Thứ 5, Ngày 25/04/2024 -

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19
Ngày đăng: 13/03/2020  10:16
Mặc định Cỡ chữ
Chiều 12/3, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với ngành nông nghiệp do tác động của dịch bệnh Covid-19.

 

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Dự Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh dạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, các đơn vị trực thuộc Sở và một số doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, ngành nông nghiệp nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Dịch tả lợn châu Phi, tác động của biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhiều quy định mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn... Dù vậy, nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá với tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt 2,01%, trong đó, nông nghiệp tăng nhẹ đạt 0,61%, lâm nghiệp tăng 4,98% và thủy sản tăng 6,3%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD.

 

Bước sang năm 2020, ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn với một số dự báo tình hình trong nước, quốc tế. Dự báo thời gian tới, kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm. Các nền kinh tế chủ chốt đối mặt với nhiều khó khăn. Sự bùng phát của dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới…

 

Trong nước, ngành nông nghiệp bên cạnh những thuận lợi, cơ hội; cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; đó là: (1) Tác động biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL ảnh hưởng tới ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; (2) Dịch tả lợn Châu Phi tuy có giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên vẫn gây khó khăn cho công tác tái đàn; cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát tại Việt Nam khi tổng đàn gia cầm hiện nay đang rất lớn; (3) Thị trường nhiều mặt hàng nông sản vẫn có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn; (4) Thẻ vàng xuất khẩu thủy sản khai thác biển do Ủy ban Châu âu đưa ra chưa được gỡ bỏ; (5) Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuât và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản hàng hóa của Việt Nam.

 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường định hướng nhiệm vụ của ngành thời gian tới

 

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp những tháng cuối năm 2020 trong điều kiện dịch Covid-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp: Thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng, trên cơ sở tăng tỷ trọng nuôi trồng thủy sản và cây ăn quả; Hoàn thành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Phương án chuyển đổi phương thức kinh doanh các ngành hàng nông lâm thủy sản, theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu.

 

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản. Tăng cường triển khai công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, tiếp cận các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại nước ngoài.

 

Tiếp tục triển khai các Đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc, ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch Covid-19 và công bố mở cửa lại bình thường. Chuẩn bị sẵn cả phương án, kịch bản nhu cầu nông sản, thủy sản của nhiều địa phương có dịch Covid-19 sẽ tăng cao sau khi hết dịch.

 

Tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ trong nước (ưu tiên thị trường nội địa) thông qua hệ thống kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân. Tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất (bao gồm chuẩn bị kịch bản trong bối cảnh nhiều địa phương công bố dịch Covid-19 sẽ dẫn đến nhu cầu cao và số lượng lương thực thực phẩm, do tâm lý và nhu cầu tích trữ phòng dịch của người dân)…

 

Tin, ảnh: Thanh An