Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Triển khai nhiệm vụ Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2020
Ngày đăng: 28/02/2020  16:12
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 27/02, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp chủ trì cuộc họp triển khai nhiệm vụ Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2020.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp phát biểu tại cuộc họp

 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2019, đã tổ chức đào tạo nâng cao năng lực phát triển sản phẩm OCOP; tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án; kết nối với các đối tác tiêu thụ sản phẩm (hệ thống thương mại điện tử, chuỗi tiêu thụ của hệ thống siêu thị BigC.

 

Các huyện, thành phố đã tích cực phối hợp các đơn vị tư vấn giải pháp hỗ trợ các chủ thể sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP xây dựng hệ thống nhận diện sản phẩm (nhãn mác, bao gói, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ sở hữu nhãn hàng hóa, truyền thông sản phẩm) và chuẩn hóa các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chí sản phẩm OCOP.

 

Tổ chức thi, đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh, kết quả có 19 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm cấp tỉnh (trong đó, có 02 sản phẩm đạt 04 sao; 17 sản phẩm đạt 03 sao).

 

Năm 2020, tiếp tục tổ chức các hoạt động theo khung Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP tại Quyết định số 1392/QĐ-UBND, ngày 12/12/2018 của UBND tỉnh; Xây dựng hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu Chương trình OCOP để cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về Chương trình OCOP, về sản phẩm OCOP trên Hệ thống điện tử thông minh; Chọn sản phẩm OCOP được phân hạng sao quốc gia để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển, cải tiến và nâng câp về quy mô, chất lượng để tiến đến xuất khẩu.

 

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 09-01-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về triển khai thực hiện các lĩnh vực đột phá trong năm 2019”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các sở ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 09-01-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác gắn với xây dựng liên kết chuỗi giá trị và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

 

Đến nay, đã công nhận được 02 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, huyện Kon Plông và vùng sản xuất cà phê vối ứng dụng công nghệ cao Đăk Hà); Hình thành và đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, Kon Plông, thu hút 07 dự án đầu tư với tổng nguồn vốn 133 tỷ đồng. Công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với Công ty TNHH Việt Khang Nông, huyện Kon Plông; đã xây dựng 07 cánh đồng lớn với 4 loại cây trồng là cà phê, mía, ngô sinh khối, lúa nước tại các huyện theo mô hình liên kết sản xuất.

 

Hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất liên kết sản xuất, thiết bị máy móc chế biến, chuẩn hóa sản phẩm (đảm an toàn thực phẩm, chuẩn hóa sản phẩm về quy cách, đóng gói, bao bì, truy xuất nguồn gốc, phát triển thương hiệu...) đối với 06 sản phẩm cấp tỉnh từ đảng sâm và sâm Ngọc Linh và các sản phẩm cấp huyện theo quy hoạch đáp ứng tiêu chí OCOP.

 

Tổ chức ký kết chương trình hợp tác trong hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực với Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ cơ khí - tự động hóa, khoa học xã hội và nhân văn, môi trường.

 

Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 31 dự án cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 7.194,586 tỷ đồng; ban hành quy định giá cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ và trồng Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng...

 

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị, địa phương đã thảo luận, đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao thuộc lĩnh vực đột phá trong nông nghiệp như: vấn đề liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp....

 

Sau khi nghe báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến tham gia của các đơn vị, địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp yêu cầu trong thời gian đến các đơn vị, địa phương cần tập trung xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; Tham mưu UBND tỉnh ban hành và tổ chức triển khai Đề án xác định khung giá rừng và định giá rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum để làm cơ sở cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuê rừng trồng dược liệu; triển khai thí điểm trồng Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác dưới tán rừng đặc dụng khi Phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

Tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, giá trị và các lợi ích của việc dùng các sản phẩm dược liệu, đặc biệt là Sâm Ngọc Linh, tránh những thông tin thất thiệt, không có căn cứ khoa học về Sâm Ngọc Linh; Tham mưu các giải pháp phù hợp để tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp; Xây dựng các mô hình nuôi trồng, chăm sóc và thu hoạch dược liệu theo các nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP-WHO, năm 2020 xây dựng được ít nhất 01 mô hình.

 

Tổ chức đào tạo kỹ thuật về chuyên ngành dược liệu để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ cũng như người dân trong sản xuất và thâm canh cây dược liệu, khuyến khích phát triển các loại cây dược liệu có nguồn gốc bản địa. Tiếp tục củng cố, kiện toàn Bộ máy chỉ đạo, điều hành, thực hiện Chương trình OCOP tại cấp huyện, cấp xã.

 

Tiếp tục thực hiện mô hình liên kết, sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đối với các chủ thể sản xuất đã có sản phẩm được công nhận sao Chương trình OCOP tuân thủ các cam kết về chất lượng của sản phẩm sau khi được cấp giấy chứng nhận đạt sao của Chương trình OCOP. Cần tiếp tục chủ động hơn trong thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được công nhận; tiếp tục tìm kiếm đối tác liên kết, hợp tác sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

 

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp đã trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2019 cho 19 sản phẩm đạt từ 3 sao đến 4 sao (02 sản phẩm của 01 chủ thể đạt 04 sao và 17 sản phẩm của 08 chủ thể đạt 03 sao)./.

 

                                                                             Tin, ảnh: Thanh An