 |
CSGT tăng cường xử lý vi phạm về tốc độ |
Trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn, qua phân tích của ngành chức năng nguyên nhân đầu tiên là do ý thức chủ quan của người tham giao thông (chiếm đến 90%) và xếp sau đó chính là việc phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ tốc độ theo quy định. Và lẽ dĩ nhiên đằng sau đó sẽ để lại hậu quả nặng nề cho chính nạn nhân, người nhà và của cả xã hội.
Một điều rất nguy hiểm khi phóng nhanh, vượt ẩu và tai nạn rình rập là trên thực tế trên các tuyến đường giao thông của tỉnh có nhiều đường ngang dân sinh, nhiều cơ quan, trường học và nhà dân, đường hẹp, chính vì thế, nếu người điều khiển phương tiện chủ quan, không làm chủ tốc độ, tay lái, sẽ dẫn đến tai nạn.
Xác định nguyên nhân và hiểm họa của việc phóng nhanh vượt ẩu, vi phạm tốc độ, Phòng CSGT thông tỉnh đã thường xuyên, liên tục tập trung mạnh vào việc xử lý vi phạm chạy quá tốc độ quy định. Phóng viên Báo Kon Tum đã đi thực tế tại các tổ xử lý vi phạm tốc độ của CSGT tỉnh trên đường Hồ Chí Minh qua địa bàn thành phố Kon Tum và đã được chứng kiến vẫn có khá nhiều trường hợp vị phạm. Chỉ trong một buổi sáng có rất nhiều người tham gia giao thông chạy quá tốc độ quy định, kể cả xe mô tô và xe ô tô. Khi được hỏi thì mỗi người vi phạm đều đưa ra lý do cho vi phạm của mình. Người thì nói do có công việc đột xuất, việc cần, vội chở con đi học… để lực lực cảnh sát giao thông bỏ qua. Trao đổi với chúng tôi, một chiến sĩ CSGT tỉnh cho biết: Gần như không có trường hợp vi phạm tốc độ nào cũng đưa ra lý do để biện minh và “xin” bỏ qua nhưng chúng tôi vẫn cương quyết xử lý , đồng thời còn nhắc nhở cần chạy chậm để dễ xử lý khi gặp những tình huống bất ngờ và để hạn chế được tai nạn có thể xảy ra.
Trao đổi với PV Báo Kon Tum, Đại tá Từ Lam - Trưởng Phòng CSGT tỉnh cho biết: Thời gian qua, chúng tôi tập trung mạnh xử lý vi phạm về tốc độ đối với tất cả các xe có động cơ vì đây là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Chúng tôi cử các tổ tuần tra tăng cường xử lý cả thời gian buổi trưa, tại các tuyến đường trọng điểm thường xảy ra tai nạn và thường xuyên thay đổi vị trí xử lý để hạn chế sự “ liên lạc” giữa các lái xe. Ngoài ra, chúng tôi cũng cử các tổ đi khắc các địa phương, phối hợp với Đội CSGT các huyện, thành phố để xử lý những người vi phạm nhằm hạn chế tai nạn giao thông do lỗi vi phạm tốc độ gây ra.
Để kiềm chế TNGT nghiêm trọng do phóng nhanh vượt ẩu gây ra thì đầu tiên người điều khiển mô tô, xe máy, xe ô tô trên bất kỳ tuyến đường nào cũng cần thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ, chạy đúng tốc độ quy định, cần chú ý quan sát, tuyệt đối không phóng nhanh, vượt ẩu. Đặc biệt, đơn vị chức năng cần tăng cường vào các tuyến đường trọng điểm, điểm đen thường xảy ra tai nạn; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát ở các tuyến đường Tỉnh lộ, đường liên xã để xử lý, hạn chế tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu... Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và các quy định về TTATGT đến tận các làng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại vùng nông thôn… qua đó nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.
Qua số liệu thống kê của CSGT, tình trạng vi phạm về tốc độ vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Minh chứng, trong 3 năm gần đây số người vi phạm về tốc độ vẫn tăng khá cao. Cụ thể, năm 2011, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã xử phạt hơn 17.000 trường hợp; năm 2012 xử phạt hơn 20.000 trường hợp; năm 2013 đã xử phạt khoảng hơn 30.000 trường hợp vi phạm về tốc độ. Và trong 3 tháng đầu năm 2014, lực lượng CSGT toàn tỉnh cũng đã xử phạt gần 5.500 trường hợp vi phạm về tốc độ. |
Bài, ảnh: Văn Phương