Thứ 4, Ngày 24/04/2024 -

Đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của việc sinh ít con tại vùng ĐBDTTS
Ngày đăng: 16/08/2019  21:30
Mặc định Cỡ chữ
Hiện nay, việc sinh con ít, sinh con nhiều tại các vùng DTTS đã mang lại kết quả trước mắt, cũng như những hệ lụy của nó gây ra. Sự so sánh này đã phần nào giúp các chị em phụ nữ tự ý thức hơn trong việc sinh đẻ có kế hoạch, sinh thưa để đảm bảo sức khỏe, con cái được chăm lo đầy đủ và đời sống gia đình được ổn định hơn.

 

Cán bộ dân số tuyên truyền, vận động sinh ít con, sinh thưa tại gia đình chị Y Gỡ

 

Sinh năm 1976, nhưng chị Y Gỡ ở thôn Điệp Lốk, xã Ia Tăng, huyện Sa Thầy đã có tới 07 đứa con. Sinh con nhiều, đẻ dày, đã làm chị Y Gỡ có phần khắc khổ và già hơn so với tuổi 43 của mình của mình.

 

Chị Y Gỡ – thôn Điệp Lốk nói: “Bây giờ là không đi làm được nữa, mình đẻ nhiều giờ đau lưng, mệt mỏi, không có sức khỏe để đi làm, cuộc sống khó khăn vất vả lắm.Con cái còn nhỏ không biết làm gì hết, phải chăm nó, không làm được gì”.

 

Thiếu ăn thiếu mặc, nhà chỉ có 03 đứa con nhỏ là còn được đến trường học hành. Ngay cả bản thân chị mặc dù đau ốm nhưng cũng không thể đi trạm y tế xã khám bệnh. Kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào người chồng.

 

Gia đình anh A Ngọk và chị Y Hoan chăm sóc mỳ

 

Trái lại với gia đình chị Y Gỡ, gia đình vợ chồng anh A Ngọk và chị Y Hoan cũng ở thôn Điệp Lốk, xã Ia Tăng sinh được 02 đứa con gái, sinh cách nhau tới 10 năm. Con gái lớn của chị năm nay lên lớp 11 và đã biết phụ giúp chị công việc nhà.

 

Cháu Y Ngân con anh A Ngọk và chị Y Hoan tâm sự: “Ba mẹ dành thời gian chăm sóc, quan tâm tới 02 chị em con rất nhiều. Lúc con đi học ở trường nội trú bố mẹ thường lên thăm con, chu cấp cho con tiền ăn tiền, mua quần áo mới. Còn mỗi khi về nhà thì con giúp bố mẹ làm công việc như giặt đồ, nấu cơm, rửa bát để bố mẹ có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn”.

 

“Sinh con ít thì mình có thời gian để chăm sóc bản thân mình, chăm sóc sức khỏe con cái được tốt hơn so với gia đình sinh con nhiều. Vừa yên tâm làm ăn, vừa chăm sóc con cái được nhiều và cho chúng ăn uống, học hành được đầy đủ hơn”- Chị Y Hoan chia sẻ.

 

Không chỉ có điều kiện cho con cái được ăn học đầy đủ, vợ chồng anh A Ngọk còn có thời gian để phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc vườn cây, có nguồn thu nhập ổn định cho gia đình hàng năm.

 

“Sinh con ít thì mình chăm lo cho con cái ăn uống đi học được đầy đủ hơn. Mình cũng có thời gian để mà đi làm, rồi kinh tế gia đình cũng đỡ khó khăn vất vả hơn”- Anh A Ngọk phấn khởi.

 

Ngay từ khi mang thai lần đầu, chị Y Hoan đã được cán bộ y tế của thôn tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng như vận động áp dụng các biện pháp tránh thai, giúp chị em phụ nữ chăm lo bản thân, xây dựng cuộc sống gia đình được tốt hơn.

 

Chị Y Ly – Cộng tác viên y tế thôn Điệp Lốk thông tin: Một số chị em họ nhận thức cao rồi, họ đã sử dụng thuốc tránh thai này, đặt vòng, tiêm. Nhưng bên cạnh đó thì cũng gặp một số khó khăn như một số chị em chưa hiểu được tầm quan trọng của việc sinh ít con, sinh thưa đối với sức khỏe, và phát triển kinh tế gia đình nên họ vẫn sinh con đông:.

 

Chị Y Khoan – Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Tăng, huyện Sa Thầy cho biết: “Thực tế như chúng ta đã thấy thì gia đình mà sinh ít con thì về điều kiện chăm sóc con cái thì cũng được chăm lo đầy đủ hơn. Còn gia đình mà sinh con nhiều thì gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn tiền bạc, con cái ăn học cũng không đến nơi đến chốn, chỉ đợi lớn để kiếm việc làm mà phụ giúp lại gia đình đỡ vất vả hơn thôi”.

 

Cùng với các đơn vị liên quan, Hội LHPN huyện Sa Thầy đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ thực thực hiện KHHGĐ, sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, được 100% chị em phụ nữ trẻ đồng tình thực hiện.

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết – Chủ tịch Hội LHPN huyện Sa Thầy nói: “Chúng tôi vận động chị em phụ nữ không nên phân biệt trai gái, không sinh con thứ 3 trở lên, không nạo phá thai và không đẻ dày, đẻ mau để đảm bảo sức khỏe sinh sản của chị em. Hội LHPN cũng thường xuyên hướng dẫn cho Hội Phụ nữ cơ sở về công tác tuyên truyền theo Nghị định 39 của Chính phủ, trong đó thực hiện cuộc vận động “xây dựng gia đình 05 không, 03 sạch”. Bên cạnh đó cũng là tổ chức sinh hoạt, nêu gương điển hình tiên tiến trong thực hiện sinh ít con, sinh con có chất lượng và đảm bảo được cuộc sống gia đình”.

 

Trình độ nhận thức còn hạn chế và sự bất bình đẳng giới là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh con nhiều tại các vùng DTTS còn khó khăn. Ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người phụ nữ, chất lượng dân số trong tương lai và công tác giảm nghèo của địa phương./.    

                                                                            

Bài, ảnh: A Lê Khăm