Thứ 5, Ngày 28/03/2024 -

UBND tỉnh giải trình về các nội dung trình Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XI
Ngày đăng: 06/12/2019  10:49
Mặc định Cỡ chữ
Mở đầu buổi làm việc của ngày làm việc thứ 3 – Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XI, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Lê Ngọc Tuấn cảm ơn các đại biểu HĐND tỉnh đã tham gia nhiều ý kiến quan trọng về những hạn chế, yếu kém trong điều hành kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung triển khai trong kế hoạch 2020. Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, tiếp thu để đưa vào nhiệm vụ trọng tâm, chỉ đạo thường xuyên trong năm 2020; đồng thời, lựa chọn những vấn đề lớn, mang tính chất trọng tâm báo cáo, làm rõ tại Kỳ họp.

 

 

Tại các buổi thảo luận tại tổ và Hội trường, nhiều đại biểu đề nghị UBND tỉnh làm rõ cơ sở tính toán tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 đạt trên 12%.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết về tính toán tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 đã được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, tính toán trên cơ sở số liệu cụ thể của từng ngành, lĩnh vực; theo đó UBND tỉnh đã trình Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét, cho ý kiến đối với 3 kịch bản tăng trưởng, mỗi kịch bản tăng trưởng đều có thuyết minh dự báo tăng trưởng cụ thể của từng ngành, lĩnh vực kèm theo. Trên cơ sở các kịch bản tăng trưởng do UBND tỉnh trình, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thảo luận kỹ và thống nhất chọn phương án tăng trưởng trên 12% tại Kết luận số 1195-KL/TU ngày 25 tháng 11 năm 2019.

 

Hiện nay số nợ khó thu hơn 288 tỷ đồng, tình trạng nợ khó thu tăng qua các năm. Đại biểu đề nghị làm rõ vấn và có giải pháp quyết liệt cụ thể hơn.

 

“Để giải quyết vấn đề này, trong năm 2020, ngành Thuế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp như tiếp tục triển khai Phương án thu hồi, xử lý nợ đọng thuế theo chỉ đạo của UBND tỉnh và chỉ đạo của Tổng cục thuế. Theo đó, tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định các hồ sơ gia hạn nộp thuế, xóa nợ, nộp dần tiền thuế, không tính tiền chậm nộp để tránh tình trạng nợ chờ xử lý kéo dài; xử lý các khoản nợ không có khả năng thu hồi; tăng cường việc thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu nợ vào NSNN…” – Phó Chủ tịch Thường trực trả lời.

 

Đánh giá lại các xã đã công nhận bị giảm tiêu chí, trách nhiệm của ngành, địa phương và giải pháp trong thời gian tới. Đại biểu đề nghị xem lại việc huy động sức dân hiện nay trong xây dựng NTM đã phù hợp chưa? nhất là đối với các xã đặc biệt khó khăn.

 

UBND tỉnh thông tin, việc rà soát, đánh giá mức độ đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới đã được các địa phương thực hiện định kỳ hàng quý, trong đó có việc rà soát đánh giá lại đối với những xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM.

 

Thực tế có một số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng sau khi đánh giá lại thì chưa đạt chuẩn đầy đủ 19/19 tiêu chí so với Bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới vì bộ tiêu chí mới yêu cầu cao hơn bộ tiêu chí cũ, đa số là các xã đã được công nhận đạt chuẩn giai đoạn 2010 - 2015.

 

Do đó dẫn đến có một số xã có số tiêu chí không đáp ứng đạt chuẩn giao động từ 2 đến 4 tiêu chí như các xã tại thành phố Kon Tum, Sa Thầy, Đăk Hà và Đăk Tô. Để khắc phục các hạn chế, duy trì và nâng cao các xã đạt chuẩn nông thôn mới, UBND tỉnh đã chỉ đạo và giao trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, từng địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí NTM.

 

Về vấn đề huy động quá sức dân trong xây dựng nông thôn mới: Đối với Chương trình nông thôn mới, Ngân sách Nhà nước hỗ trợ không quá 90% tổng giá trị công trình, phần kinh phí còn lại được huy động từ nguồn hợp pháp khác ngoài ngân sách (bao gồm cả huy động nhân dân tham gia).

 

Đặc biệt, đối với các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, an toàn khu, các thôn đặc biệt khó khăn, thôn người đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đã quy định cụ thể về mức tham gia thực hiện các nội dung đầu tư theo cơ chế đặc thù, cụ thể người dân chỉ tham gia đóng góp theo tỷ lệ 30% nhân công để thi công (đối với bê tông hóa đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng) và tham gia nhân công và đóng góp làm nhà văn hóa (nhà rông, nhà dài, nhà truyền thống....) nhưng chủ yếu cũng chỉ là tham gia ngày công.

