Thứ 3, Ngày 19/03/2024 -

Về Kon Rẫy
Ngày đăng: 18/06/2019  15:57
Mặc định Cỡ chữ
Con đường thảm nhựa phẳng lỳ vươn dài đưa chúng tôi về với Kon Rẫy. 5 năm trôi qua với biết bao đổi thay. Nhà cửa, trường học, hàng quán khang trang mọc lên san sát. Kon Rẫy đang vươn mình...

 

Trung tâm xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy

 

Tính đến cuối năm 2018, tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 1.058 tỷ đồng (tăng 562,5 tỷ đồng so với năm 2014); trong đó: Nông lâm - Thủy sản chiếm 48,93%, Công nghiệp - Xây dựng chiếm 24,40%, Thương mại - Dịch vụ chiếm 26,67%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24,45 triệu đồng/người/năm, tăng 5,05 triệu đồng so với năm 2014.

 

Công tác thu hút đầu tư được UBND huyện quan tâm chỉ đạo và tăng cường, đạt nhiều kết quả. Tính đến năm 2018 đã có 03 dự án đầu tư và đi vào hoạt động; có 24 dự án thu hút đầu tư các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, công thương nghiệp, dịch vụ môi trường.

 

Các chương trình, chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đang triển khai trên địa bàn huyện chủ yếu là Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2018, tổng kinh phí được bố trí thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là 48 tỷ 797 triệu đồng triển khai thực hiện đầu tư trên 35 công trình về đường giao thông, trường học, thủy lợi, nhà văn hóa....

 

Từ năm 2014 đến nay, từ các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, 100% xã có đường ô tô được bê tông, cứng hóa đến trung tâm huyện (tăng 02 xã so với năm 2014); trên 98% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới Quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 100% xã có trạm y tế; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng truyền thanh, truyền hình, phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.

 

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo và triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn huyện.

 

Trên cơ sở 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia, huyện đã phân công cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể, các thành viên Ban chỉ đạo huyện chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện từng tiêu chí thuộc phạm vi quản lý. Từ việc triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ trong xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều kết quả tích cực.

 

Đến nay, đã có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 01 xã đạt 15 tiêu chí, 03 xã đạt từ 08-12 tiêu chí. Bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã. Kế hoạch đến cuối năm 2019 có thêm 01 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 03 xã vượt chỉ tiêu kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra.

 

Hệ thống trường, lớp học tiếp tục được mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Từ năm 2014 đến nay, đã đầu tư xây dựng mới 16 phòng học với tổng kinh phí 7 tỷ 470 triệu đồng. Chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực qua từng năm. Thực hiện tốt đề án nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số.

 

Đội ngũ giáo viên được tăng cường về số lượng và chất lượng đã tạo thuận lợi trong việc duy trì sỹ số học sinh, huy động học sinh ra lớp. Năm học 2018-2019 toàn huyện có trên 8.200 học sinh với 29 trường học, 352 phòng học; trong đó kiên cố 174 phòng, bán kiên cố 175 phòng. 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập mần non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học và THCS; 100% số xã, thị trấn có trường Tiểu học, THCS; có 07 trường Tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đạt 90%; tỷ lệ phổ cập THCS đạt 82%; 7/7 xã, thị trấn đã triển khai thực hiện các Trung tâm học tập cộng đồng theo quy định.

 

Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được đảm bảo. Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình quốc gia về y tế. Chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ ngày càng được nâng lên. Trang thiết bị phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh được quan tâm đầu tư ngày càng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

 

Công tác đưa bác sỹ về cơ sở, luân phiên cán bộ y tế cho cơ sở y tế tuyến dưới bước đầu đáp ứng nhu cầu khám, điều trị cho bệnh nhân tuyến cơ sở. Huyện đã có 5/7 trạm y tế xã có bác sỹ, 02 trạm y tế còn lại có bác sỹ luân phiên khi cần thiết.

 

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao chuyển biến tích cực. Bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, các di tích cách mạng được bảo tồn, phát huy. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" và việc xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa được chú trọng.

 

Đến cuối năm 2018 toàn huyện có 41/56 thôn, làng đạt thôn, làng văn hóa chiếm 73,2% (tăng 7,2% so với 2015); 5.325/6.784 hộ đạt gia đình văn hóa chiếm 78,4% (tăng 15,8% so với năm 2015); 56/82 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa chiếm 69%; có 45 nhà rông/43 thôn làng người dân tộc thiểu số đạt 104%; 140 bộ cồng chiêng; 13 lễ hội thường xuyên được tổ chức; 03 di tích lịch sử cấp tỉnh. 

 

Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực. Theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 47,27% (cuối năm 2015) xuống còn 32,65% cuối năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới bình quân hàng năm giảm 5,8%.

 

Phát huy truyền thống, giai đoạn 2019 – 2024,  Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kon Rẫy tiếp tục xác định nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, phát huy hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nói riêng, tạo sức mạnh tổng hợp góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh toàn diện./.

 

Bài, ảnh: Dương Nương