Thứ 5, Ngày 28/03/2024 -

Sử dụng hàng Việt Nam là thể hiện lòng yêu nước
Ngày đăng: 21/08/2019  13:29
Mặc định Cỡ chữ
Phát biểu tại buổi tổng kết 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được UBND tỉnh tổ chức vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp khẳng định Cuộc vận động có ý nghĩa sâu sắc và tầm quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài đối với sự phát triển bền vững của đất nước nói chung, của tỉnh nói riêng. Vì vậy, đề nghị các cấp, các ngành và Nhân dân với tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc thiết thực tham gia hưởng ứng Cuộc vận động (CVĐ) góp phần đem lại lợi ích cho quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.

 

Chuyến đưa hàng Việt về nông thôn của các doanh nghiệp

 

Với vai trò, trách nhiệm của mình, UBND tỉnh đã tích cực phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện CVĐ; trong đó, đã phê duyệt các Chương trình xúc tiến thương mại, Chương trình đưa hàng Việt về Nông thôn; chỉ đạo thực hiện các phiên chợ hàng Việt về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để người dân có nhiều cơ hội tiếp xúc, sử dụng các sản phẩm hàng hóa Việt Nam có chất lượng, với giá cả phù hợp. Góp phần loại bỏ hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng đang bày bán ở thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới. Tổ chức, phối hợp tổ chức, tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối giao thương…. hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm.

 

Trong công tác tuyên truyền, vận động, quảng bá hàng Việt Nam, đã có trên 7.400 cuộc tuyên truyền của Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, thu hút trên 325.000 lượt người tham gia; hơn 400 hội nghị - tọa đàm, diễn đàn về cuộc CVĐ. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã phát sóng 834 tin, bài, ảnh, 46 phóng sự tuyên truyền về CVĐ, hàng tuần thực hiện chuyên mục bản tin thị trường trên sóng phát thanh, truyền hình bằng bốn thứ tiếng ; Báo Kon Tum đã thực hiện 1.050 sản phẩm (tin, bài và ảnh đăng trên báo) duy trì chuyên mục “Thông tin giá cả thị trường”, “Người Việt dùng hàng Việt” trên các số báo hàng tuần; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Truyền thông các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về CVĐ…

 

Thông qua công tác tuyên truyền, từng bước đã làm chuyển biến nhận thức và tính tự giác của các cấp, các ngành; trong các năm 2010 - 2019, các cơ quan, đơn vị khi trang bị, mua sắm tài sản công đã ưu tiên lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ là hàng sản xuất tại Việt Nam; người tiêu dùng đã có sự so sánh giữa giá cả và chất lượng của hàng Việt Nam so với hàng ngoại nhập để mua sắm phù hợp với túi tiền; tâm lý “sính” hàng ngoại không còn là mốt mua sắm của nhiều người tiêu dùng như trước đây. Qua khảo sát tại 02 Siêu thị, các chợ đầu mối, một số trung tâm thương mại của các huyện, thành phố và các quầy tạp hóa ở khu vực nông thôn có khoảng 80 đến 90% hàng hóa được bày bán là hàng Việt với chủng loại phong phú, đa dạng.

 

Trong 10 năm (2010 - 2019), HĐND, UBND tỉnh đã sửa đổi, bổ sung, ban hành trên 26 văn bản về cơ chế, chính sách liên quan để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà sản xuất, tạo môi trường lành mạnh của thị trường nội địa để tăng sức mua sắm của người tiêu dùng; có trên 30% thủ tục hành chính đã được cắt giảm có liên quan đến đầu tư, đăng ký kinh doanh, thẩm định và trình duyệt các dự án nhằm giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

 

Ban Chỉ đạo CVĐ đã phối hợp với Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Tài chính vận động các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư ưu tiên mua sắm hàng hóa, máy móc thiết bị và sử dụng các loại vật tư trong nước, nhất là đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước; đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thực hiện việc phân chia các gói thầu có quy mô phù hợp, tạo điều kiện cạnh tranh tối đa cho các doanh nghiệp trong nước nhận được hợp đồng, ưu tiên tạo việc làm cho người lao động tại chỗ.

 

Đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa, chỉ tổ chức đấu thầu quốc tế khi hàng hóa, vật tư, thiết bị trong nước không đáp ứng được yêu cầu của gói thầu, hoặc trong nước chưa đủ khả năng đáp ứng theo yêu cầu của nhà tài trợ đối với những gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn ODA.

 

Trong các năm 2015-2019 UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho 167 dự án với tổng vốn 23.720,8 tỷ đồng; thẩm định và phê duyệt 58 gói thầu mua sắm hàng hóa từ nguồn ngân sách, thực hiện mua sắm hàng hóa, máy móc thiết bị và sử dụng các loại vật tư xây dựng sản xuất trong nước với tổng số vốn hơn 77 tỷ đồng.

 

Thực hiện chương trình bình ổn giá nhân dịp Tết cổ truyền, mỗi năm UBND tỉnh trích từ 12 đến 13,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà phân phối vay không lãi suất để tạm trữ hàng hóa bình ổn phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp tết, đồng thời tổ chức các đợt bán hàng lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa; các doanh nghiệp, nhà phân phối đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào, đảm bảo chất lượng kết hợp với chương trình giảm giá, khuyến mại.

 

Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã tạo được ấn tượng, giúp cho người dân có cơ hội tiếp cận nhiều chủng loại hàng hoá chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng, với giá ưu đãi, góp phần bình ổn thị trường nông thôn, người dân vùng nông thôn, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận hàng Việt “Chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả mềm”. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội, quảng bá thương hiệu và tạo nên mối liên hệ giữa người tiêu dùng nông thôn và hàng hoá trong nước.

 

Trong 10 năm (2010-2019), UBND tỉnh đã giao cho các ngành chức năng phối hợp tổ chức 66 Hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh, thu hút 3.159 lượt doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia với 7.307 gian hàng, thu hút hơn 1.877.400 lượt khách hàng tham gia mua sắm, với tổng doanh thu trên 125,595 tỷ đồng. Ngoài ra đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà phân phối trong tỉnh tham gia 15 Hội chợ ngoài tỉnh và 06 Hội chợ Quốc tế tại nước bạn Lào, Campuchia, Thái Lan...

 

Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh đã và đang được quan tâm thực hiện, UBND tỉnh đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Cao su, Cà phê, Sâm Ngọc Linh, rau, hoa, quả xứ lạnh, rượu sim, rượu gạo lúa đỏ, Hồng đẳng sâm, Đương quy,... một số sản phẩm lợi thế của địa phương bắt đầu đã xây dựng được thương hiệu và được người tiêu dùng trong tỉnh và cả nước chấp nhận như: sản phẩm cà phê “vị đắng” của Đăk Hà; các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh, cà phê “Da Vàng”, sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của thành phố Kon Tum; sản phẩm rau, hoa, quả xứ lạnh, rượu sim, rượu gạo lúa đỏ của Kon Plông... 

 

Việc triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường được thực hiện, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá đột biến. Từ năm 2009-2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo trích gần 130 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh vay không lãi suất để tạm trữ hàng hóa, thực hiện chương trình bình ổn giá và phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của Nhân dân.

 

Hàng năm UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, duy trì các tổ, đội quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra nắm tình hình, thu thập và xử lý thông tin về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Kết quả trong 10 năm (2010-2019) đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý 17.297 vụ, thu nộp ngân sách từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu, phạt bổ sung và truy thuế số tiền trên 130 tỷ đồng.

 

Có thể thấy, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh kêu gọi và phát động, qua 10 năm triển khai thực hiện, CVĐ đã đạt được nhiều thành công nhất định; tạo được sự hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân; các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh./.

 

Bài, ảnh: Dương Nương