Thứ 7, Ngày 20/04/2024 -

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận sửa đổi một số điều đối với 3 dự án Luật
Ngày đăng: 12/06/2019  07:10
Mặc định Cỡ chữ
Tiếp theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, ngày 10/6, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

 

 

Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

 

Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum - Tô Văn Tám tham gia một số ý kiến đối với dự án Luật như sau:

 

Thứ nhất đối với Luật Tổ chức Chính phủ:

 

(1) Dự thảo quy định giao Chính phủ quy định khung số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện với mục tiêu nhằm trao quyền chủ động cho chính quyền địa phương trong việc quyết định, giữ ổn định, hợp nhất, thành lập hoặc không thành lập cơ quan chuyên môn. Đây là sự đổi mới tư duy quan trọng trong quá trình phân cấp, phân quyền, đảm bảo tính chủ động của địa phương trong việc thành lập cơ quan chuyên môn phù hợp với đặc điểm, đặc thù của mỗi địa phương.

 

Tuy nhiên, ngoài tính đặc thù của mỗi địa phương cần đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức các cơ quan chuyên môn trong tổ chức thuộc chính quyền địa phương. Vì vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định một  số cơ quan chuyên môn cứng ở tất cả địa phương, số còn lại tùy thuộc vào từng địa phương để thành lập các cơ quan chuyên môn. Như vậy, đáp ứng được yêu cầu vừa thống nhất, vừa đa dạng trong tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền địa phương.

 

(2) Lý luận và thực tiễn về xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước đang đặt ra vấn đề Chính quyền nhà nước hóa thân vào Đảng và Đảng hóa thân vào chính quyền nhà nước, nên chăng sửa đổi, bổ sung lần này cần tiếp cận vấn đề này trong sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng xác định một số nguyên tắc cơ bản nhằm làm cơ sở nền tảng cho việc sáp nhập một số ngành của chính quyền nhà nước vào một số ban, ngành của cơ quan Đảng khi điều kiện chín muồi, tức là khi điều kiện đã chín muồi triển khai thực hiện sẽ không vướng mắc về mặt pháp lý nữa.

 

Thứ hai về Luật Tổ chức chính quyền địa phương:

 

(1) Theo quy định của dự thảo Luật thì việc phê chuẩn kết quả bầu cử của Ủy ban nhân dân các cấp do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn. Việc phê chuẩn như vậy là cần thiết để đảm bảo cơ sở pháp lý cho Chính quyền địa phương, cho ủy ban nhân dân. Nhưng trong khoảng thời gian chờ phê chuẩn, địa vị pháp lý của Ủy ban nhân dân rõ ràng chưa được xác lập đầy đủ, chưa được xác lập đầy đủ như vậy thì giá trị pháp lý của hoạt động quản lý, chấp hành, điều hành của Ủy ban nhân dân ở đây đặt ra như thế nào? Phải chăng ở đây còn một khoảng trống pháp lý. Từ lý do trên đại biểu đề nghị xử lý vấn đề này theo hướng bổ sung một quy định là trong thời gian chờ phê chuẩn, Ủy ban nhân dân được thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân.

 

(2) Về việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh: Luật Tổ chức CQĐP quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có 02 Phó Chủ tịch nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động của HĐND với tính chất là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Quy định này không làm tăng thêm biên chế ở địa phương so với trước đó, vì thực chất một biên chế được nâng từ chức danh “Ủy viên Thường trực” của HĐND lên Phó Chủ tịch theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND (năm 2003). Việc giữ nguyên số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh là nhằm bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban của HĐND cấp tỉnh.

 

Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có đánh giá tác động thật kỹ đối với các vấn đề nêu trên để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng công việc chứ không chỉ nhằm mục tiêu giảm biên chế. Việc đánh giá tác động cần làm rõ nếu giảm số Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, số Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh thì trên toàn quốc sẽ giảm được bao nhiêu biên chế và số lượng cán bộ dôi dư này sẽ sắp xếp, bố trí vào vị trí công việc nào cho phù hợp; đồng thời, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tăng lên hay giảm đi.

 

(3) Về thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân bao gồm có Chánh văn phòng, sắp tới nếu sáp nhập 3 Văn phòng lại thì Chánh Văn phòng này là Thường trực Hội đồng nhân dân có phù hợp không? Đề nghị cần cân nhắc vấn đề này.

 

(4) Dự thảo đã bổ sung quy định rõ hơn trong việc  phân cấp, phân quyền, ủy quyền, tuy nhiên nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 14 có quy định trong trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền. Hai giả định này đều không ở thể khẳng định mà không khẳng định thì tính khả thi của ủy quyền này không cao. Quy định những việc cần ủy quyền khó có thể quy định trong luật, tùy thuộc thực tiễn quá trình quản lý để xác định việc ủy quyền. Dự thảo luật đặt vấn đề "trong trường hợp cần thiết" là phù hợp nhưng khi chủ thể quản lý xác định cần thiết thì khẳng định phải ủy quyền, đảm bảo yêu cầu quản lý và đảm bảo tính thực hiện của ủy quyền.

 

* Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

 

Tại phiên thảo luận đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám phát biểu tham gia đối với dự án Luật như sau:

 

Thứ nhất vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài, việc phát hiện và trọng dụng nhân tài không phải là vấn đề mới, đã được ông cha ta và bắt đầu từ ngày thành lập nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng việc tìm kiếm, tiến cử và trọng dụng nhân tài. Những tư tưởng đó của ông cha và  của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và đã được Đảng, Nhà nước kế thừa và phát huy trong suốt quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

 

Tuy nhiên, nhân tài là thuật ngữ được sử dụng rất nhiều trong xã hội và đang có nhiều quan niệm khác nhau về nhân tài nhưng chưa có văn bản nào của Đảng và Nhà nước xác định rõ ràng về khái niệm nhân tài.

 

Vì vậy, đại biểu đề nghị nên luật hóa những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân tài bằng việc bổ sung vào Điều 6 của dự thảo luật quy định những tiêu chí cơ bản để xác định thế nào là nhân tài để từ đó làm căn cứ cho Chính phủ quy định chi tiết cơ chế, chính sách phát triển, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài. Đồng thời, nêu phương thức phát hiện nhân tài theo hướng tuyển chọn tiến cử đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.

 

Thứ hai về đánh giá cán bộ, công chức, là một khâu có ý nghĩa quan trọng trong công tác tổ chức cán bộ. Kết quả đánh giá là cơ sở quan trọng để bố trí sử dụng đào tạo quy hoạch bổ nhiệm cán bộ, công chức cũng như để loại bỏ cán bộ, công chức không đủ năng lực, uy tín, phẩm chất ra khỏi bộ máy nhà nước. Quá trình đánh giá cán bộ, công chức thời gian qua còn hạn chế, chưa bám vào kết quả cụ thể, các tiêu chí đánh giá còn nặng định tính nên chung chung, chưa định lượng được. Dự thảo luật đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng tại Điều 56 quy định nội dung đánh giá công chức với những quy định khá rõ và lượng hóa được một số nội dung.

 

Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định phương pháp đánh giá như thế nào để có kết quả đánh giá chính xác. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định về phương pháp đánh giá cán bộ công chức, theo hướng dựa trên kết quả điều tra, sát hạch định kỳ hay thăm dò ý kiến Nhân dân hay bỏ phiếu ...

 

Thứ ba, về kỷ luật đối với cán bộ, công chức, đề nghị nên giữ lại hình thức “giáng chức” vì về mặt pháp lý quy định hình thức xử lý kỷ luật “giáng chức” đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao và thực tế thời gian qua căn cứ vào quy định này của Luật Cán bộ, công chức hình thức kỷ luật “giáng chức” cũng đã được áp dụng, phù hợp với nguyên tắc có thăng, có giáng trong công tác cán bộ.

 

Thứ tư, tại khoản 3 Điều 82 quy định công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực. Tuy nhiên, thực tế có xảy ra trường hợp công chức bị kết án oan, nên đề nghị bổ sung quy định trường hợp bị kết án oan thì được trở lại làm việc; đồng thời bổ sung quy định tại điều này trường hợp cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức nếu đã được quy hoạch rồi thì phải đưa ra khỏi quy hoạch.

 

Tống Quang Vinh

Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum