Thứ 7, Ngày 20/04/2024 -

Văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 03-2019
Ngày đăng: 17/04/2019  10:08
Mặc định Cỡ chữ
Trong tháng 03 năm 2019, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 07 Nghị định của Chính phủ và 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ), cụ thể:

 

1. Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi.

 

Nghị định gồm 04 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi, cụ thể: (1) Sửa đổi, bổ sung: Thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi; Trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được nhận đích danh làm con nuôi; Hỗ trợ, tiếp nhận, quản lý, sử dụng hỗ trợ nhân đạo ở cơ sở nuôi dưỡng; Rà soát, tìm người nhận trẻ em làm con nuôi; Thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi; Hồ sơ của người được nhận làm con nuôi; Yêu cầu về xác nhận trẻ em có đủ điều kiện làm con nuôi ở nước ngoài; Yêu cầu về giới thiệu trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài; Ghi vào Sổ đăng ký nuôi con nuôi việc nuôi con nuôi đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. (2) Thay thế, bãi bỏ: Thay thế cụm từ “công nhận việc nuôi con nuôi đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài” thành “ghi vào Sổ đăng ký nuôi con nuôi việc nuôi con nuôi đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài” tại khoản 2 Điều 1 và Mục 6 Chương II; Bỏ cụm từ “của người đứng đầu tổ chức con nuôi nước ngoài theo quy định tại điểm e và” tại khoản 3 Điều 5; Bãi bỏ khoản 3 Điều 3, Điều 11, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 31.

 

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 4 năm 2019.

 

2. Nghị định số 25/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về an toàn công trình dầu khí trên đất liền.

 

Nghị định gồm 07 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2011/NĐ-CP ngày 11/02/2011 của Chính phủ về an toàn công trình dầu khí trên đất liền, cụ thể:

 

Sửa đổi, bổ sung: (1) Giải thích từ ngữ; (2) Mức rủi ro chấp nhận được; (3) Phân loại các công trình dầu khí; (4) Nguyên tắc bảo đảm an toàn đối với các công trình tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và công trình phục vụ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; (5) Quy định về khoảng cách giữa các đường ống; (6) Khoảng cách an toàn đối với nhà máy chế biến, kho chứa khí hóa lỏng, các sản phẩm khí hóa lỏng và cảng xuất nhập sản phẩm khí, trạm phân phối khí, trạm van, trạm phóng, nhận thoi; (7) Đối với phần ống đặt nổi; (8) Khoảng cách an toàn đối với kho, cảng xuất nhập DM&SPDM; (9) Đối với phần ống đặt nổi; (10) Sửa tên Chương VI như sau: Biện pháp bảo đảm an toàn các công trình dầu khí; (11) Công tác phòng chống cháy nổ; (12) Quy định về việc đánh giá rủi ro các công trình dầu khí; (13) Quy định về thiết kế các công trình dầu khí; (14) Các hoạt động không được thực hiện trong khoảng cách an toàn các công trình dầu khí.

 

Thay thế, bãi bỏ: (1) Thay thế các Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định số 13/2011/NĐ-CP ngày 11/02/2011 bằng các Phụ lục I, II, III tương ứng ban hành kèm theo Nghị định này; (2) Thay thế cụm từ “đối tượng tiếp giáp” bằng cụm từ “đối tượng được bảo vệ” tại các Điều: Điều 3; Điều 11; tên Điều 19 và khoản 1 Điều 19; Điều 21; khoản 2 Điều 26; (3) Bãi bỏ Điều 3, khoản 3 Điều 6, Điều 7, điểm c, đ khoản 1 Điều 10, khoản 5, khoản 6 Điều 23.

 

Ban hành kèm theo Nghị định này 03 Phụ lục gồm: (1) Phân loại dân cư; (2) Quy định khoảng cách an toàn đối với các công trình dầu khí; (3) Quy định giảm khoảng cách an toàn đối với các công trình dầu khí trên đất liền khi áp dụng các giải pháp kỹ thuật.

 

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22/4/2019.

 

3. Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

 

Nghị định gồm 09 chương, 75 điều, quy định chi tiết khoản 10 Điều 10, điểm b khoản 3 Điều 13, khoản 4 Điều 16, khoản 5 Điều 21, điểm a khoản 2 Điều 23, Điều 24,  khoản 5 Điều 25, khoản 5 Điều 27, khoản 4 Điều 28, khoản 2 Điều 32, khoản 5 Điều 34, khoản 6 Điều 35, khoản 5 Điều 36, khoản 5 Điều 38, khoản 3 Điều 39, khoản 3 Điều 40, khoản 1 Điều 48, điểm đ khoản 2 Điều 50, khoản 3 Điều 51, khoản 2 Điều 53, khoản 7 Điều 56, điểm k khoản 2 Điều 57, khoản 4 Điều 64, khoản 4 Điều 66, khoản 2 Điều 68, điểm d khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 78, khoản 4 Điều 79, khoản 2 Điều 89, khoản 3 Điều 94, khoản 7 Điều 98, khoản 3 Điều 99 của Luật Thủy sản và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

 

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản trong nội địa, đảo, quần đảo và vùng biển của Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam.

 

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2019. Nghị định này thay thế các Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 27/2005/NĐ-CP ngày 08/3/2005, Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005, Nghị định số 14/2009/NĐ-CP ngày 13/02/2009, Nghị định số 32/2010/NĐ-CP ngày 30/3/2010, Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010, Nghị định số 52/2010/NĐ-CP ngày 17/5/2010, Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20/6/2012, Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005, Nghị định số 80/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012, Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 29/11/2012, Nghị định số 57/2008/NĐ-CP ngày 02/5/2008, Nghị định số 55/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017; Những nội dung liên quan đến thức ăn thủy sản quy định tại Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản và Nghị định số 100/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2017/NĐ-CP và Điều 3 Nghị định số 123/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; Điều 15, 16, 17 và Điều 18 Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm.

