Thứ sáu, Ngày 26/04/2024 -

Giữ gìn vốn quý của ông bà
Ngày đăng: 05/08/2019  21:21
Mặc định Cỡ chữ
Trước đây, ông A Thuih ở Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà chưa khi nào phải bận tâm đến bảo tồn nét đẹp văn hóa dân gian trong cộng đồng vì đã có anh trai là nghệ nhân A Thiuh và các nghệ nhân cao niên tài nghệ trong làng chăm lo. Sau này, nghệ nhân A Thiuh già yếu, bệnh tật, rồi qua đời và một số nghệ nhân lão luyện cũng chuyển đi nơi khác; mọi việc liên quan đến gìn giữ, trao truyền, tổ chức biểu diễn văn hóa dân gian của người Rơ Ngao (Ba Na) ở khu dân cư dường như đều do A Thuih “chịu sào”cáng đáng.

 

Nghệ nhân ưu tú A Thuih hát dân ca

 

Nhiều lần gặp nghệ nhân A Thuih ở Kon Trang Long Loi, thấy ông lúc nào cũng luôn tay luôn chân bận rộn. Chuẩn bị dụng cụ để biểu diễn giới thiệu nét đẹp đàn ting ning, klông pút, đi cùng điệu hát dân ca cho đoàn làm phim của VTV ghi hình; tất bật tổng duyệt chuẩn bị  ra mắt đội  nghệ nhân “nhí” của làng tham gia biểu diễn nhân sự kiện đón cồng chiêng; vội vã hoàn thành những công việc cuối cùng phục vụ khai mạc lớp dạy chỉnh chiêng và khóa dệt thổ cẩm truyền thống...

 

 Khóc chào đời ở Kon Trang Long Loi trong một gia đình được biết tiếng là vừa giỏi cồng chiêng vừa hay khúc ca điệu nhạc, từ nhỏ, A Thuih đã sống trong không khí vui tươi của lễ của hội mỗi khi trong nhà, ngoài làng có việc. Thấy anh trai A Thiuh say sưa với cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa, khoảng 9-10 tuổi, A Thuih đã tò mò học theo. Nhặt nhạnh từng mẩu lồ ô  để xếp lại, ban đầu chỉ lò dò gõ lên thành những tiếng vui tai; sau  dần, A Thuih mới  để ý và học hỏi thêm anh trai để làm thành chiếc đàn bằng nứa le be bé. T’rưng không khó làm và ngày trước rất gần gũi, gắn bó với các chàng trai Ba Na những khi ở rẫy. Tuy vậy, trải qua thời gian cùng bao biến đổi của cuộc sống, có thời gian dài, gánh nặng mưu sinh, con cái khiến khúc nhạc lời ca từ thuở ông bà, cha mẹ bị bỏ quên.

 

Thời điểm có ý nghĩa nhất đối với đồng bào Rơ Ngao làng Long Loi là năm 2000, trở lại khôi phục nét đẹp văn hóa truyền thống theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Cùng với phong trào làm sống lại cồng chiêng, lễ hội dân gian, nhà rông truyền thống; ông A Thuih bắt tay vào chế tác lại nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa, mà trước hết là đàn T’rưng. Được giao lưu, biểu diễn, học hỏi nghệ nhân các dân tộc Xơ Đăng, Gia Rai, Giẻ -Triêng anh em; ông còn tự mày mò chế tác và diễn xướng đàn Klông pút vốn là nhạc cụ đặc trưng trong kho tàng văn hóa dân gian của người Xơ Đăng.     

             

Cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số anh em trong tỉnh, người Rơ Ngao (Ba Na) có nhiều lễ hội, song hiện vẫn được  gìn giữ, tổ chức trong cộng đồng là lễ hội mừng nhà rông mới, mừng lúa mới, mừng nước giọt... Bằng vốn quý văn nghệ dân gian và sự nhiệt tình, tâm huyết của mình, ông A Thuih luôn cùng với một số “cây đa cây đề” trong lĩnh vực văn hóa dân tộc của làng chịu khó truyền dạy, chỉ dẫn cho lớp trẻ; cũng như tích cực tổ chức, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc trong đời sống cộng đồng. “Cồng chiêng, dân ca, tơ rưng, ting ning... đều là vốn quý, là gốc gác của ông bà, cha mẹ ngày xưa nên con cháu phải có trách nhiệm giữ gìn. Điệu cồng chiêng cổ như thế này, bài tơ rưng, điệu dân ca cũ như thế kia... Từ đấy, mới đặt thêm lời mới, mới đánh thêm những khúc nhạc hay cho thêm phần mới mẻ...”- Ông A Thuih chia sẻ.

 

Nghệ nhân A Thuih tham gia truyền dạy cồng chiêng

 

Thời gian qua, nghệ nhân A Thuih đã tham gia 3 lớp, chỉ dạy cách cồng chiêng cho hơn 40 học viên là các nam thanh niên, trung niên, phụ nữ và các cháu thiếu niên, nhi đồng trong làng; thành lập hai đội cồng chiêng- xoang người lớn và trẻ em thường xuyên tập luyện, biểu diễn. Đặc biệt, đội văn nghệ nhỏ tuổi gồm các nghệ nhân “nhí” diễn tấu nhạc cụ dân tộc mà nghệ nhân A Thuih dày công gây dựng cũng đã được hình thành, hứa hẹn khả năng tạo nguồn lớp nghệ nhân mới triển vọng.

 

Con trai A Ga của nghệ nhân Thuih được cha dạy đàn T’rưng, ban đầu còn bỡ ngỡ, bây giờ 13 tuổi đã thực sự say mê, yêu thích; thành thạo nhiều bài nhạc hay của người Rơ Ngao. Cậu bé là niềm hy vọng của cha mẹ A Thuih và Y Nhuih- những người tự hào được tôn vinh là Nghệ nhân ưu tú, luôn tận tâm giữ gìn vốn quý của ông bà.

                                       

                                                                   Bài, ảnh: Nghĩa Hà