Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Nghệ nhân ưu tú A Deng giữ gìn nét đẹp văn hóa dân gian
Ngày đăng: 10/07/2019  17:19
Mặc định Cỡ chữ
Không chỉ được biết tiếng ở làng Gia Xiêng, nghệ nhân ưu tú A Deng còn là niềm tự hào của đồng bào Xê Đăng nhánh Hà Lăng xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy. Đan lát, diễn xướng cồng chiêng, chế tác và biểu diễn nhạc cụ dân tộc...; cách ông gìn giữ và trao truyền cho lớp trẻ nét đẹp văn hóa dân gian cũng chân phương, bình dị như chính con người thuần phác của mình.

 

Nghệ nhân A Deng giỏi đan lát, làm mô hình nhà rông

 

Đã qua 75 mùa rẫy, già A Deng còn say sưa làm rẫy làm ruộng; song vẫn dành thời gian đan lát. Đánh cồng chiêng, làm Ting ning và đàn hát thì “Ở sẵn trong người rồi, lúc nào chơi cũng được, dạy cho bọn trẻ cũng được…”- ông nói. 

     

Ông A Deng sinh ra và lớn lên ở vùng biên giới Mô Rai, nên duyên với bà Y Nhoi, mới thành người làng Gia Xiêng (xã Rờ Kơi) cùng huyện Sa Thầy.

 

Theo truyền thống, ngày xưa, đan lát tre nứa là công việc của  người đàn ông Hà Lăng, giống như dệt thổ cẩm là “nghề” của phụ nữ. Đồng bào địa phương có nhiều đồ dùng, vật dụng được làm ra từ bằng tre nứa; song ngoài rổ, rá, nia, sàng…đơn giản để dùng hàng ngày, phải kể những vật dụng quý, “cao cấp” hơn, đòi hỏi “tay nghề” của người đan bằng sự kỳ công, khéo léo.

 

Trong đó, phổ biến là các loại gùi khác nhau, như cak-loại gùi không có nắp nhưng đan dày khít, với nhiều cỡ to, nhỏ khác nhau, dùng để đựng lúa, đựng rau, đồ đạc trong nhà. Chiếc ktúp để bỏ gạo vào sàng sảy sau khi lúa được giã bong vỏ trấu. Đặc biệt là chiếc krok được đan bằng mây kỹ càng, tinh xảo, có nắp đậy, hình thù giống như chiếc ba lô bây giờ. Từ trước đến nay, krok luôn là vật bất ly thân của đàn ông Hà Lăng khi đi rừng; dùng để đựng cơm, đựng chim thú khi đi săn. Đeo trên vai, krok nằm gọn trên lưng nên rất gọn nhẹ, dễ di chuyển.

 

Thuở nhỏ đã theo cha tập đan, nên khi “theo vợ” về Rờ Kơi thì A Deng đã thạo đan hầu hết các vật dụng, đồ dùng bằng nứa tre.Mỗi đồ dùng, vật dụng dạng này, dù đơn giản đến phức tạp đều cần nhiều thời gian, tâm sức để làm ra. Vì vậy, ông A Deng luôn quan tâm chọn lựa, chuẩn bị kỹ càng nguyên liệu trước khi đan, để đồ dùng được bền lâu.

 

Lồ ô, cây giang thường được ông lấy phần cật cứng chứ không dùng chỗ ruột mềm.Từ khung chính của đồ dùng, vật dụng đến từng sợi nan, miếng cạp, miếng viền...đều được vót chuốt cẩn thận. Riêng dây mây cũng được chọn kỹ, vì nếu sợi non thì đồ đan  mau hư.

 

Tỷ mẩn, khéo léo nên đồ dùng vật dụng làm bằng tre nứa của ông A Deng vừa chắc bền, vừa đẹp mắt.Ông còn tự mày mò, tìm hiểu kỹ thuật mang tính đặc thù để chế tác mô hình nhà rông xinh xắn, trưng bày. Đồ dùng, vật dụng làm ra chẳng những phục vụ sinh hoạt gia đình, mà còn thường được trao đổi cho anh em, bà con; được mọi người  tin dùng và ưa thích.

 

Nghệ nhân A Deng với đàn Ting ning

 

Thạo đan lát, ông A Deng còn  được biết đến là nghệ nhân giỏi cồng chiêng và chế tác, sử dụng một số nhạc cụ dân tộc của người Hà Lăng. Sau một thời gian bị xao nhãng vì cuộc sống khó khăn, năm 2000- 2001, cồng chiêng đã được quan tâm khôi phục ở Rờ Kơi. Làng có bộ cồng chiêng chung được ông A Deng và một số nghệ nhân cao niên giữ gìn cẩn thận để sử dụng, chỉ dạy cho thanh thiếu niên. Nghệ nhân A Deng là người “giữ hồn” chiêng cồng, được dân làng tín nhiệm vì thành thạo nhiều bài truyền thống; từ mừng lúa mới, mừng nhà rông, mừng chiến thắng, bài diễn xướng trong lễ hội đâm trâu, lễ cưới... đến những bài chiêng chia buồn người mất.  

 

Trong số các nhạc cụ dân tộc được ông A Deng chế tác và biểu diễn, gần gũi nhất là đàn Ting ning. “Ngày trước, thấy Ting ning hay thì theo mấy ông già giỏi đàn để học lỏm thôi; còn bây giờ, muốn Ting ning không mất đi thì phải  chỉ dạy cặn kẽ cho lớp trẻ.”- Ông chia sẻ.

 

Nhiệt tình, tận tâm với bà con, nghệ nhân A Deng đã góp phần gây dựng 2 đội cồng chiêng, múa chiêu của làng Gia Xiêng với hơn 40 thành viên; làm nòng cốt sinh hoạt văn hóa truyền thống ở khu dân cư và tích cực tham gia các sự kiện văn hóa của xã của huyện.

 

Tự hào được tôn vinh là Nghệ nhân ưu tú ở loại hình tri thức dân gian, ông A Deng càng ra sức cùng các nghệ nhân trong cộng đồng  gìn giữ và trao truyền nét đẹp văn hóa dân tộc cho con cháu ở vùng căn cứ kháng chiến Rờ Kơi năm xưa./.

 

                                                                                            Bài, ảnh: Nghĩa Hà