Thứ 7, Ngày 20/04/2024 -

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)
Ngày đăng: 23/05/2019  13:15
Mặc định Cỡ chữ
Tiếp theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, sáng 21/5 Quốc hội Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

 

Đại biểu Y Nhàn phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận

 

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Y Nhàn phát biểu tham gia đối với dự án Luật như sau:

 

Thứ nhất, trên thực tế, ngoài các hiện tượng lợi dụng các hoạt động giáo dục xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn có hiện tượng xuyên tạc lịch sử, thậm chí bôi nhọ lịch sử, phủ nhận lịch sử. Vì vậy, đề nghị bổ sung Điều 21 hành vi lợi dụng hoạt động giáo dục để xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử.

 

 Thứ hai, tại Điều 22 về các hành vi bị cấm trong cơ sở giáo dục đã quy định các hành vi bị cấm khá đầy đủ và có tính khái quát, tuy nhiên tại khoản 4 mới quy định hành vi hút thuốc, uống rượu, bia là chưa đủ. Đề nghị bổ sung thêm các chất kích thích khác.

 

 Thứ ba, khoản 4 Điều 29 quy định mục tiêu giáo dục phổ thông nhằm trang bị kiến thức công dân, nhưng chưa giải thích, làm rõ nội hàm của kiến thức công dân ở đây là những kiến thức gì vì vậy cần giải thích làm rõ nội dung này. Trong khi đó tại khoản 1 Điều 29 quy định mục tiêu chung của giáo dục phổ thông “hình thành trách nhiệm công dân”, như vậy khi quy định nhằm trang bị kiến thức công dân ở khoản 4 có gì mâu thuẫn với mục tiêu chung ở khoản 1 hay không. Nên chăng ở đây xác định “giáo dục phổ thông trung học nhằm hoàn thiện kiến thức học vào phổ thông”. Đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ thêm.

 

Thứ tư, tại khoản 1 Điều 48 về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân xác định các trường này có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Xác định như vậy là chưa đủ, các trường này còn một nhiệm vụ quan trọng nữa đó là nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn để bổ sung và phát triển lý luận về cán bộ và công chức và công tác cán bộ, công chức. Trên thực tế các trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Đảng như Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện hành chính quốc gia, các trường chính trị tỉnh, các trường của các tổ chức xã hội khác đã và đang thực hiện nhiệm vụ này. Bởi vậy, đề nghị bổ sung nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tổng kết ứng dụng khoa học, công nghệ vào thực tiễn ứng dụng khoa học công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo.

 

Thứ năm, hiệu quả giáo dục giảng dạy là yêu cầu quan trọng của nhà giáo, vì vậy đề nghị  bổ sung nhiệm vụ này và biên tập lại khoản 1 Điều 69  như sau: Giáo dục giảng dạy có hiệu quả theo mục tiêu, nguyên lý, nội dung chương trình giáo dục.

 

Tống Quang Vinh

Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum