Thứ 5, Ngày 25/04/2024 -

Chỉ đạo, điều hành nổi bật từ ngày 22 đến ngày 28/7/2019
Ngày đăng: 28/07/2019  20:27
Mặc định Cỡ chữ
(kontum.gov.vn): Dừng triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trùng lắp trong năm 2019; Ban hành Đề án tổng thể sắp xếp, sáp nhập, tổ chức lại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; Thành lập Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh; Triển khai giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh; Triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp trong xây dựng nông thôn mới; Khẩn trương triển khai ngay các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 22 đến ngày 28/7/2019.

 

Dừng triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trùng lắp trong năm 2019:

 

Trên cơ sở đề xuất của Thanh tra tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra trùng lắp trong năm 2019, cụ thể: Dừng 03 cuộc thanh tra theo Kế hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 584/QĐ-UBND ngày 30/11/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2019 của Thanh tra tỉnh; dừng kiểm tra đối với 13 doanh nghiệp thuộc đối tượng kiểm tra được xác định tại Quyết định số 111/QĐ-UBND ngày 04/3/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về sắp xếp kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2019.

 

Chủ tịch UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh thông báo đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan biết, thực hiện; theo dõi, đôn đốc việc triển khai các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong năm 2019 theo quy định. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp các cuộc thanh tra, kiểm tra trùng lắp trước khi triển khai thực hiện; đảm bảo không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 

Ban hành Đề án tổng thể sắp xếp, sáp nhập, tổ chức lại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh:

 

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 779/QĐ-UBND ngày 25/7/2019 về Đề án tổng thể sắp xếp, sáp nhập, tổ chức lại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

 

Theo đó, toàn tỉnh thực hiện sắp xếp 244 thôn, tổ dân phố (trong đó: có 125 đơn vị dưới 50% tiêu chuẩn, thuộc diện sáp nhập; 100 đơn vị chưa đạt 100% tiêu chuẩn và 19 đơn vị đạt tiêu chuẩn). Sau khi thực hiện phương án sáp xếp, toàn tỉnh giảm 122 thôn, tổ dân phố so với hiện nay (chưa tính thành lập mới 03 thôn thuộc huyện Kon Plông).

 

Thành lập Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh Kon Tum:

 

Triển khai Quyết định số 04/2019/QĐ-TTg ngày 22/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm;  Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh Kon Tum để hỗ trợ công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh, gồm: Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban quản lý điều hành Quỹ; Giám đốc Công an tỉnh - Phó Trưởng Ban thường trực; Giám đốc Sở Tài chính - Thành viên.

 

Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh hoạt động theo Quyết định số 756/QĐ-UBND ngày 23/7/2019 của UBND tỉnh Kon Tum về việc ban hành Quy chế hoạt động của Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh Kon Tum.

 

Triển khai giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh:

 

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-Tg ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, đơn vị tập trung triển khai một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, như: Quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh; tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 05/01/2018 của UBND tỉnh về Quy chế phối hợp trong việc xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh...

 

Yêu cầu các các cơ quan liên quan rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp để đảm bảo dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội; tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn; tăng cường kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở phải triển khai xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội, hệ thống phòng cháy chữa cháy trong dự án và kết nối hạ tầng chung của khu vực trước khi bàn giao nhà ở; theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường bất động sản để kịp thời có biện pháp xử lý, bình ổn thị trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản. Tham mưu bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao… trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là các khu vực có đông công nhân và người lao động. Mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên khuyến khích phát triển, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiềm ẩn rủi ro...

 

Triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp trong xây dựng nông thôn mới:

 

Thực hiện Kết luận tại Hội nghị lần thứ 16 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới, có giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của từng huyện, xã nhằm tập trung xây dựng đạt mục tiêu đề ra; nắm chắc tình hình xây dựng nông thôn mới ở từng xã, từng thôn (làng) thuộc địa bàn phụ trách; tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện từng tiêu chí để có giải pháp tập trung xây dựng, hoàn thành các tiêu chí chưa đạt. Rà soát, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cần thiết vào Chương trình công tác của địa phương để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã đề ra, nhất là các địa phương có xã mục tiêu giai đoạn 2019 - 2020; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động để Nhân dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới là phục vụ chính lợi ích của Nhân dân; tăng cường học tập kinh nhiệm để nghiên cứu bổ sung, vận dụng những cách làm hay, hiệu quả của các địa phương, nhất là những tỉnh có điều kiện tương đồng vào việc xây dựng nông thôn mới của địa phương.

 

Tăng cường và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng  nông thôn mới ở cấp xã, huyện; bố trí cán bộ làm công tác nông thôn mới theo hướng chuyên trách. Tập trung chỉ đạo và thực hiện các giải pháp phấn đấu hoàn thành sớm các mục tiêu đề ra... Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm chính trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện các mục tiêu thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn quản lý; xác định đưa tiêu chí xây dựng nông thôn mới là một trong những nội dung đánh giá, kiểm điểm hàng năm đối với địa phương.

 

Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan căn cứ nhiệm vụ, chức năng của ngành khẩn trương phối hợp với các địa phương rà soát kết quả thực hiện tiêu chí nông thôn mới do ngành phụ trách; có giải pháp cụ thể để hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra...

 

Khẩn trương triển khai ngay các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi:

 

Trước tình hình dịch bệnh tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan rất nhanh, diễn biến khó lường, đặc biệt trên địa bàn huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Ia H’Drai và thành phố Kon Tum; để tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện các chỉ đạo UBND tỉnh về phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thường xuyên để người chăn nuôi và cộng đồng biết, hiểu rõ mức độ nguy hiểm, cấp bách của bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, sát trùng phòng dịch, tăng cường hơn nữa các giải pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn, đặc biệt là đàn lợn giống để tái đàn sau khi hết dịch; huy động lực lượng và triển khai ngay, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về thú y. Quản lý chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật và sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn và các sản phẩm từ lợn; có giải pháp cụ thể, đúng quy định pháp luật để kiểm soát, xử lý đối với các trường hợp hộ dân tự giết mổ, kinh doanh sản phẩm từ lợn không đúng quy định, giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch lây lan ra các địa bàn lân cận.

 

Yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương phối hợp với UBND các huyện, thành phố, cử cán bộ chuyên môn, triển khai ngay các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại địa phương, không để lây lan ra diện rộng; kịp thời hỗ trợ vật tư, hóa chất để tiêu độc, khử trùng ổ dịch bệnh; chú trọng việc khoanh vùng, xác định các địa bàn trọng điểm, nguyên nhân chính phát sinh dịch bệnh để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả.../.

 

Thái Ninh