Thứ 5, Ngày 25/04/2024 -

Lên Măng Đen ngắm Mai anh đào
Ngày đăng: 03/01/2020  13:55
Mặc định Cỡ chữ
Những ngày này, đặc biệt là vào ngày nghỉ cuối tuần và ngày Tết dương lịch vừa qua, mặc dù trên địa bàn huyện Kon Plông có mưa, nhưng vẫn thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài tỉnh đến với cao nguyên Măng Đen để được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của hoa Mai anh đào đang nở hồng khắp các triền đồi.

 

Mai anh đào nở rộ ở khu vực hồ Đăk Ke

 

Theo thông báo của UBND huyện Kon Plông, Lễ hội “Mùa hoa Mai anh đào Măng Đen” năm nay diễn ra trong 22 ngày, từ ngày 27/12/2019 – 17/01/2020.

 

Chị Trần Lan Phương, người dân thị trấn Măng Đen cho biết, năm nay thời tiết vừa se lạnh, vừa nắng nhẹ nên hoa Mai anh đào bung nở rộ, nở sớm, cánh đều, chứ như mọi năm vào thời điểm này hoa mới chỉ nở lác đác. Năm nay là năm hoa Mai anh đào nở rộ nhất, đều nhất và đẹp nhất từ trước đến nay.

 

Du khách tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc đẹp bên hoa Mai anh đào

 

“Chúng tôi biết tới Măng Đen nhờ Fecebook của một người bạn ở Kon Tum. Măng Đen có những cánh rừng thông, thác nước rất đẹp, đặc biệt là thời điểm này, Mai anh đào đang nở rộ, nên vợ chồng tôi quyết định tranh thủ 2 ngày nghỉ cuối tuần bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra đây để được tận mắt thưởng lãm. Măng Đen có vẻ đẹp tựa như Đà Lạt, nhưng có điều khác biệt là Măng Đen còn giữ được vẻ hoang sơ - quà tặng của thiên nhiên” – Anh Hải, chị Trân du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

 

Mai anh đào soi bóng xuống hồ Đăk Ke đẹp như tranh vẽ

 

Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Kon Plông, hiện trên địa bàn huyện có khoảng trên 20.000 cây hoa Mai anh đào, được trồng tập trung nhiều nhất ở khu vực thị trấn Măng Đen.

 

Ông Phạm Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, để đón du khách đến với Măng Đen trong dịp Lễ hội hoa Mai anh đào, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới, huyện đã xây dựng kế hoạch sửa chữa cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch; đồng thời hỗ trợ giống Mai anh đào cho người dân trồng dọc các tuyến đường của thị trấn.

 

“Để thu hút du khách đến với Kon Plông trong những ngày Tết nguyên đán, huyện đã làm việc với các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn đề nghị không được nâng giá và phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, để có thêm điểm vui chơi cho du khách và Nhân dân địa phương, huyện đã làm việc với một số doanh nghiệp đưa vào khai thác 4 điểm du lịch mới và triển khai dịch vụ xe ngựa tại các điểm du lịch...” – Phó Chủ tịch Phạm Văn Thắng cho biết thêm.

 

Đến với Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, huyện Kon Plông, dịp này, ngoài được mãn nhãn ngắm hoa Mai anh đào, du khách còn được hòa mình trải nghiệm văn hóa cồng chiêng, múa xoang cùng văn hóa ẩm thực với những món ăn đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên như cơm lam, gà nướng, rượu ghè, nộm hoa chuối rừng…

 

Mai anh đào nở rộ tại khu vực thác Pa Sỹ

 

Ngày 05/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 298/QĐ - TTg phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị huyện Kon Plông đến năm 2030 với diện tích trên 138.000ha, với tính chất là vùng bảo tồn sinh thái, rừng quốc gia; là vùng du lịch nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

Măng Đen là điểm khởi đầu của tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”, được kết nối với tuyến du lịch “Con đường Di sản miền Trung” và “Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh” để hình thành tuyến du lịch xuyên quốc gia. Đặc biệt, từ Măng Đen “Con đường xanh Tây Nguyên” sẽ vượt qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y để hình thành tuyến du lịch “Con đường di sản Đông Dương”, nối các di sản thế giới của Việt Nam với các di sản thế giới của 2 nước bạn Lào và Campuchia.

 

Nằm ở độ cao trung bình 1.000 - 1.500m so với mực nước biển, Măng Đen có khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ; nhiệt độ trung bình hàng năm giao động từ 16 – 200C, có rừng nguyên sinh bao bọc xung quanh, với nhiều danh lam thắng cảnh, độ che phủ rừng hơn 80% diện tích tự nhiên; có nhiều hồ thác, suối đá thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với nghiên cứu khoa học; văn hóa bản địa độc đáo; nhiều hệ động vật, thực vật quý hiếm sinh sống... Đây là tiềm năng thuận lợi để Măng Đen trở thành trung tâm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cấp quốc gia.

 

Ngoài tiềm năng phát triển du lịch, huyện còn có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển rau, hoa, quả và các loại cây trồng khác gắn với du lịch sinh thái huyện Kon Plông với diện tích 1.392 ha và tiếp tục mở rộng quy hoạch lên trên 10.000 ha. Đặc biệt, UBND tỉnh cũng đã xây dựng đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh, trong đó vùng trọng điểm chính là huyện Kon Plông.

 

Đến nay, huyện Kon Plông đã thu hút được trên 90 dự án, trong đó có các dự án lớn như: Dự án quản lý, bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, trồng, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao của Công ty CP dược liệu và thực phẩm Măng Đen với quy mô 1.350 ha, tổng mức đầu tư của dự án 5.100 tỷ đồng; Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Đông Phương liên doanh với Nhật Bản.

 

Đặc biệt, trong thời gian tới Công ty Vin Eco, thuộc Tập đoàn Vin Group đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao với quy mô dự án 1.000 ha, tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng; Dự án Đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp bảo vệ và phát triển cây dược liệu (Sâm Ngọc Linh) dưới tán rừng tại huyện Tu Mơ Rông của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng…

 

Cùng với hàng ngàn cây Mai anh đào được trồng tại các khu du lịch, tại các đường phố chính và trung tâm thị trấn Măng Đen, những cánh rừng nguyên sinh, những đồi thông thơ mộng, những trang trại chăn nuôi, nông trại trồng rau, hoa, quả xứ lạnh đã và đang tạo nên những nét đặc trưng riêng có để ai chưa một lần đến với Kon Plông tìm đến và để níu chân những ai “trót” yêu Kon Plông tìm về...

 

Bài, ảnh: Dương Nương