Thứ 7, Ngày 20/04/2024 -

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ thị tăng cường mở rộng tín dụng; ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen
Ngày đăng: 29/07/2019  08:16
Mặc định Cỡ chữ
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chỉ thị 22-CT/TU yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường các giải pháp mở rộng tín dụng; ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.

 

 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo tại Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng và ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen” tháng 6 vừa qua

 

Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội". Các chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững được triển khai có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

 

Tuy nhiên, việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách còn một số hạn chế, bất cập; nhiều người dân vẫn chưa tiếp cận được với các dịch vụ tài chính lành mạnh của các ngân hàng; dẫn đến tình trạng phải vay từ các nguồn vốn không chính thức, cơ sở hoạt động “tín dụng đen”. Hoạt động “tín dụng đen” hiện diễn biến phức tạp với thủ đoạn rất tinh vi, gây mất an ninh, trật tự và lo lắng, bức xúc trong Nhân dân.

 

Theo đó, tại Chỉ thị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; các huyện ủy, thành ủy tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng để người dân chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng lành mạnh.

 

Ngoài ra, tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi, lừa đảo để cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân hiểu rõ hành vi, hậu quả của hoạt động “tín dụng đen”. Vận động người dân không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, kinh doanh tài chính để vi phạm pháp luật.

 

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất theo đúng quy hoạch, về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất nhằm hạn chế rủi ro khi xảy ra hạn hán, mất mùa, mất giá…, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến đời sống.

 

Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"... tại cơ sở, khu dân cư, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Triển khai thực hiện ký cam kết, giao ước thi đua xây dựng gia đình, địa bàn, khu dân cư, xã, phường, thị trấn, trường học… không tổ chức, tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.

 

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong quản lý cán bộ, công chức. Nghiêm cấm cán bộ, công chức tham gia hoạt động góp vốn, huy động vốn và môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, đòi nợ... trái quy định của pháp luật.

 

Tại Chỉ thị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện ủy, thành ủy lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

 

Thường xuyên rà soát, tháo dỡ, xóa bỏ quảng cáo, rao vặt không đúng quy định, gây phản cảm, mất mỹ quan, gắn với thực hiện lĩnh vực đột phá về chỉnh trang, đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng tuyến phố, khu dân cư văn minh, xanh-sạch-đẹp.

 

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các ngành nghề kinh doanh tài chính, kinh doanh có điều kiện. Thường xuyên thanh tra, giám sát hoạt động của các cơ sở, tổ chức tài chính, cầm đồ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp hoạt động trái pháp luật.

 

Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kon Tum chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và tín dụng chính sách; trong đó, đa dạng các hình thức cho vay; tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt trong thủ tục cho vay và thanh toán giúp người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn vay. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; các chương trình tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm.

 

Đồng thời, thực hiện tốt nghiệp vụ ngân hàng theo chỉ đạo của cấp trên, không để một số đối tượng lợi dụng tiếp tay cho hoạt động tín dụng đen. Rà soát, xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định đối với một số nhân viên ngân hàng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, có hành vi móc nối với các đối tượng cho vay nặng lãi, đảo nợ, cho vay trái quy định của pháp luật (nếu có).

 

Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án “cho vay tiêu dùng và mở rộng đối tượng cho vay sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh Kon Tum” để triển khai thực hiện.

 

Đảng ủy Công an tỉnh lãnh đạo Công an tỉnh thường xuyên mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm, triệt xóa các tụ điểm nghi vấn cho vay nặng lãi. Tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, kịp thời đưa vào diện quản lý các đối tượng có hành vi nghị vấn có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” để phát hiện, xử lý. Lập đường dây nóng về tin báo, tố giác tội phạm nói chung và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” nói riêng để kịp thời xử lý theo quy định.

 

Phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến "tín dụng đen", góp phần vào công tác răn đe, phòng ngừa.

 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng công tác thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng về các chính sách tín dụng của các ngân hàng; về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"; các vụ việc liên quan đến "tín dụng đen" bị phát hiện, xử lý.

 

Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục phối hợp với ngành Ngân hàng trên địa bàn tuyên truyền các chính sách tài chính tín dụng của các ngân hàng và nguy cơ, tác hại của "tín dụng đen"; trong đó tập trung triển khai tuyên truyền đến thôn (làng), khu dân cư, tổ dân phố, kết hợp giới thiệu các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức để người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính lành mạnh; rà soát, nắm chắc nhu cầu vay vốn của đoàn viên, hội viên, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn để tuyên truyền, vận động, kết nối, tạo điều kiện để các đối tượng này tiếp cận với các gói tín dụng ưu đãi của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh; thực hiện hiệu quả các hình thức cho vay ủy thác, cho vay thông qua tổ tiết kiệm-vay vốn. Tăng cường giám sát từ địa bàn khu dân cư, vận động Nhân dân giám sát và tố giác các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

 

Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh và đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh lãnh đạo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách tín dụng trên địa bàn tỉnh.

 

Bài, ảnh: A Lê Khăm