 

Nghị định này bãi bỏ Chỉ thị số 22/2006/CT-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 57/2008/QĐ-BNN ngày 02/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư số 01/2011/TT-BNN ngày 05/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư số 101/2008/TT-BNN ngày 15/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư số 26/2014/TT-BNNPTNT ngày 25/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quyết định số 20/2006/QĐ-BTS ngày 01/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản; Chỉ thị số 05/2007/CT-BTS ngày 31/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản; Chỉ thị số 10/2005/CT-BTS ngày 08/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản; Chỉ thị số 03/2006/CT-BTS ngày 27/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản.

 

4. Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật đo đạc và bản đồ.

 

Nghị định gồm 09 chương, 55 điều, quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ, cụ thể: (1) Quy định chung về báo cáo về hoạt động đo đạc và bản đồ; (2) Hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia; (3) Cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia; (4) Xây dựng, vận hành, bảo trì và bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc; (5) Lưu trữ, bảo mật, cung cấp, trao đổi, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; (6) Xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; (7) Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; (8) Chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; (9) Điều khoản thi hành.

 

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hoặc hoạt động khác có liên quan đến đo đạc và bản đồ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2019; Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

 

5. Nghị định số 28/2019/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân.

 

Nghị định gồm 06 chương, 21 điều, quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân, cụ thể: (1) Quy định chung về áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo; (2) Thẩm quyền giải quyết tố cáo; (3) Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; (4) Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng; (5) Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ người tố cáo; trình tự, thủ tục bảo vệ người tố cáo; (6) Quản lý công tác giải quyết tố cáo trong quân đội nhân dân; (7) Điều khoản thi hành.

 

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng, công dân Việt Nam, cá nhân nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền tố cáo; (2) Quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng; cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân bị tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quốc phòng; (3) Người giải quyết tố cáo; cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân; (4) Người tố cáo, người được bảo vệ liên quan đến tố cáo trong Quân đội nhân dân; (5) Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo trong Quân đội nhân dân.

 

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/5/2019; Nghị định số 220/2013/NĐ-CP ngày 27/12/2013 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Tố cáo đã được thụ lý, đang xem xét và chưa có kết luận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục áp dụng Nghị định số 220/2013/NĐ-CP và Luật Tố cáo số 03/2011/QH13 để giải quyết.

 

6. Nghị định số 29/2019/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 Bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.

 

Nghị định gồm 05 chương, 29 điều, quy định điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động; việc ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động; danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Bộ luật Lao động

 

Nghị định này áp dụng đối với: Doanh nghiệp cho thuê lại lao động; Bên thuê lại lao động; Người lao động thuê lại; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động cho thuê lại lao động.

 

Ban hành kèm theo Nghị định này 02 Phụ lục gồm: (1) Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động; (2) Ban hành các biểu mẫu.

 

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/5/2019. Các Nghị định số 55/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013, Nghị định số 73/2014/NĐ-CP ngày 23/7/2014 của Chính phủ; Thông tư số 01/2014/TT-BLĐTBXH ngày 08/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tư số 40/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

 

7. Nghị định số 30/2019/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.

 

Nghị định gồm 03 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở, cụ thể: (1) Bổ sung quy định về xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước; (2) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 60 về hồ sơ, trình tự, thủ tục thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước.

 

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 5 năm 2019.

 

8. Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.

 

Quyết định gồm 04 chương, 16 điều, quy định về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia; Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã thuộc các huyện nghèo và Tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân, cụ thể: (1) Quy định chung về nguyên tắc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật và kinh phí xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật; (2) Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia; (3) Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn, cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân; (4) Tổ chức thực hiện.

 

Quyết định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật.

 

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2019; Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

 

9. Quyết định số 15/2019/QĐ-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý.

 

Quyết định gồm 06 chương, 22 điều, quy định về thực hiện thủ tục biên phòng điện tử đối với người, người điều khiển, người đi trên phương tiện, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên biên giới đất liền; tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa đến và rời cửa khẩu cảng; cấp thị thực tại các cửa khẩu quốc tế biên giới đất liền và cửa khẩu cảng do Bộ Quốc phòng quản lý.

 

Thủ tục biên phòng điện tử tại các cảng biển do Bộ Quốc phòng quản lý đối với tàu, thuyền Việt Nam nhập cảnh, xuất cảnh; tàu, thuyền, thuyền viên nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng thực hiện theo quy định tại Quyết định số 10/2016/QĐ-TTg ngày 03/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển.

 

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2019.

 

10. Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu.

 

Quyết định gồm 07 điều quy định về: Lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông; lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu.

 

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng, quản lý, kiểm tra, kiểm định xe ô tô tham gia giao thông, xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu. Quyết định này không áp dụng đối với các loại xe ô tô của quân đội, công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

 

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2019. Bãi bỏ điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 6; Điều 7 của Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ./.

 

Thái Ninh

  • Diện tích tỉnh Kon Tum

    9.690,5 km2
  • Dân số tỉnh Kon Tum (2022)

    579.914 người
  • GRDP tỉnh Kon Tum (2022)

    30.848,84 tỷ VNĐ
  • Xếp hạng PCI (2022)

    37 /63
Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Kon Tum lần thứ IX năm 2024
Theo bạn nội dung cung cấp trên cổng thông tin điện tử như thế nào?