Thứ 4, Ngày 24/04/2024 -

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tham giá ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác
Ngày đăng: 25/05/2020  20:16
Mặc định Cỡ chữ
Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, ngày 23/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác với các quy định như sau:

 

(1) Về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị: cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 01 cấp chính quyền địa phương (ở cấp Thành phố) và 02 cấp hành chính (quận, phường):

 

(2) Về điều chỉnh quy hoạch: phân quyền thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch Thành phố và điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị từ Thủ tướng Chính phủ cho HĐND và UBND Thành phố Đà Nẵng;

 

(3) Về ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố: Năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2021-2025, Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách Thành phố để đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố;

 

(4) Về chính sách cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương: Thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách Thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, Hội đồng nhân dân thành phố được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách.

 

 (5) Về chính sách về phí, lệ phí: Hội đồng nhân dân thành phố quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố: (i) Phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; (ii) Tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.

 

(6) Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 cho đến khi Quốc hội chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

 

Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Tiếp theo Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết; tại buổi thảo luận đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đã thảo luận tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết như sau:

 

Thứ nhất, về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết: Để có thêm điều kiện thúc đẩy quá trình xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hoá - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên…đồng thời khắc phục hạn chế, bất cập trong quá trình phát triển của thành phố như: mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; phương thức hoạt động, cơ chế điều hành, chính sách phân cấp quản lý, ủy quyền trên một số lĩnh vực chưa phù hợp; nhiều vấn đề cấp thiết của đô thị như quy hoạch, chưa được giải quyết kịp thời…thì việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, phù hợp Điều 111 Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, , Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luậtlà rất cần thiết như Tờ trình của Chính phủ;

 

Thứ hai, về cơ chế kiểm soát quyền lực đối với Ủy ban nhân dân quận, phường  khi không tổ chức HĐND ở cấp Quận, phường: Với cơ chế giám sát như hiện nay thì vẫn có thể giám sát được. Đó là, Ủy ban nhân dân cấp quận và cấp phường sẽ chịu sự giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, ngoài ra còn Ủy ban nhân dân quận, phường còn chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo quận ủy, cấp ủy, thành ủy, sự  Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hộivà của nhân dân. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc đề nghị sau khi Nghị quyết được thông qua thì Đà Nẵng phải xây dựng phương pháp, những giải pháp, cách thức thích hợp nhất để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát của mình.

 

Thứ ba, về cơ chế, chính sách đặc thù: Vì việc thực hiện thí điểm nên cần phải mở thêm được nhiều cơ chế, chính sách tốt, rộng hơn nữa.

 

Thứ tư, về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố: Đề nghị bổ sung thêm quyền “giáng chức” Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện trừ trường hợp đối với huyện Hoà Vang thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; sau thời gian thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và các địa phương khác (nếu có), đề nghị tiến tới nghiên cứu xây dựng một luật riêng về đô thị, trong đó có cả chính quyền, có cả vấn đề về phát triển đô thị; có luật riêng thì sẽ thích hợp hơn.

 

Tống Quang Vinh

Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum