Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Chỉ đạo, điều hành nổi bật từ ngày 11 đến ngày 15/11/2019
Ngày đăng: 17/11/2019  10:15
Mặc định Cỡ chữ
(kontum.gov.vn): Bãi bỏ văn bản và nội dung tại các văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành; Chỉ đạo xử lý tai nạn thương tích do vật liệu nổ sau chiến tranh tại huyện ĐăkGlei; Tổ chức lại Trung tâm Giáo dục thường xuyên; Phê duyệt giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn thành phố Kon Tum; Tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm A (H1N1); Tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm và chất gây nghiện trong các trường học... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 11 đến ngày 15/11/2019.

 

Bãi bỏ văn bản và nội dung tại các văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành:

 

Ngày 13/11/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND về bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh Kon Tum ban hành. Theo Quyết định, UBND tỉnh bãi bỏ toàn bộ 17 văn bản quy phạm pháp luật (13 Quyết định và 04 Chỉ thị); bãi bỏ 03 nội dung tại 02 văn bản QPPL do không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ 22/11/2019.

 

Chỉ đạo xử lý tai nạn thương tích do vật liệu nổ sau chiến tranh tại xã Đăk Choong, huyện ĐăkGlei:

 

Xét báo cáo của UBND huyện ĐăkGlei về vụ việc tai nạn thương tích do vật liệu nổ sau chiến tranh tại thôn Đăk Nớ, xã Đăk Choong, huyện ĐăkGlei, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục triển khai Dự án rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Kon Tum (giai đoạn 2016-2020) đã được UBND tỉnh phê duyệt; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân nhằm phòng tránh nguy cơ tai nạn do bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra.

 

Yêu cầu UBND huyện ĐăkGlei tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân phòng tránh nguy cơ tai nạn do bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra; chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát các vật liệu nổ còn sót lại trong các hộ dân, vận động giao nộp cơ quan chức năng để xử lý theo quy định. Giao Sở Lao động - TBXH chủ trì, phối hợp với địa phương, các cơ quan liên quan và Chi hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân.

 

Theo báo cáo của UBND huyện ĐăkGlei, khoảng 08h30' ngày 08/11/2019, 01 hộ gia đình tại thôn Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong, huyện ĐăkGlei tổ chức nấu ăn đã dùng vỏ đạn 105mm kê làm kiềng bếp và vỏ đạn đã phát nổ (vỏ đạn này đã được tháo thuốc nổ và nhiều năm nay đóng ngược xuống đất để làm bàn kê rèn dao, rựa), vụ tai nạn đã làm 09 người bị thương. Sau vụ nổ, chính quyền địa phương đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị chức năng tham gia cứu người và đưa nạn nhận đến Trung tâm y tế chữa trị; tổ chức thăm, động viên và hỗ trợ các nạn nhân; tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức điều tra, làm rõ vụ việc...

 

Tổ chức lại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Kon Tum:

 

Thực hiện các quy định hiện hành, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định tổ chức lại Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum.

 

Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật. Trung tâm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 3, Điều 4 Quyết định số 01/2007/QĐ-BGDĐT ngày 02/01/2007 và Điều 3 Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT ngày 24/ 8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học.

 

Phê duyệt giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn thành phố Kon Tum:

 

Thực hiện các quy định có liên quan, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1282/QĐ-UBND ngày 13/11/2019 phê duyệt giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn thành phố Kon Tum. Theo đó, nước sinh hoạt của các hộ dân cư có các mức giá, cụ thể: Lượng nước sử dụng từ 01m³ - 10m³ đầu tiên (hộ/tháng), giá nước tiêu thụ là 6.700 đồng/m3; từ trên 10m³ - 20m³ (hộ/tháng), có mức giá là 7.900 đồng/m3; từ 20m³ - 30m³ (hộ/tháng), có mức giá là 9.800 đồng/m3; trên 30m³ (hộ/tháng), có mức giá là 14.700 đồng/m3.

 

Giá trên đã bao gồm thuế GTGT, chi phí đấu nối đến khách hàng sử dụng nước, tiền dịch vụ môi trường rừng phải nộp theo quy định. Đối với các đối tượng sử dụng vào mục đích khác như các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ…. Giá tiêu thụ nước sạch do đơn vị cung cấp nước quy định theo phương án giá được UBND tỉnh phê duyệt nêu trên nhưng không vượt hệ số tính giá tối đa quy định tại Thông tư Liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 của liên Bộ: Tài chính - Xây dựng - Nông nghiệp và PTNT.

 

Tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh:

 

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy về tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của tỉnh về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT); trong đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên, người sử dụng lao động, người lao động và Nhân dân tích cực tham gia và thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT; tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thêm mức đóng cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để tham gia BHXH tự nguyện; hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên và tham gia theo hộ gia đình, đảm bảo hướng tới mục tiêu “Mọi người lao động phải được tham gia BHXH, mọi người dân phải được tham gia BHYT”. Đưa chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ đối tượng tham gia BHXH, BHYT vào chương trình, kế hoạch hằng năm của đơn vị, địa phương để tập trung triển khai thực hiện.

 

Yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện tốt việc liên thông, kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu, đảm bảo quản lý được các doanh nghiệp đang hoạt động, số lao động đang làm việc và lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHYT trên địa bàn tỉnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, BHXH, BHYT tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội cùng cấp thực hiện tốt việc liên thông, kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu, đảm bảo quản lý được các doanh nghiệp đang hoạt động, số lao động đang làm việc và lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHYT trên địa bàn quản lý; tập trung rà soát, đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh, tổ hợp tác trên địa bàn quản lý thực hiện đóng đầy đủ BHXH bắt buộc, BHYT cho người lao động...

 

Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm A(H1N1) trên địa bàn tỉnh:

 

Xét báo cáo của Sở Y tế, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm A(H1N1) trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chủ động phối hợp với các Trung tâm Y tế huyện, thành phố, các cơ sở khám chữa bệnh để khống chế kịp thời tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án và chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các khu cách ly để cách ly, điều trị các trường hợp nhiễm cúm A(H1N1) theo đúng quy định, tuyệt đối không được để lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

 

Hỗ trợ kinh phí kịp thời cho công tác phòng chống cúm A(H1N1), đảm bảo cho việc test nhanh phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, công tác giám sát, chống dịch và điều trị dự phòng; rà soát, đảm bảo đủ thuốc, hoá chất, vật tư chuyên dụng để phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh cúm cũng như trang bị phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế trực tiếp tham gia điều tra và phòng chống dịch bệnh.

 

Phối hợp với các cơ quan thông tin báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở về các biện pháp phòng chống dịch cúm A(H1N1); tổ chức truyền thông, hướng dẫn cho người dân về cách nhận biết dấu hiệu của bệnh và các biện pháp phòng chống; cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh đầy đủ, chính xác để người dân, cộng đồng phối hợp tốt với ngành Y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh, không để cộng đồng hoang mang vì thông tin thiếu chính xác...

 

Tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm và chất gây nghiện trong các trường học:

 

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, ngăn chặn tình trạng các đối tượng có thể dùng thủ đoạn pha chế, tẩm ướp các chất gây nghiện vào trong thức ăn, đồ uống để bán cho học sinh, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ảo giác, rối loạn nhận thức, ảnh hưởng đến chất lượng học tập; UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố quan tâm, đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất (bếp ăn được bố trí bảo đảm), trang thiết bị để bảo đảm đủ điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định cho các trường chưa đủ điều kiện; chỉ đạo các trường có tổ chức bếp ăn tập thể thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ kiểm thực ba bước theo quy định; tuyên truyền, vận động phụ huynh thường xuyên quan tâm đến mọi hoạt động của con em mình, kịp thời phát hiện những biểu hiện không thường và không cho con em mua các loại thức ăn, đồ uống không đảm bảo an toàn trước cổng trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát lấy mẫu kiểm nghiệm các chất gây nghiện để phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định; nhà trường thường xuyên kiểm tra, giám sát và nghiêm cấm học sinh mua và dùng các loại thức ăn, đồ uống không đảm bảo an toàn từ bên ngoài; có biện pháp xử lý nghiêm đối với học sinh cố tình vi phạm.

 

Yêu cầu UBND các huyện, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong các trường và kiểm tra các quầy hàng bán thực phẩm rong trước cổng trường cũng như các cửa hàng kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn gần các trường học, nhất là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm có nguy cơ pha, tẩm chất gây nghiện; nghiêm cấm việc bán hàng rong trước cổng trường. Yêu cầu các trường tổ chức tuyên truyền, vận động phụ huynh giáo dục cho học sinh nhận thức được tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là thực phẩm có nguy cơ pha, tẩm chất gây nghiện và cấm không được mua thức ăn, đồ uống bên ngoài đưa vào trường...

 

Thái Ninh