Thứ 4, Ngày 24/04/2024 -

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới làm việc với UBND tỉnh
Ngày đăng: 03/07/2020  09:05
Mặc định Cỡ chữ
Chiều ngày 02/7, Đoàn công tác của BCĐ Trung ương về Chương trình MTQG xây dựng NTM do đồng chí Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn các xã khó khăn, miền núi. Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Đoàn.

 

Tham dự buổi làm việc, có đồng chí Nguyễn Thế Hải - TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan, địa phương của tỉnh.

 

Quang cảnh buổi làm việc

 

Tại buổi làm việc, đại diện BCĐ các Chương trình MTQG tỉnh Kon Tum đã báo cáo kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn các xã khó khăn, miền núi của tỉnh; kết quả triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm; tình hình hoạt động và phát triển Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

 

Về Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn các xã khó khăn, miền núi: Tỉnh Kon Tum có 85 xã xây dựng nông thôn mới, trong đó có 54 xã đặc biệt khó khăn, biên giới. Đến tháng 6/2020, 24 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, 05 xã đạt chuẩn từ 15 đến 18 tiêu chí, 44 xã đạt chuẩn từ 10 - 14 tiêu chí và 10 xã đạt chuẩn từ 08 - 09 tiêu chí; dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 28 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới và số tiêu chí đạt chuẩn bình quân là 14 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 49/85 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn, đến nay có 01 xã được công nhận xã nông thôn mới, 04 xã đạt chuẩn từ 15 đến 18 tiêu chí, 35 xã đạt chuẩn từ 10 đến 14 tiêu chí và 10 xã đạt chuẩn từ 8 đến 9 tiêu chí. Tỉnh chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; chưa có thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

 

Trong giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn của Trung ương, tỉnh Kon Tum đã tập trung thực hiện các Chương trình, đề án đặc thù, như: Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi với quy mô 58 thôn thuộc 08 xã trên địa bàn 03 huyện; Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020; đã hỗ trợ cho 19 Hợp tác xã về xây dựng hạ tầng như trụ sở Hợp tác xã, nhà kho, xưởng chế biến trong Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020.

 

Về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), trên cơ sở Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm của Trung ương, tỉnh Kon Tum đã ban hành Đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phấn đấu giai đoạn năm 2018 - 2030, quy hoạch phát triển 138 sản phẩm. Trong đó, tập trung phát triển 85 sản phẩm chủ lực có lợi thế so sánh của các địa phương đạt chuẩn cấp tỉnh (03 đến 04 sao) và phát triển được từ 10 sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 - 02 sản phẩm/năm được hỗ trợ thực hiện theo Chu trình OCOP, các sản phẩm tạo ra có thương hiệu, chất lượng hàng hóa cao đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, tỉnh Kon Tum đã chú trọng công tác tổ chức bộ máy thực hiện Chương trình; đào tạo, thông tin, tuyên truyền; hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP; xúc tiến thương mại và tổ chức thi, đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh.

 

Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 84 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 66% so với năm 2018. Trong đó, Hợp tác xã đã chuyển đổi sang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 là 84 Hợp tác xã, đạt 100%; số lượng thành viên: 1.555 người, doanh thu bình quân: 940 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhận bình quân: 200 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của thành viên Hợp tác xã 40 triệu đồng/người/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong Hợp tác xã là 42 triệu đồng/người/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2020, đã thành lập mới được 24 Hợp tác xã nông nghiệp, đạt 104,3% kế hoạch.

 

Đồng chí Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại buổi làm việc

 

Phát biểu tại buổi làm việc Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Kon Tum trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, miền núi; trong triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm và phát triển Hợp tác xã nông nghiệp. Đồng chí đề nghị tỉnh cần tập trung rà soát và phấn đấu xóa trắng huyện chưa có xã đạt chuẩn NTM; phối hợp khảo sát 58 thôn đặc biệt khó khăn khu vực biên giới để đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách phát triển; quan tâm phối hợp xây dựng thí điểm khu dân cư NTM vùng biên vừa đảm bảo an ninh quốc gia vừa góp phần phát triển kinh tế, từ đó sẽ nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh.

 

Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh cần tổ chức Hội nghị cấp huyện, cấp xã để giúp huyện, xã hiểu được bản chất của Chương trình này; đồng thời, khơi dậy tiềm năng và lợi thế các sản phẩm ở xã; quy hoạch mỗi huyện, xã sẽ có bao nhiêu sản phẩm có thể làm được sản phẩm OCOP và Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ sẵn sàng hỗ trợ dựa trên các Đề án này của tỉnh...

 

Đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

 

Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn đoàn công tác, tiếp thu toàn bộ các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng và sẽ chỉ đạo các cơ quan, địa phương của tỉnh triển khai thực hiện. Đồng chí mong muốn đoàn công tác quan tâm đến những đề xuất của địa phương đối với các mô hình về đẳng sâm, chăn nuôi dê sữa, trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng; đề xuất Thủ tướng Chính phủ có cơ chế đặc thù trong xây dựng NTM đối với vùng miền núi có đông người đồng bào dân tộc thiểu số như tỉnh Kon Tum..../.

 

                                                                                         Tin và ảnh: Vũ Huệ