Thứ sáu, Ngày 26/04/2024 -

Chỉ đạo, điều hành nổi bật của Ủy ban nhân dân tỉnh từ ngày 10 đến ngày 15/6/2019
Ngày đăng: 15/06/2019  21:03
Mặc định Cỡ chữ
(kontum.gov.vn): Chương trình phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum; Tiếp tục triển khai các nội dung liên quan đến công tác giải quyết dân di cư tự do và kết hôn không giá thú; Tăng cường công tác quản lý các cụm công nghiệp; Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; Huỷ bỏ diện tích đất thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất sau 3 năm chưa thực hiện; Tăng cường kiểm soát tính pháp lý trong quản lý, sử dụng văn bản điện tử có ký số... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 10 đến ngày 15/6/2019.

 

Chương trình phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum:

 

Để tiếp tục bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum trở thành sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực của tỉnh trong hội nhập kinh tế quốc tế, UBND tỉnh ban hành Chương trình phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum với các nhiệm vụ như: (1) Đẩy mạnh sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh Kon Tum; (2) Xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum; (3) Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, Nhãn hiệu sâm Ngọc Linh ra nước ngoài cho các sản phẩm sâm Ngọc Linh xuất khẩu; (4) Hoàn thiện các công cụ, biện pháp quản lý sản xuất, kinh doanh; sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh, Nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum theo chuỗi; (5) Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum trong và ngoài nước, gắn với tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum...

 

UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực tốt các giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng về thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum; tăng cường vai trò của Hội sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum, các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh  sâm Ngọc Linh trong việc quản lý, sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, Nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum, nhãn hiệu của doanh nghiệp; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại địa phương, mở rộng thị trường ra các tỉnh, thành phố khác góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm; quản lý chặt chẽ việc lưu thông, mua bán sản phẩm sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh; quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thông qua các lễ hội, các chương trình xúc tiến du lịch của tỉnh...

 

Tiếp tục triển khai các nội dung liên quan đến công tác giải quyết dân di cư tự do và kết hôn không giá thú:

 

Để hoàn thành các nội dung của Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHXN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: (1) Công an tỉnh triển khai việc đăng ký hộ khẩu, cấp các loại giấy tờ về cư trú, nhân thân và các nội dung khác có liên quan cho người mới được nhập Quốc tịch Việt Nam để quản lý theo quy định của pháp luật; (2) Các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương rà soát, triển khai các nhiệm vụ được giao để giải quyết kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ theo quy định đối với số công dân mới được nhập Quốc tịch Việt Nam trên địa bàn tỉnh trong khuôn khổ của Thỏa thuận để tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng...

 

Giao Sở Tư pháp chủ động triển khai việc hướng dẫn, lập hồ sơ xin nhập Quốc tịch Việt Nam đối với số người di cư tự do và kết hôn không giá thú (mới phát sinh) thuộc đối tượng của Thỏa thuận trên địa bàn tỉnh; hoàn chỉnh thủ tục, tham mưu UBND tỉnh trình Chủ tịch nước theo đúng quy định và thời gian triển khai của Thỏa thuận...

 

* Trước đó, trong 02 ngày (21 và 22/5/2019), thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp đã tổ chức Lễ Công bố và trao quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 38 công dân theo Thỏa thuận liên Chính phủ về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào hiện đang cư trú tại tỉnh Kon Tum.

 

Tăng cường công tác quản lý các cụm công nghiệp:

 

Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, đầu tư va hoạt động tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu BQL Khu kinh tế tỉnh và UBND các huyện, thành phố quản lý chặt chẽ các cụm công nghiệp, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng; kiên quyết không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sang nhượng, xây dựng trái phép, sử dụng đất sai mục đích… Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND về vấn đề này.

 

Quan tâm bố trí ngân sách đầu tư đồng bộ: Hệ thống xử lý môi trường, giao thông nội bộ cụm công nghiệp, hệ thống điện, cấp nước, thoát nước, thu gom chất thải rắn; đồng thời, có giải pháp để kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra nguồn nguyên liệu đầu vào đối với các cơ sở chế biến gỗ trong cụm công nghiệp, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm mua bán, chế biến gỗ trái phép. Theo dõi, cập nhật dữ liệu về quản lý cụm công nghiệp để nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bố trí sản xuất đúng theo quy hoạch, kiên quyết xử lý tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

 

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện; trong quá trình triển khai, trường hợp có khó khăn vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo UBND tỉnh biết, chỉ đạo.

 

Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi:

 

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên và UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

 

(1) UBND các huyện, thành phố: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh theo chỉ đạo của Ban Bí Thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh trong thời gian qua; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống, dập dịch với phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc”, “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”; chỉ đạo UBND cấp xã, các phòng ban liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý tiêu hủy lợn bệnh theo đúng quy định; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh, các trường hợp khai không đúng về số lượng và trọng lượng lợn buộc phải tiêu hủy; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, sát trùng phòng dịch... Rà soát, kiện toàn, củng cố bộ máy tổ chức Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và hệ thống thú y các cấp, tăng cường năng lực hệ thống thú y đảm bảo thực thi nhiệm vụ; các cấp địa phương từ huyện đến xã, thôn, doanh nghiệp chăn nuôi và hộ gia đình phải xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch; tăng cường hơn nữa các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn đặc biệt đàn giống để tái đàn sau khi hết dịch...

 

(2) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; chủ động phối hợp với các huyện, thành phố triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch; chú trọng việc khoanh vùng, xác định các địa bàn trọng điểm có nguy cơ xảy ra dịch để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả; không để dịch lây lan ra diện rộng; hỗ trợ vật tư, hóa chất để triển khai tiêu độc, khử trùng ổ dịch bệnh; xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với mọi trường hợp vi phạm. Hướng dẫn một số biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn khi có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh cấu trúc lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi để bù đắp thiếu hụt sản phẩm thịt lợn nhằm phục vụ tốt đời sống người dân.

 

Huỷ bỏ diện tích đất thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất sau 3 năm chưa thực hiện:

 

Căn cứ các quy định của pháp luật, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định huỷ bỏ diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm chưa thực hiện, với tổng diện tích là 456,92ha/63 dự án.

 

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường công bố công khai Quyết định này trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường; giao UBND các huyện, thành phố thực hiện công bố Quyết định này theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 48 Luật Đất đai năm 2013.

 

Tăng cường kiểm soát tính pháp lý trong quản lý, sử dụng văn bản điện tử có ký số:

 

Để tăng cường kiểm soát tính pháp lý trong quản lý, sử dụng văn bản điện tử có ký số phục vụ xử lý công việc, trao đổi, gửi - nhận văn bản điện tử, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh triển khai thực hiện đúng quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư theo quy định của Bộ Nội vụ; thực hiện ký số văn bản điện tử theo đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và theo Quy chế quản lý và sử dụng chữ ký số, chứng thư số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tính pháp lý của văn bản điện tử có ký số trong quản lý văn bản điện tử đến, chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với văn bản điện tử có ký số của đơn vị, địa phương trong phát hành văn bản.

 

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm về công tác kiểm tra, kiểm soát chữ ký số của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn cho tất cả các đơn vị, địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát tính pháp lý của văn bản điện tử có ký số.../.

 

Thái Ninh