Thứ 7, Ngày 20/04/2024 -

Dấu ấn của nghệ nhân làng Kei Doi
Ngày đăng: 14/05/2019  20:37
Mặc định Cỡ chữ
Không chỉ giỏi đánh cồng chiêng và hay đan lát, làm cây nêu và tạc tượng gỗ dân gian đã làm nên dấu ấn của nghệ nhân A Biu ở làng Kei Doi, xã Đăk Xú, huyện biên giới Ngọc Hồi.

 

Già A Biu làm cây nêu truyền thống tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum

 

70 tuổi đời, già A Biu không nhớ đã tự tay thiết kế và làm nên bao nhiêu cây nêu truyền thống của người Xê Đăng. Tuy vậy, từ làng về tận Bảo tàng KonTum để dựng cây nêu, cùng các nghệ nhân dân tộc thiểu số anh em của tỉnh Kon Tum giới thiệu nét đẹp của vật thể biểu tượng cho tâm linh này, thì với già A Biu, cuối năm 2018 là lần đầu tiên.

 

Theo già, người Xê đăng và Brâu ở vùng biên giới Ngọc Hồi thường dựng cây nêu khi trong làng có lễ hội lớn,cúng trâu cúng bò. Không tuân thủ, lũ làng e bị phạt, gặp rủi ro, xui xẻo - đó là tục lệ lâu đời. Tuy vậy, hiện nay, trong khi người Brâu vẫn khắt khe theo quy định, thì người Xê đăng đã có phần “linh động hơn”, không chỉ cúng trâu cúng bò, mà trong nhiều sự kiện và thời điểm đều có thể được chọn dựng cây nêu. Quan trọng là tấm lòng thành kính dâng lên đấng tối cao.

 

Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, già A Biu không những giỏi làm cây nêu dân tộc Xê đăng của mình, mà còn thạo cách làm cây nêu của những người anh em Brâu - một trong hai dân tộc thiểu số  rất ít người ở tỉnh Kon Tum, định cư tại làng Đăk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi).

 

Để dựng cây nêu đẹp, vững chãi, thể hiện niềm tôn kính thần linh và khát vọng vươn lên của dân làng, trước hết, mọi người cần chuẩn bị kỹ lưỡng các nguyên vật liệu cần thiết như tre nứa, cây gỗ, dây mây… Và đặc biệt là không thể thiếu đôi tay khéo léo của nghệ nhân. Làm nên cây nêu uy nghi, hoành tráng, mang nét đẹp rất riêng chính là niềm tự hào của già A Biu.     

     

Không chỉ giỏi làm cây nêu, già A Biu còn được biết đến là nghệ nhân tạc tượng dân gian cao tuổi hiếm hoi của tỉnh Kon Tum. Người Xê đăng không có tục “bỏ mả” nên đẽo tượng gỗ từ xưa cho đến giờ, không phải là thế mạnh. Thậm chí, trước đây, tạc tượng gỗ còn xa lạ với ông. Tuy vậy, nhờ kiên trì học hỏi và chịu khó rèn luyện, đến nay, già A Biu cũng đã có hơn 12 năm gắn bó với cái rìu cái đục.

 

Già A Biu kể: Năm 2006, khi làng Kei Doi dựng lại nhà rông mới theo lối kiến trúc truyền thống, thôn trưởng gọi ông, bảo "Làng mình làm lại nhà rông mới, có gì trang trí cho đẹp hơn đây? Già thử làm mấy bức tượng để đặt xem thế nào…". Theo gợi ý của Thôn trưởng, ông mày mò đẽo thử, rồi tạc luôn hai bức tượng, một hình đàn ông, một hình đàn bà dựng hai bên cầu thang trước nhà rông Kei Doi.

 

Già A Biu miệt mài với tượng gỗ dân gian

 

Đến với tượng gỗ dân gian thật tình cờ, nên già A Biu đã dành nhiều thời gian, tâm sức học hỏi, tìm tòi; kiên trì thực hành, rút kinh nghiệm. Bản tính giản dị, chân chất cùng cảm quan nghệ thuật đặc biệt giúp ông để lại dấu ấn riêng của mình trên từng bức tượng gỗ dân gian.

 

6 năm qua, ba lần ông tham gia liên hoan tạc tượng trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum, là nghệ nhân lớn tuổi nhất luôn được sự quan tâm và yêu mến của mọi người. Đây cũng là những dịp ông giao lưu, tìm hiểu, không ngừng hoàn thiện “phong cách” tượng gỗ dân gian của chính mình.        

 

Tận tâm, khéo léo, giờ đã ở tuổi “ xưa nay hiếm”, già A Biu vẫn cần mẫn, miệt mài đan lát, làm cây nêu, đẽo tượng gỗ, dạy cồng chiêng… Niềm đam mê lặng lẽ với nét đẹp văn hóa truyền thống người Xê Đăng của ông cũng lặng lẽ lan tỏa và được thành tâm đón nhận, trong cộng đồng./.

 

                                                                                Bài, ảnh: Nghĩa Hà