Thứ 5, Ngày 25/04/2024 -

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận kết quả phát triển KT-XH và NSNN năm 2018 và những tháng đầu năm 2019
Ngày đăng: 23/05/2019  13:10
Mặc định Cỡ chữ
Sáng 22/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

 

 

 

Theo Báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra, năm 2018 là năm đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện, chuyển biến về kinh tế-xã hội, tất cả 12/12 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

 

Có sự chuyển biến khá rõ nét, thực chất hơn trong triển khai thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng,  trong nội bộ từng ngành cũng có sự chuyển biến, thực chất và đúng hướng hơn.

 

Ví dụ như trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ loại cây có giá trị thấp sang loại cây có giá trị cao hoặc nuôi trồng thủy sản, gắn với cơ cấu lại sản xuất theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, tiếp cận nhu cầu thị trường mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn khu vực năm 2018 đạt khoảng 3,76% cao nhất kể từ năm 2012, trong đó ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, là mức tăng cao nhất của giai đoạn 2012-2018.

 

Tại phiên thảo luận ở Tổ các vị đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 vẫn còn một số nhóm vấn đề tồn tại, hạn chế cần đánh giá làm rõ nguyên nhân và quan tâm giải quyết cả trong trước mắt và lâu dài:

 

Một là, các thành quả phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thời gian qua chưa được phân bổ đồng đều giữa miền núi với đồng bằng; Chênh lệch về mức sống và mức độ thụ hưởng của người dân giữa các vùng và giữa các địa phương trong vùng còn cao đặc biệt là vùng Tây nguyên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các vùng khác trong cả nước;

 

Hai là, sản xuất nông nghiệp còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững, như: thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định, chưa đáp ứng được sức sản xuất lớn và đang tăng của nền nông nghiệp hàng hóa dẫn đến có lúc, có nơi xảy ra tình trạng dư thừa cục bộ một vài sản phẩm nông nghiệp; Bồi thường tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi để triển khai các dự án phát triển kinh tế xã hội chưa đạt được mục tiêu đề ra, có dự án đã thu hồi đất nhưng châm triển khai bồi thường cho người dân làm ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp của bà con dẫn đến dễ xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự như tại tỉnh Kon Tum có 01 dự án Thủy điện thực hiện nhiều năm nhưng vẫn thiếu tiền bồi thường của người dân khoảng mấy chục tỷ đồng.

 

Ba là, trong thời gian qua công tác dự báo cung, cầu trong nông nghiệp còn bất cập, dẫn đến tình trạng dư thừa phải “giải cứu” một số nông sản tại một số địa phương. Vì vậy, đề nghị các Bộ ngành làm tốt công tác đồng hành cùng người dân sản xuất nông nghiệp đặc biệt là công tác tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động xây dựng phương án để chủ động ứng phó với những diễn biến của thị thời tiết cực đoan như hạn hán, bão, lũ,...

 

Tống Quang Vinh

Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum