Thứ sáu, Ngày 19/04/2024 -

Chỉ đạo, điều hành nổi bật từ ngày 30/9 đến ngày 04/10/2019
Ngày đăng: 06/10/2019  16:17
Mặc định Cỡ chữ
(kontum.gov.vn): Ban hành Quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi; Chấn chỉnh công tác kiểm soát TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng; Tăng cường công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ; Xử lý tình trạng vứt xác lợn ra môi trường làm ô nhiễm và lây lan dịch bệnh; Tăng cường công tác quản lý kiểm soát đối với tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ; Chỉ đạo quản lý nhà nước đối với hoạt động khoán quản lý bảo vệ rừng, diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng; Tăng cường công tác phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 30/9 đến ngày 04/10/2019.

 

Ban hành Quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi:

 

Thực hiện các quy định của pháp luật, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND ngày 01/10/2019 Quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi, việc cắm mốc chỉ giới và khoảng cách giữa các mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

 

Về phạm vi vùng phụ cận của công trình thủy lợi: (1) Đối với đập dâng, phạm vi vùng phụ cận được tính từ đường bao công trình trở ra là 10m; (2) Đối với công trình tràn xả lũ của hồ chứa, phạm vi vùng phụ cận được tính từ giao điểm của chân mái ngoài của tràn với mặt đất tự nhiên trở ra là 5m; (3) Vùng phụ cận của kênh được xác định: Kênh có lưu lượng nhỏ hơn 0,5m³/s, phạm vi bảo vệ được tính từ chân mái ngoài bờ kênh với mặt đất tự nhiên trở ra 0,5m đối với kênh đất và kênh kiên cố; Kênh có lưu lượng từ 0,5m³/s đến dưới 02m³/s phạm vi bảo vệ được tính từ chân mái ngoài bờ kênh với mặt đất tự nhiên trở ra từ 0,5m đến 02m đối với kênh đất, từ 0,5m đến 1,5m đối với kênh kiên cố; (4) Phạm vi bảo vệ hạng mục chôn chìm (đường ống, xi phông...), cầu máng được tính từ đường bao của hạng mục công trình ra các phía là 2,0m; (5) Đối với trạm bơm có hàng rào bảo vệ, phạm vi vùng phụ cận được tính từ mép ngoài móng hàng rào bảo vệ trở vào; trường hợp nền hàng rào là đất đắp thì tính từ chân mái đắp trở vào. Đối với trạm bơm không có hàng rào bảo vệ, phạm vi vùng phụ cận được tính là toàn bộ diện tích đất được Nhà nước giao khi xây dựng công trình đưa vào sử dụng; (6) Công trình thủy lợi khi điều chỉnh quy mô, mục đích sử dụng, phải điều chỉnh vùng phụ cận phù hợp với quy định; cơ quan phê duyệt phương án bảo vệ công trình thủy lợi có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh phạm vi vùng.

 

Về khoảng cách các mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập: Đối với đập của hồ chứa nước có dung tích nhỏ hơn 500.000m3 hoặc đập có chiều cao nhỏ hơn 10m và đập quy định tại khoản 1 Điều 4 của Quy định, khoảng cách giữa hai mốc liền nhau là 50m (trường hợp đập gần khu đô thị, dân cư tập trung khoảng cách giữa hai mốc liền nhau là 20m). Khoảng cách các mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ lòng hồ chứa nước: Đối với lòng hồ chứa nước có dung tích nhỏ hơn 500.000m3, khoảng cách giữa hai mốc liền nhau từ 100m đến 300m và tại các điểm chuyển hướng; khu vực lòng hồ có độ dốc lớn hoặc không có dân cư sinh sống khoảng cách giữa hai mốc liền nhau từ 500m đến 1.000m và tại các điểm chuyển hướng. Khoảng cách các mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ kênh: Đối với kênh có lưu lượng nhỏ hơn 05m³/s, khoảng cách hai mốc liền nhau từ 100m đến 200m; trường hợp kênh ở khu vực đô thị, khu dân cư tập  trung khoảng cách hai mốc liền nhau từ 50m đến 100m; tại các điểm chuyển hướng của đường chỉ giới phải có mốc. Đối với công trình quy định  tại  khoản 2 Điều  4 của quy định này, khoảng cách giữa hai mốc liền nhau là 50m; tại các điểm góc của đường chỉ giới phải có mốc. Đối với các công trình quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 4 của Quy định, khoảng cách giữa hai mốc liền nhau từ 20m đến 50m; tại các điểm góc của đường chỉ giới phải có mốc.

 

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 11/10/2019 và thay thế Quyết định số 45/2013/QĐ-UBND ngày 22/10/2013 của UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quy định về phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

 

Chấn chỉnh công tác kiểm soát TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh:

 

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) nói chung và cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 04/10/2019 về việc chấn chỉnh công tác kiểm soát TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương:

 

Tiếp tục nghiên cứu, tổ chức quán triệt các quy định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về CCHC (nhất là cải cách TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia... Chỉ đạo triển khai nghiêm túc các quy định về kiểm soát TTHC (trình công bố, niêm yết công khai TTHC; thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã; khắc phục tình trạng chậm trễ trong giải quyết và trả kết quả xử lý TTHC, trả lại hồ sơ nhiều lần; thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính...).

 

Tổ chức kiểm tra việc giải quyết TTHC của các đơn vị, địa phương thuộc phạm vi quản lý; kịp thời xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây bức xúc đối với người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ kiểm soát TTHC trong cơ quan, đơn vị, địa phương...

 

Yêu cầu các cơ quan thông tin, truyền truyền trên địa bàn tỉnh dành thời lượng phù hợp để thông tin, tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp về nội dung công tác CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh...

 

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp tuyên truyền về công tác CCHC (trọng tâm là cải cách TTHC); phát huy vai trò giám sát của các cơ quan đoàn thể và Nhân dân đối với hoạt động của chính quyền trong công tác CCHC...

 

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất, quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh:

 

Tại buổi làm việc với các cơ quan, địa phương liên quan về xử lý các khu nhà ở tự hình thành, phân lô bán đất, xây dựng nhà trái phép trên địa bàn thành phố Kon Tum, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

 

(1) Các cơ quan liên quan của tỉnh khẩn trương tham mưu UBND tỉnh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp không phải là đất ở trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý xây dựng đường giao thông tại các vị trí chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, không phù hợp với quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 được phê duyệt. Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác chỉnh lý biến động trên giấy chứng nhận QSD đất, cấp giấy chứng nhận QSD đất nhưng chưa lập thủ tục thu hồi đất, chưa lập thủ tục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đối với các trường hợp hiến đất mở đường, tách thửa để phân lô bán nền; trách nhiệm trong việc chấp thuận đấu nối các vị trí sai phạm vào Tỉnh lộ; thanh tra các vi phạm trong công tác quản lý sử dụng đất. Rà soát, tổng hợp kết quả tự kiểm tra các trường hợp phân lô bán đất, đầu tư xây dựng nhà ở thương mại của địa phương, trường hợp cần thiết có thể tiến hành phúc tra...

 

(2) UBND thành phố Kon Tum chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường tăng cường công tác kiểm tra trật tự xây dựng trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm; kiểm tra toàn diện công tác cấp Giấy phép xây dựng, việc xác nhận hiến đất để mở đường tại các khu vực phân lô bán nền trái quy định; xử lý theo quy định pháp luật các công trình xây dựng trên đất không đúng mục đích sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; dừng việc xác nhận cho phép hiến đất mở đường không đúng với quy hoạch để tách thửa, phân lô bán nền, có giải pháp để thực hiện có hiệu quả và đúng theo quy định trong thời gian đến; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân, xử lý kịp thời các sai phạm. Xử lý nghiêm vi phạm đối với các vị trí đã nêu theo báo cáo của Sở Xây dựng; tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý sử dụng đất và trật tự xây dựng và đã để xảy ra các trường hợp vi phạm nêu trên...

 

(3) UBND các huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, đặc biệt đối với các trường hợp phân lô bán đất, đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, tránh để xảy ra các vi phạm tương tự như trên địa bàn thành phố Kon Tum; tự rà soát, kiểm tra việc phân lô bán đất, đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn huyện, kịp thời xử lý vi phạm và báo cáo kết quả trước ngày 15/10/2019.

 

Tăng cường công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh:

 

Xét báo cáo của Sở Giao thông vận tải về kết quả xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý hành lang an toàn đường bộ cho các hộ dân sinh sống dọc các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ biết, thực hiện; phối hợp với chính quyền địa phương vận động các hộ dân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, cấp phép xây dựng và triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ dọc các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ và đường địa phương. Xây dựng kế hoạch và tổ chức xử lý, giải tỏa theo đúng quy định đối với các công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ còn tồn tại từ năm 2013 đến nay, có giải pháp nhằm ngăn chặn kịp thời, không để phát sinh các trường hợp vi phạm mới. Tổ chức kiểm tra, rà soát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn nhằm tránh tình trạng cấp quyền sử dụng đất nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn đường bộ và hành lang cầu, cống.

 

Giao Sở Giao thông vận tải tiếp tục triển khai cắm mốc lộ giới xác định giới hạn đất của đường bộ, phần đất hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến Quốc lộ được ủy thác quản lý; chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm mới phát sinh để phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tự giác tháo dỡ hoặc xử lý theo đúng quy định; huy động phương tiện, thiết bị và lực lượng chức năng để tham gia, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ khi có yêu cầu; nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ giai đoạn từ năm 2019 - 2020...

 

Xử lý dứt điểm tình trạng vứt xác lợn ra môi trường làm ô nhiễm và lây lan dịch bệnh:

 

Triển khai đề nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn huy động các lực lượng của địa phương tổ chức phát hiện, kịp thời thu gom, tiêu hủy xác lợn chết vứt ra ngoài môi trường trong vòng 24h kể từ khi phát hiện xác lợn chết theo quy định; chấm dứt ngay tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường. Giao và chỉ đạo các lực lượng Công an của địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở, người dân theo dõi, điều tra, bắt và xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác lợn chết, lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh ra môi trường làm ô nhiễm và lây lan dịch bệnh. Tổ chức phòng, chống và khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn theo đúng quy định và chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh.

 

Yêu cầu các cơ quan liên quan của tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường của địa phương có biện pháp nghiệp vụ điều tra, ngăn chặn và cần thiết xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác lợn chết, lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường; hướng dẫn kỹ thuật để kiểm soát, xử lý môi trường khi tiêu hủy lợn bệnh, sản phẩm từ lợn bệnh, đặc biệt đối với một số lượng lớn phải tiêu hủy theo từng địa phương, khu vực vào mùa mưa; tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình vứt xác lợn ra môi trường làm ô nhiễm và lây lan dịch bệnh...

 

Tăng cường công tác quản lý kiểm soát đối với tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ:

 

Triển khai ý kiến của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp - PTNT và UBND tỉnh về tăng cường kiểm soát loài tôm càng đỏ và tôm hùm nước ngọt trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là kinh doanh thủy sản làm cảnh, giải trí nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi nuôi, lưu trữ, sản xuất, kinh doanh trái phép tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về tác hại của tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ đối với môi trường tự nhiên và sản xuất nông nghiệp; vận động người dân, doanh nghiệp không sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ loài tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ.

 

Giao Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh trái phép tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ trên địa bàn tỉnh, kịp thời xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; tổng hợp kết quả triển khai thực hiện của các địa phương, đơn vị, báo cáo theo quy định...

 

Chỉ đạo quản lý nhà nước đối với hoạt động khoán quản lý bảo vệ rừng diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng:

 

Qua rà soát hợp đồng khoán quản lý bảo vệ rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các chủ rừng là tổ chức rà soát lại hợp đồng khoán bảo vệ rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng đã ký kết, trường hợp Hợp đồng có điều khoản chưa phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 69 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, khẩn trương điều chỉnh lại cho phù hợp để chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đảm bảo đầy đủ, kịp thời theo quy định (trước ngày 01/6 năm sau).

 

Giao Sở Nông nghiệp và PTNT; Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chủ động thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm về quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh.

 

Tăng cường công tác phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế:

 

Triển khai Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế và kịp thời ngăn chặn hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và sử dụng quỹ BHYT hợp lý, hiệu quả; UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế: Tăng cường công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BHYT; công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT; thực hiện đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT. Phối hợp với Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác KCB BHYT, đấu thầu, cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế và thanh toán chi phí KCB BHYT tại các cơ sở KCB thuộc quyền quản lý; phòng ngừa và kịp thời phát hiện các hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ BHYT, báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về BHYT; chỉ đạo các cơ sở KCB trực thuộc tăng cường công tác tự kiểm tra phòng chống hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ BHYT tại các cơ sở KCB theo quy định; kiểm soát việc kê đơn, sử dụng thuốc, chỉ định xét nghiệm, chỉ định dịch vụ kỹ thuật và việc tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh; công khai Bảng giá dịch vụ y tế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại nơi tiếp nhận người bệnh và nơi thanh toán; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách TTHC trong KCB. Giám đốc Sở Y tế; người đứng đầu các cơ sở KCB chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra sai phạm trong đơn vị, lĩnh vực công tác được giao.

 

Yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh: Chủ động phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT; tăng cường công tác đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT, công tác giám định chi phí KCB BHYT; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp gian lận BHYT, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến quyền lợi và phạm vi, mức hưởng theo quy định của Luật BHYT...

 

Thái Ninh