Thứ 4, Ngày 24/04/2024 -

Ra mắt Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và sơ kết 3 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia
Ngày đăng: 14/03/2020  07:07
Mặc định Cỡ chữ
Chiều 13/3, Thủ tưởng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố thêm 11 dịch vụ công tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, sơ kết 3 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia và ra mắt Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

 

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan của tỉnh.

 

Sau 3 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) có 14/22 Bộ, ngành và 63/63 địa phương đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ tra cứu, giám sát, đánh giá việc thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.

 

Từ ngày 9/12/2019 đến chiều ngày 9/3/2020 đã có có trên 79.000 tài khoản đăng nhập; hơn 23 triệu lượt người truy cập tìm hiểu thông tin dịch vụ; trên 2,9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trong đó có trên 13.680 hồ sơ trực tuyến; tiếp nhận, xử lý gần 4.560 phản ánh, kiến nghị trên Hệ thống phản ánh, kiến nghị của Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

 

Thời điểm khai trương, Cổng DVCQG mới chỉ đưa vào triển khai 08 nhóm dịch vụ công; đến nay, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia 161 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

 

Các dịch vụ công đưa lên Cổng DVCQG chủ yếu là các dịch vụ liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp như thu tiền phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nộp thuế cá nhân; thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; kê khai và nộp thuế doanh nghiệp; cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách và khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước; dịch đăng ký khai sinh và cấp phiếu lý lịch tư pháp...

 

Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ là hệ thống thu thập, tích hợp dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước, nhằm tổng hợp, phân tích dữ liệu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù trong giai đoạn thử nghiệm nhưng đã triển khai tích hợp 19 chế độ báo cáo của 10 Bộ, cơ quan, bước đầu cung cấp một số thông tin liên quan đến KT-XH hằng ngày, hằng tháng, quý và năm.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc tích hợp các dịch vụ công lên Cổng DVCQG và ra mắt Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ có ý nghĩa rất lớn, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước; tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phòng chống tham nhũng nhờ hạn chế tiếp xúc, giao dịch trực tiếp giữa cán bộ công chức và người làm thủ tục. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc không tiếp xúc với tiền bạc, giấy tờ, không gặp mặt trực tiếp góp phần phòng chống dịch bệnh.

 

Thủ tướng lưu ý việc gì có lợi cho người dân, cho doanh nghiệp thì nên quan tâm, nên làm. Vì vậy, cần tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng phục vụ; tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, không chỉ dừng lại ở những kết quả đã làm được, mà cần phải thực sự cải tiến, đổi mới để chất lượng tốt hơn, thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

 

Đối với các dịch vụ mới tổ chức thí điểm tại một số tỉnh, thành phố như nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; kê khai và thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; kê khai và thu thuế doanh nghiệp… Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công an, Tài chính, Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện và triển khai toàn quốc trước ngày 30/6/2020.

 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông sớm triển khai hệ thống giám sát về Chính phủ điện tử để thu thập, đo lường mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đối với từng địa phương, từng ngành.

 

Bảo đảm sự ổn định, thông suốt của hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia; phát triển hạ tầng thông tin đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, phải bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng. Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, không để xảy ra lộ lọt thông tin, dữ liệu.

 

Các Bộ, ngành liên quan tiếp tục chuẩn hóa thông tin, dữ liệu thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, mã hồ sơ trên hệ thống một cửa điện tử bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận, thực hiện, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính. Các bộ, ngành chưa hoàn thành kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia khẩn trương triển khai các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm hoàn thành kết nối ngay trong tháng 3/2020. 

 

Đẩy mạnh thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, tiền phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trên Cổng DVCQG, Cổng Dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh, góp phần thực hiện thành công giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

 

Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, ngành, địa phương; thực hiện tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ để sớm hình thành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính, nhất là việc tích hợp các chỉ tiêu KT-XH.

 

Đối với đại dịch COVID-19, Thủ tướng lưu ý hiện nay đang còn diễn biến phức tạp, nếu phải kiên quyết triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đó yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm 4 Chỉ thị của Thủ tướng và chỉ đạo của Ban Bí thư để ngăn chặn đại dịch thành công./.

 

Tin, ảnh: Dương Nương