 

Do đó, có thể khẳng định đối với tỉnh Kon Tum không có tình trạng huy động quá sức dân và quy định mức tham gia của người dân là phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương; việc xây dựng nông thôn mới trên tinh thần tự nguyện tham gia và không chạy theo thành tích.

 

Đại biểu nêu ý kiến, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được giao đất nhưng sử dụng đất không đúng mục đích như: Tự mở đường, xây dựng nhà ở hoặc cho thuê nhà ở, kinh doanh trên đất nông nghiệp, phân lô bán nền hình thành các khu dân cư không đảm bảo quy định; việc xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, xây dựng sai nội dung giấy phép, xây dựng trên đất không phù hợp với quy hoạch được duyệt; tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, trật tự đô thị ... (nhất là tại trung tâm các huyện và khu vực nội thành phố Kon Tum).

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trả lời, qua kiểm tra rà soát tình trạng tự ý xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ mục đích kinh doanh trên đất nông nghiệp; không theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tự phân lô, xây dựng nhà ở để kinh doanh, không lập dự án trình cấp có thẩm quyền xem xét... chủ yếu xảy ra trên địa bàn thành phố Kon Tum, gồm có 06 vị trí; về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng và hành lang an toàn đường bộ tại một số công trình xây dựng dọc đường Hồ Chí Minh (đoạn từ Tỉnh lộ 675 đến thị trấn Đăk Hà) đã phát hiện 05 trường hợp xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng (sai phép, không phép, vi phạm chỉ giới xây dựng, xây dựng trên phần đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

 

Để xảy ra tình trạng trên trong thời gian qua là do các cơ quan quản lý nhà nước (Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường) và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã buông lỏng công tác quản lý nhà nước về xây dựng và trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn; công tác kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; công tác phối hợp giữa ngành và các địa phương chưa chặt chẽ; đặc biệt là việc xử lý vi phạm đối với các trường hợp vi phạm chưa kiên quyết dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình chưa chấp hành nghiêm quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

 

Để xử lý vấn đề trên, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành để thanh tra, kết luận vi phạm và xử lý cụ thể từng trường hợp theo quy định của pháp luật; đồng thời đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2020 để tiếp tục thanh tra tại một số địa phương nhằm kịp thời phát hiện, xử lý và chấn chỉnh các trường hợp sai phạm (nếu có).

 

Các đại biểu thảo luận tại Tổ

 

Qua thảo luận của các Tổ đại biểu, nhiều đại biểu quan tâm và tán thành cao với chủ trương ban hành Đề án nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, còn nổi lên nhiều ý kiến về đối tượng, lãi suất, thời hạn, mức vay; cơ chế, quy trình và thủ tục cho vay, xử lý nợ rủi ro; thẩm quyền phân bổ, quản lý, sử dụng lãi suất, phí dịch vụ ủy thác

 

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, UBND tỉnh sẽ rà soát, nghiên cứu xây dựng lại đối tượng cho vay theo hướng tập trung vào đối tượng cho vay tiêu dùng là hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại địa phương thuộc tỉnh Kon Tum, đang gặp khó khăn về tài chính, dễ bị các đối tượng tín dụng đen lôi kéo; đồng thời đảm bảo chặt chẽ, tránh tình trạng trục lợi chính sách và phù hợp với tình hình ngân sách địa phương.

 

 Về mức vay, UBND tỉnh cho rằng việc quy định mức vay tối đa 30 triệu đồng/hộ là phù hợp với mục tiêu Đề án và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh. Để giải ngân nguồn vốn cho vay trong thời gian sớm nhất, hạn chế tình trạng các đối tượng tín dụng đen lôi kéo, Ngân hàng Chính sách Xã hội phải đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay. Do đó, lãi suất cho vay sẽ được UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chủ trì nghiên cứu xây dựng trên nguyên tắc bảo toàn và phát triển nguồn vốn cho vay.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn khẳng định, đây là chính sách nhân văn được nhiều cử tri và đại biểu quan tâm, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong quá trình xây dựng Đề án, lấy ý kiến tham gia của các cơ quan Trung ương; song còn nhiều vấn đề qua thảo luận của các Tổ đại biểu cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện. Để chính sách khi ban hành có sự đồng thuận, tính khả thi cao và đi vào cuộc sống, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì xây dựng Đề án nghiên cứu tiếp thu ý kiến tham gia của Đại biểu để hoàn thiện Đề án, dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh tại kỳ họp tới.

 

Ngoài ra, một số nội dung được cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm cũng được Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn báo cáo tại Kỳ họp như: việc chuyển ngạch, chuẩn hóa đối với giáo viên đủ bằng cấp, tiêu chuẩn theo quy định; kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2019; tình hình thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh...

 

Dương Nương (tổng hợp)