Thứ 3, Ngày 16/04/2024 -

Ban Chỉ đạo về chính quyền điện tử tỉnh họp triển khai nhiệm vụ
Ngày đăng: 07/03/2020  20:29
Mặc định Cỡ chữ
Chiều 06/3, Ban Chỉ đạo về chính quyền điện tử tỉnh họp đánh giá kết quả triển khai công tác xây dựng chính quyền điện tử tỉnh năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp. Tham dự có các thành viên của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo về chính quyền điện tử tỉnh.

 

Quang cảnh buổi họp

 

Trong năm 2019, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo và triển khai có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 theo Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ nhằm đẩy mạnh việc xây dựng Chính quyền điện tử và cải cách hành chính phục vụ phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum, phiên bản 1.0 và triển khai áp dụng Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh đã được phê duyệt trong quá trình xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh; hạ tầng viễn thông tiếp tục được đầu tư phát triển, bảo đảm sử dụng có hiệu quả, chất lượng đáp ứng phục vụ triển khai các giải pháp về CNTT và thông tin liên lạc các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã phối hợp với Viễn thông Kon Tum triển khai đảm bảo hạ tầng kỹ thuật; hệ thống họp hội nghị truyền hình trực tuyến; đảm bảo mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước hoạt động thông suốt, ổn định, bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ.

 

Một số chỉ tiêu xác định trong giai đoạn 2019-2020 theo Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ đã được UBND tỉnh chỉ đạo đạt và vượt kế hoạch bước đầu đem lại những hiệu quả tích cực: Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành VNPT - Ioffice, kết nối tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh và liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia; triển khai ký số trên tất cả các văn bản điện tử và thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Trong năm 2019, tổng số văn bản trao đổi trên môi trường mạng giữa các cơ quan nhà nước với 3.465.891 văn bản, tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi nội bộ có áp dụng chữ ký số đạt 100%. Trong đó, khi áp dụng hệ thống Ioffice (từ ngày 12/03 - 31/12/2019) toàn tỉnh đã xử lý 144.922 văn bản đi - tỷ lệ văn bản ký số/tổng số văn bản đi đạt 77,94%; trong đó, có 137.171 văn bản hoàn toàn điện tử, đạt tỷ lệ 94,65%.

 

Hệ thống phần mềm Dịch vụ công trực tuyến - Một cửa điện tử tỉnh VNPT-iGate chính thức đi vào hoạt động. Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với các sở, ban ngành và Viễn thông Kon Tum rà soát, công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.

 

Kết quả trên cơ sở dữ liệu quốc gia hiện nay tỉnh Kon Tum đã công khai 1.624 thủ tục hành chính và đã hoàn thành đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính với Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với tổng số lượng 591 thủ tục hành chính.

 

Sau 6 tháng đi vào hoạt động, quan theo dõi trên hệ thống, Trung tâm Phụ vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận 14.229 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó đã giải quyết trước thời hạn là 9.567 hồ sơ, đạt tỷ lệ gần 67% trên tổng số hồ sơ đã được giải quyết. Tính đến cuối tháng 12/2019, có 1.357 thủ tục hành chính đang thực hiện tại Trung tâm, đạt tỷ lệ 95% - vượt 45% so với chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra; số lượng truy cập cổng dịch vụ công 90.273 lượt, với 249 tài khoản công dân/tổ chức. Đến nay, Hệ thống đã được kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia hoạt động ổn định, đảm bảo kết nối, cung cấp thông tin và dịch vụ công mọi lúc, mọi nơi.

 

Thống nhất chủ trương giao Sở Nội vụ chủ trì triển khai phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ công chức trên địa bàn toàn tỉnh. Các Sở, ban, ngành đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương, các đơn vị CNTT để triển khai hệ thống phần mềm ứng dụng đã đem lại hiệu quả cụ thể như các lĩnh vực: Giáo dục, Y tế, Nông nghiệp, Bảo hiểm xã hội tỉnh ... Công tác phòng, chống phần mềm mã độc, cải thiện mức độ tin cậy các hệ thống thông tin của tỉnh trong hoạt động giao dịch điện tử ngày càng được nâng cao. Kết quả trên là cơ sở, nền tảng để triển khai xây dựng trung tâm điều hành thông minh của tỉnh trong năm 2020.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chính phủ điện tử chưa đáp ứng được kỳ vọng, mong muốn; kết quả đạt được vẫn còn rất khiêm tốn: Việc tham mưu triển khai xây dựng nền tảng của Chính quyền điện tử của một số cơ quan, đơn vị còn chậm, nền tảng chia sẻ, tích hợp (LGSP) giữa các địa phương trong tỉnh, giữa tỉnh với các Bộ ngành Trung ương chưa được xây dựng; hạ tầng về CNTT không đồng bộ, không tập trung, chưa có đánh giá cụ thể về hệ thống CNTT trên địa bàn tỉnh; việc khai thác phần mềm Quản lý văn bản và điều hành VNPT – Ioffice, gắn với việc ứng dụng chữ ký ở một số đơn vị, địa phương còn chưa cao; lực lượng chuyên trách trong lĩnh vực CNTT còn mỏng, trình độ, năng lực chuyên môn chưa cao, thiếu chuyên nghiệp nhất là ở cơ sở; Một số Trang thông tin điện tử của một số đơn vị, địa phương tính bảo mật chưa cao.

 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp

 

Phát biểu kết luận buổi họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga ghi nhận và biểu dương kết quả tham mưu cho Ban Chỉ đạo của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo (Văn phòng UBND tỉnh) và các đơn vị chuyên môn đã kịp thời tham mưu triển khai nhiệm vụ năm 2019.

 

Năm 2020, nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh đặt ra những yêu cầu quan trọng, vì vậy Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chuyên môn cần chủ động tham mưu UBND tỉnh những nội dung thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Trong đó, khẩn trương ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 2.0; tập trung đầu tư xây dựng nền nền tảng của Chính quyền điện; phối hợp cùng Tập đoàn VNPT xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC); xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin báo cáo, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành cấp tỉnh, kết nối Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ…

 

Tin, ảnh: Ngọc Kiên