3 phong trào lớn do Hội Nông dân Việt Nam phát động thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và nông dân tham gia. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình, tiên tiến là những tấm gương sáng trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, không cam chịu đói nghèo, quyết chí làm giàu chính đáng cho chính mình và giúp đỡ người khác cùng vươn lên làm giàu.

 

Nông dân A Hình ở xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông làm giàu từ trồng Sâm Ngọc Linh

5 năm qua (2012 - 2016), các cấp Hội đã chủ động, tích cực chỉ đạo và tổ chức thực hiện sâu rộng về Phong trào đến hội viên nông dân, từ đó Phong trào tiếp tục được duy trì và phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng, hiệu quả kinh tế. Hàng năm, số lượng hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp năm sau cao hơn năm trước cụ thể: Năm 2012, có 9.000 hộ nông dân đăng ký; năm 2013, có 11.000 hộ; năm 2014, có trên 17.000 hộ; năm 2015, có 9.700 hộ và năm 2016, có 10.870 hộ. Kết quả, trong 5 năm toàn tỉnh có 38.635 lượt hộ được công nhận nông dân đạt danh hiệu SXKDG các cấp.
 
Hiện nay 100% thôn, làng có tổ chức Hội, với 827 chi hội, 2.734 tổ hội; Trong những năm qua, công tác tập hợp, thu hút và kết nạp hội viên, luôn được Hội Nông dân các cấp chú trọng cả về số lượng và chất lượng, lấy thôn, làng, tổ khối phố làm địa bàn vận động phát triển hội viên. Kết quả, trong thời gian qua đã kết nạp được 6.359 hội viên mới, nâng tổng số hội viên trên địa bàn toàn tỉnh lên 62.285 hội viên.
 
Ngoài ra, để hỗ trợ nông dân trong sản xuất, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp với chính quyền, các sở, ban ngành liên quan và các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, cung ứng về giống, vốn, vật tư, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
 
Từ năm 2012 đến tháng 8 năm 2016, Hội Nông dân các cấp mở được 552 lớp tập huấn ngắn ngày về áp dụng khoa học kỹ thuật cho 24.840 lượt hội viên, nông dân; tổ chức 8 đợt cho 320 nông dân nghèo đi học tập kinh nghiệm ở một số mô hình làm ăn có hiệu quả trên địa bàn tỉnh; phối hợp với cơ quan chức năng mở 76 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 2.446 lao động nông thôn với các nghề: Mộc dân dụng, dệt thổ cẩm, đan lát, may dân dụng, kỹ thuật cạo mủ cao su, kỹ thuật sơ chế biến nông sản sau thu hoạch, sửa chữa cơ khí nhỏ và một số ngành nghề khác phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, góp phần tạo điều kiện về việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
 
Bên cạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, Hội Nông dân các cấp đã  tín chấp cho nông dân vay vốn để đầu tư vào sản xuất; tiếp nhận 5 tỷ 430 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân do Trung ương Hội ủy thác, thực hiện có hiệu quả 23 dự án cho 350 hộ vay; tiếp nhận từ nguồn Ngân sách của tỉnh với số vốn 2 tỷ đồng thực hiện 04 dự án cho 48 hộ vay, tại 04 cơ sở Hội; phối hợp với Ngân hàng chính sách Xã hội thành lập 511 Tổ Tiết kiệm & vay vốn cho 19.566 hộ vay với số tiền 547 tỷ 980 triệu đồng; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT thành lập 06 Tổ vay vốn, với 124 hộ vay, số tiền 2 tỷ 225 triệu đồng. Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp với một số Doanh nghiệp tín chấp mua gần 12.000 tấn phân bón các loại trả chậm cho nông dân; phối hợp với Doanh nghiệp dịch vụ nông nghiệp EKMAT, hỗ trợ cho nông dân 50% giá mua cây giống cà phê tái canh cho gần 700 hộ, với 1.020 vạn cây giống.
 
Đến nay, toàn tỉnh có 491 trang trại, trong đó 185 trang trại có quy mô sử dụng đất dưới 5 ha, chiếm 38,46%; từ 5-10 ha có 240 trang trại, chiếm 47,82 ha; trên 10 ha có 66 trang trại, chiếm 13,72%. Kinh tế trang trại đã góp phần giải quyết việc làm cho 4.076 lao động, trong đó có 724 lao động thường xuyên và 1.320 lao động thời vụ. Toàn tỉnh có có 67 HTX, trong đó có 29 HTX nông nghiệp, 27 HTX kinh doanh thu mua hàng nông sản, còn lại là loại hình HTX tổng hợp.  
 
Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, 5 năm qua, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh đã giúp đỡ 28.695 cây, con giống các loại; 11.658 kg lương thực; 57.860 ngày công, tạo việc làm cho hơn 27.000 lao động có việc làm tại chỗ, trong đó có hơn 12.000 lao động có việc làm thường xuyên, và 15.000 lao động có việc làm theo mùa vụ; giúp 15.216 hội viên, nông dân nghèo vươn lên thoát khỏi đói nghèo và làm giàu, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh. Ngoài ra, hộ SXKDG cùng với nông dân trên địa bàn ủng hộ hàng chục triệu đồng cho quân và dân biển đảo Trường Sa; chương trình xây dựng Nông thôn mới ở địa phương...
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hải
trao tặng giấy chứng nhận nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2012-2016
 
Điển hình trong phong trào này phải kể đến hộ bà Y Lan, thôn Đăk Sông, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, canh tác 5 ha bời lời, 3 ha mỳ, 0,2 ha sâm Ngọc Linh và 01 ha cà phê. Thu nhập hàng năm đã trừ chi phí sản xuất khoảng 570 triệu đồng. Gia đình bà đã tạo việc làm thường xuyên cho 04 lao động tại địa phương với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng; hay hộ ông A Ly, thôn Tê Rông, xã Văn Lem, huyện Đăk Tô có trang trại chăn nuôi bò sinh sản và trồng trọt bời lời, trồng mỳ, mỗi năm thu nhập trên 500 triệu đồng sau khi trừ chi phi đầu tư; hộ ông Lê Danh Bảo, thôn Ya De, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy có 7 ha cao su, 03 ha cà phê, 5 ha mỳ, 2 ha bời lời, 01 ha điều, chăn nuôi 10 con bò sinh sản và hơn 170 con gia cầm các loại và mở 01 quán bán cà phê. Thu nhập hàng năm đã trừ chi phí gần 550 triệu đồng. Gia đình ông, hàng năm đã giúp cho 02 hộ thoát nghèo, bằng cách cho mỗi hộ mượn 20 triệu đồng không tính lãi để đầu tư vào sản xuất; tạo việc làm thường xuyên cho 04 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng...
 
Có thể nói, 5 năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã có sự tiến bộ vượt bậc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Qua đó ngày càng xuất hiện nhiều hơn gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi - họ là những bông hoa tươi thắm trong rừng hoa muôn màu, muôn sắc của nông dân các dân tộc tỉnh Kon Tum./.
 
Bài, ảnh: Dương Nương
  • Diện tích tỉnh Kon Tum

    9.690,5 km2
  • Dân số tỉnh Kon Tum (2022)

    579.914 người
  • GRDP tỉnh Kon Tum (2022)

    30.848,84 tỷ VNĐ
  • Xếp hạng PCI (2022)

    37 /63
Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Kon Tum lần thứ IX năm 2024
Theo bạn nội dung cung cấp trên cổng thông tin điện tử như thế nào?