Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án An ninh lương thực quốc gia
Ngày đăng: 19/03/2020  07:44
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 18/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”.

 

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có các đồng chí: Nguyễn Văn Hòa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Kring Ba - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh.

 

Sau 10 năm triển khai thực hiện, Đề án đã đạt được nhiều kết quả tích cực: 12 chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tiêu biểu như diện tích đất lúa cả nước năm 2018 đạt trên 4,159 triệu ha (vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết là 3,76 triệu ha); sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 41-43 triệu tấn); xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,34 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 4 triệu tấn).

 

Giai đoạn 2009-2019, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đã tăng 4,3 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần.

 

Nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao: Năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á - đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ; năng suất cà phê cao gấp 1,5 lần so với Brazil, gấp 3 lần so với Colombia, Indonesia; năng suất hồ tiêu gấp 3 lần so với Indonesia và 1,3 lần so với Ấn Độ; năng suất cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, cao nhất thế giới...

 

Giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh. Lương thực bình quân đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm; sản lượng rau quả tăng trưởng nhanh 80,5%, từ 9,75 triệu tấn lên 17,6 triệu tấn; sản lượng trái cây tăng từ 6 triệu tấn lên 12,6 triệu tấn.

 

Xuất khẩu hàng nông sản được tiếp tục đẩy mạnh, có 07 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, bình quân mỗi năm xuất khẩu khoảng 5-7 triệu tấn gạo. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được đầu tư phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo.

 

Tuy nhiên, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa bền vững; còn tình trạng “được mùa - mất giá”, giải cứu nông sản; sản xuất nông nghiệp nhiều nơi vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được đòi hỏi về tích tụ, tập trung ruộng đất để xuất hàng hóa, quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao của quốc tế; tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất lương thực; liên kết sản xuất chuỗi gắn với vùng sản xuất, chế biến, tổ chức thị trường nhìn chung trên tất cả các ngành hàng còn yếu; ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa đạt tỷ lệ thấp, làm cho giá thành cao, khó cạnh tranh...

 

Thủ tướng kết luận tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

 

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý an ninh lương thực càng trở nên bức thiết hơn khi dân số có xu hướng tăng, vì vậy phải bảo đảm an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống; phải chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hằng năm và tăng cường khả năng dự trữ.

 

Thủ tướng nhấn mạnh, không chạy theo thị trường và nêu cao tinh thần tự cường, chủ động đối với an ninh lương thực. Chuyển nhận thức phát triển nông nghiệp từ vai trò an sinh, đủ ăn, điểm tựa cho sự phát triển thành vai trò mới, là một lợi thế đặc thù, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế, hội nhập.

 

“Phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 9-10%/năm; đến năm 2030, nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 100 tỷ USD. Phải đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng, cơ cấu thực phẩm hợp lý, khoa học trong từng giai đoạn, kể cả lượng và chất, ít nhất cho quy mô 104 triệu người vào năm 2030, để chống tình trạng thấp, bé, còi của người Việt Nam” – Thủ tướng lưu ý.

 

Thủ tướng cho biết sẽ trình Chính phủ, Bộ Chính trị giữ trên 3,5 triệu ha đất trồng lúa để ít nhất có 35-38 triệu tấn lúa, tương ứng 22 triệu tấn gạo; tăng nhanh sản lượng sữa từ 1 triệu tấn lên 3 triệu tấn đến năm 2030 - đây là loại thực phẩm góp phần cải thiện sức khỏe, tầm vóc giống nòi; phải tăng nhanh sản lượng trứng, thịt đỏ, thịt gà, thủy sản, rau quả có lợi cho sức khỏe và phù hợp với cơ cấu dinh dưỡng; phải bàn giải pháp giảm giá thịt lợn; tăng cường liên kết hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, mỗi nhóm ngành hàng đều có tập đoàn kinh tế lớn là hạt nhân liên kết...

 

Dương Nương