Thứ 5, Ngày 25/04/2024 -

Đa dạng, tinh tế của các loại nhạc cụ làm bằng tre nứa của người Giẻ -Triêng
Ngày đăng: 19/09/2019  14:09
Mặc định Cỡ chữ
Từ nguyên vật liệu là các loại tre, nứa được khai thác từ rừng, nhưng với bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của các nghệ nhân Giẻ -Triêng xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi đã cho ra đời nhiều loại nhạc cụ dân tộc làm bằng tre nứa, vừa đa dạng lại không kém phần tinh tế, mang đậm nét độc đáo riêng trong sinh hoạt văn hoá truyền thống của đồng bào Giẻ -Triêng nơi vùng đất ngã ba biên giới.

 

Đồng bào Giẻ -Triêng có trên 10 loại nhạc cụ được chế tác từ các loại tre, nứa, lồ ô; được chia làm hai nhóm đó là nhạc cụ thổi bằng hơi như đàn Đinh Tút, đàn Đoar, khèn, Đol Đô, Ta Lun, Ta Lin và nhóm nhạc cụ dây như  Ong eng, Pin Pui, Pin Loong, ToaR... Sự khác nhau trong cách chế tác sẽ tạo nên những giai điệu khác nhau của từng loại nhạc cụ, song chúng đều có điểm chung là mộc mạc.

 

Già làng Brol Vẻ với bộ sưu tập các loại nhạc cụ bằng tre, nứa do ông chế tạo

 

Già làng Brol Vẻ, ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục cho biết, mỗi nhạc cụ của người Giẻ -Triêng ở Ngọc Hồi có một tác dụng khác nhau, được dùng vào mỗi hoàn cảnh khác nhau, những âm thanh ấy mỗi khi cất lên đều thể hiện tâm tư, tình cảm, tiếng lòng của người chơi đàn hay của cả cộng đồng làng được gửi gắm qua từng giai điệu. Hay nói đúng hơn, mỗi âm thanh chính là những thông điệp từ cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt của người Giẻ Triêng gắn liền với những nét văn hoá tâm linh, tín ngưỡng truyền thống.

 

Nhạc cụ đầu tiên của đồng bào Giẻ - Triêng phải kể tới là Đinh Tút. Đinh Tút là loại nhạc cụ hơi được cấu tạo gồm 6 ống nứa dùng cho 6 người thổi, các có chiều dài từ 60 – 105cm, đường kính khoảng 3cm. Các ống Đinh Tút có cấu tạo khá đơn giản, một đầu rỗng để thổi và một đầu có mấu kín. Đầu thổi được khoét vát hai bên tạo thành hình bán nguyệt để khi diễn tấu môi dưới của người thổi ôm khít vào một bên miệng ống. Mỗi ống thổi tương ứng với một nốt nhạc trầm bổng khác nhau.

 

Nhạc cụ này thường chỉ dùng cho lễ cúng, đặc biệt là lễ cúng lúa, để gọi hồn lúa, đưa đường đón lúa từ nương rẫy về làng. Mà hồn lúa theo quan niệm của người Giẻ Triêng là một cô gái xinh đẹp nhưng rất yếu đuối, nhút nhát. Nếu thấy bóng dáng đàn ông, nàng tiên lúa sẽ xấu hổ, bỏ chạy và như vậy thì sang năm dân làng sẽ mất mùa, đói kém cho nên khi thổi Đinh Tút, đàn ông dứt khoát phải mặc trang phục của đàn bà. Vậy là, từ một quan niệm mang tính lễ nghi nông nghiệp đã hình thành lối diễn tấu nhạc cụ rất độc đáo có một không hai của đồng bào Giẻ Triêng. Đinh Tút là một loại đàn, song để sử dụng được phải có đủ tập thể 6 người nên từ đó người dân cũng thêm gắn bó, gần gũi nhau hơn, cùng hướng tới mục tiêu xây dựng cuộc sống thôn, làng ấm no.

 

Khèn là nhạc cụ gắn bó với các chàng trai, thường được mang theo bên mình khi đi rừng, đi rẫy. Khèn cấu tạo gồm 14 ống nứa ghép thành hai hàng song song. Các cặp ống song song có chiều dài bằng nhau, ở các đoạn ống nứa nằm phía trong của bầu thổi có gắn một lưỡi gà bằng đồng. Khèn là loại nhạc cụ đa thanh, trường độ, cao độ tương đương với các cặp ống, kỹ thuật diễn tấu linh hoạt. Loại đàn này dành cho nam giới sử dụng và thường được dùng độc tấu.

 

Khèn là âm thanh của giao duyên, của tình yêu đôi lứa, được các chàng trai mang theo khi đi rừng, đi rẫy, đi săn. Theo đó, khi chàng có người yêu, nhưng họ phải đi đâu đó xa nhau, không được nhìn gặp người con gái của mình, họ sẽ mượn tiếng Khèn để gửi gắm nỗi nhớ nhung đó. Trong các giai điệu sẽ thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc của tình yêu như lúc ở bên nhau, lúc hai người hò hẹn, niềm vui khi hai người gặp lại nhau, ước mơ về một mái nhà mà hằng ngày hai vợ chồng được ở bên nhau, cùng nhau đi rẫy, cùng nhau làm việc...

 

Còn đàn Pin Pui lại chỉ được dùng ở trong nhà, khi hai vợ chồng trò chuyện bên bếp lửa, họ tính toán việc làm nương, làm rẫy, nuôi con...nói chung là tính việc gia đình. Những lúc ấy, người chồng sẽ chơi Pin Pui để cho vợ nghe, âm thanh của tiếng đàn sẽ giúp hai vợ chồng minh mẫn, sáng suốt hơn trong việc bàn bạc, đưa ra những dự định trong cuộc sống; từ đó tình cảm vợ chồng thêm gắn bó.

 

Một trong những loại đàn cũng rất độc đáo, được sử dụng nhiều trong đời sống sinh hoạt của người Giẻ Triêng đó là đàn Gor. Loại đàn này giống như cây sáo có cấu tạo khá đơn giản được làm bằng một ống nứa nhỏ có đường kính khoảng 1,2cm, có chiều dài gần 1m, một đầu rỗng, một đầu có mấu, tuy nhiên, loại nứa này rất khó kiếm vì đòi hỏi cây nứa phải có ống rất dài. Ở đầu có mấu, người ta khoét một lỗ thổi hình chữ nhật và có gắn lưỡi gà làm bằng tre. Trên thân ống đàn chỉ có một lỗ bấm nằm cách đuôi 20cm, dùng cho nam giới thổi và cũng thường dùng để độc tấu.

 

Đàn Gor thì lại được đồng bào Giẻ Triêng dùng vào những lúc cơn mưa rừng Tây Nguyên như trút nước, hay lúc ở nhà trông coi trẻ con, mọi người không thể lên nương rẫy được, lúc đó, họ đưa ra thổi để thể hiện cảm xúc nhớ rừng, nhớ cái nương, cái rẫy...

 

Còn các loại đàn Pin Loong, Loong linh linh, Tan Lun, Ta Lin... thì gắn chặt với đời sống lao động sản xuất của người dân. Âm thanh của các loại đàn được dùng để xua đuổi con chim, con chuột trong rừng, để cổ vũ tinh thần lao động sản xuất, mỗi tiếng đàn đều thể hiện ước mơ của con người về những mùa lao động vui vẻ, bội thu, không bị các loại thú rừng phá hoại. Vì vậy, các loại đàn này thường được cấu tạo đơn giản bao gồm nhiều thanh tre, nứa kết lại bằng dây treo rồi trên cây lớn, không cần người chơi mà nhờ vào gió tự nhiên, khi gió thổi qua các ống nứa sẽ va chạm vào nhau tạo nên những âm thanh vui tai.

 

Trải quan nhiều thế hệ, bằng sự sáng tạo, tích luỹ của người dân, đến nay, các loại nhạc cụ từ tre nứa của người Giẻ -Triêng rất phong phú, đa dạng, có cái cầu kỳ đòi hỏi sự khéo léo, điêu luyện trong chế tác, tinh sảo trong cách thổi; song lại có những loại đơn giản, mộc mạc. Nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu làm cho đời sống văn hoá tinh thần của người dân thêm phong phú, gần giũ, gắn bó với nhau hơn, lao động sản xuất giỏi hơn, bảo vệ thôn làng tốt hơn...

 

Bài, ảnh: A Lê Khăm