Thứ 5, Ngày 25/04/2024 -

Chỉ đạo, điều hành nổi bật từ ngày 10 đến ngày 14/02/2020
Ngày đăng: 16/02/2020  18:47
Mặc định Cỡ chữ
(kontum.gov.vn): Phê duyệt Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội; Tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 gây ra; Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Công nhận xã Vinh Quang (TP. Kon Tum) đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2019; Chủ động phòng, chống dịch cúm A... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 10 đến 14/02/2020.

 

Phê duyệt Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội:

 

Triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 05/2020/QĐ-UBND ngày 10/02/2020 về phê duyệt Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 19/02/2020.

 

Đề án này được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh Kon Tum. Đối tượng vay vốn gồm: Hộ gia đình là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình (theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ), hộ mới thoát nghèo (theo quy định tại Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ), gặp khó khăn đột xuất về tài chính do ốm đau, bệnh tật phải điều trị dài ngày; tai nạn đột xuất; thiên tai, hỏa hoạn làm nhà cửa, tài sản, phương tiện đi lại bị hư hỏng cần khắc phục ngay (kể cả trường hợp đang còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội); để kinh doanh, buôn bán nhỏ (không có dự nợ các Chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội), có nhu cầu vay vốn để ổn định cuộc sống với lý do chính đáng, hợp pháp.

 

Về điều kiện được vay vốn: Hộ gia đình gặp khó khăn đột xuất về tài chính cần nguồn vốn để khắc phục ngay, có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi cho vay trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Có khả năng tài chính để trả nợ khi đến hạn; Người vay vốn phải chịu trách nhiệm trong mọi quan hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay, là người trực tiếp ký nhận nợ và chịu trách nhiệm trả nợ, trả lãi cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo cam kết.

 

Mức cho vay, do Ngân hàng Chính sách xã hội và người vay vốn thỏa thuận theo nhu cầu, khả năng nguồn vốn và khả năng trả nợ của người vay vốn để cho vay phù hợp nhưng tối đa không quá 30.000.000 đồng/hộ/cá nhân. Thời hạn cho vay: Theo thỏa thuận giữa Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay với người vay vốn, đảm bảo phù hợp với khả năng trả nợ và mục đích sử dụng vốn vay nhưng tối đa không quá 24 tháng kể từ ngày nhận tiền vay. Trường hợp đến hạn trả nợ, nếu người vay vốn gặp khó khăn về tài chính do nguyên nhân khách quan chưa trả được nợ thì được Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay xem xét cho gia hạn nợ, thời hạn gia hạn nợ tối đa bằng một nửa thời hạn cho vay nhưng không quá 12 tháng. Lãi suất cho vay là 7,92%/năm (0,66%/tháng); lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

 

Tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 gây ra:

 

1. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai tích cực công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

 

Theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ: Kiểm soát chặt chẽ hành khách xuất, nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y; tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp từ quốc gia/địa phương có dịch đến địa bàn tỉnh; thực hiện triệt để việc khoanh vùng, xử lý môi trường; tổ chức việc thường trực 24/24 tại các cơ sở y tế để kịp thời đáp ứng với dịch bệnh. Thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh hàng ngày; triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp có lao động là người nước ngoài đến từ vùng quốc gia có dịch cách phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19. Rà soát tất cả trường hợp nhập cảnh, đến từ các quốc gia, địa phương có dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 để tổ chức quản lý và cách ly...

 

Yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện việc quản lý, cách ly các trường hợp từ nơi có dịch đến địa bàn, các trường hợp tiếp xúc, nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 theo đúng quy định; chỉ đạo rà soát tất cả người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua quốc gia có dịch trong vòng 14 ngày để thực hiện các biện pháp cách ly; huy động nguồn lực để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo phục vụ việc cách ly. Trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn; lưu ý xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, gây dư luận xấu trong xã hội...

 

2. Triển khai yêu cầu của Uỷ ban Dân tộc, UBND tỉnh chỉ đạo việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Covid-19 gây ra trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, cụ thể: UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về nguy cơ, thách thức, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi trong phòng, chống dịch Covid-19; hướng dẫn người dân phòng chống dịch Covid-19 với hình thức phù hợp; tập hợp đội ngũ người có uy tín làm một kênh vận động, tuyên truyền nhất là ở những nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

 

Yêu cầu Ban Dân tộc tổ chức kiểm tra, nắm tình hình người dân tộc thiểu số đi lao động qua biên giới và trở về, thực hiện nghiêm các quy định của trung ương và địa phương; đề xuất những giải pháp tốt nhất để phòng ngừa, ngăn chặn. Đài PTTH tỉnh tiếp sóng Đài Trung ương và sản xuất chương trình bằng tiếng dân tộc; ưu tiên thời lượng cho các kênh có thông tin liên quan đến phòng chống dịch Covid-19; hướng dẫn các địa phương tổ chức thông tin tuyên truyền (bằng tiếng dân tộc) các nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19.

 

3. Thực hiện hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất kéo dài thời gian nghỉ học tập trung tại các nhà trường trên địa bàn tỉnh quản lý đến hết tháng 02/2020 do dịch bệnh Covid-19 như đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo.

 

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp dạy và học không tập trung bằng phương thức phù hợp; tiếp tục, phối hợp với ngành Y tế và các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vệ sinh trường lớp học trước khi cho học sinh, sinh viên trở lại học tập trung; hướng dẫn học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên về cách thức phòng chống bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm theo đúng hướng dẫn.

 

Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy:

 

Triển khai Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

 

Quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phòng chống ma túy, góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường lành mạnh và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống và kiểm soát ma túy để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống ma túy tại gia đình, cộng đồng và cơ quan, đơn vị.

 

Chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy từ nước ngoài thẩm lậu vào địa bàn tỉnh và triệt xóa các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Kiểm soát và quản lý chặt chẽ các loại tiền chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần; không để trồng và tái trồng cây có chất ma túy trên địa bàn tỉnh. Quản lý chặt chẽ người nghiện ngoài xã hội, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện nhằm làm giảm số người nghiện ma túy; hạn chế các vụ việc phức tạp do người nghiện gây ra, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh...

 

Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực và bổ sung đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, kinh nghiệm cho các đơn vị trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Tăng cường mở rộng các hoạt động hợp tác với cơ quan phòng, chống ma túy và lực lượng chức năng các tỉnh của Lào, Campuchia giáp biên với tỉnh Kon Tum...

 

Công nhận xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum) đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2019:

 

Căn cứ các quy định liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 76/QĐ-UBND ngày 10/02/2020 công nhận xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2019 theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

 

Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện thành phố Kon Tum và UBND xã Vinh Quang có trách nhiệm tổ chức công bố quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định và tiếp tục chỉ đạo, thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được trong thời gian tới nhằm phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định.

 

Chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1):

 

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và để chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm A bùng phát trên gia cầm và nguy cơ lây sang người, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút Covid-19 gây ra; khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm theo Kế hoạch của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025. Tổ chức tốt việc giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch bệnh và thông báo kịp thời cho ngành y tế khi phát hiện các ổ dịch; hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm.

 

Đối với các địa phương có cửa khẩu quốc tế, đường biên giới thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch động vật tại các cửa khẩu, không để vận chuyển, buôn bán gia cầm qua các cửa khẩu và nhập lậu qua đường biên giới. Giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm.

 

Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm; không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm. Bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch cúm A(H5N1) trên  đàn gia cầm và ở người; bảo đảm kinh phí để tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các nội dung theo quy định.../.

 

Thái Ninh