Thứ 5, Ngày 28/03/2024 -

Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong ngành Giáo dục
Ngày đăng: 08/06/2020  15:50
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 08/6/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch số 370/KH-BGDĐT triển khai Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong ngành Giáo dục.

 

Để thực hiện Kế hoạch này, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp chính:

 

Tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện các chiến lược, dự án, đề án phòng, chống ma túy. Công tác phòng, chống ma túy phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của lãnh đạo đơn vị, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và gia đình người học. Trong đó cần xác định phòng, chống ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, tránh tư tưởng chủ quan, nóng vội hoặc khoán trắng cho lực lượng chuyên trách.

 

Rà soát, hoàn thiện thể chế về phòng, chống ma túy và các văn bản khác của ngành Giáo dục có liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp  với  luật  pháp quốc tế và  thực  tiễn  công  tác  phòng, chống  ma  túy ở Việt Nam.

 

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống ma túy; tổ chức giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng cần thiết để mỗi cá nhân, nhất là người học để nâng cao sức “đề kháng”, tránh sa vào tệ nạn ma túy; xây dựng chương trình tuyên truyền chuyên biệt cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao; kịp thời phát hiện và động viên những mô hình, cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống ma túy.

 

Chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục, phòng ngừa cho nhà giáo, người học, cha mẹ người học; xác định đây là giải pháp chiến lược, lâu dài, trong đó coi trọng phòng ngừa ngay từ gia đình, cơ sở giáo dục, tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

 

Ưu tiên bố trí nguồn lực triển khai công tác phòng, chống ma túy theo khả năng, điều kiện của Ngành, địa phương, cơ sở giáo dục trong từng giai đoạn; đẩy  mạnh xã hội hóa; tham gia động  viên, hỗ trợ kịp  thời người có công, bị thương, bị phơi nhiễm HIV, thân nhân cán bộ, chiến sỹ hy sinh  trong quá trình làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm ma túy.

 

Phát động phong trào các nhà trường tham gia phòng, chống ma túy; đề cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học đối với việc giáo dục người học, con em tham gia phòng, chống ma túy. Thường xuyên cập nhật, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến thông tin cho các thành viên trong cơ sở giáo dục về tác hại của ma túy; đặc biệt là ma túy tổng hợp cũng như phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy.

 

Tổ chức rà soát, thống kê chính xác, lập danh sách cụ thể các thành viên trong cơ sở giáo dục có dấu hiệu nghiện ma túy, có nguy cơ nghiện hoặc sử dụng trái phép chất ma túy. Phối hợp liên ngành, tập trung nguồn lực cho công tác dự phòng, can thiệp sớm đối với thành viên có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuýnhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng người nghiện mới.

 

Phối  hợp chặt chẽ, hiệu quả vai trò nòng cốt của các cơ quan chuyên trách, nhất là lực lượng Công an nhân dân để hỗ trợ cơ sở giáo dục trong công tác phòng, chống ma túy.

 

Tăng cường phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan biên soạn, thẩm định các tài liệu giáo dục, tuyên truyền nhà giáo, người học, cha mẹ người học và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu các thành tựu khoa học công nghệ vào công tác phòng, chống ma túy hỗ trợ các cơ sở giáo dục.

 

Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác phòng, chống ma túy theo từng năm, từng giai đoạn; rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

 

Đẩy mạnh công tác khen thưởng đối với các cá nhân, đơn vị triển khai tốt công tác giáo dục phòng ngừa, tuyên truyền phòng chống ma túy trong các cơ sở giáo dục./.

 

                                                                                                Lê Hằng