Thứ 3, Ngày 23/04/2024 -

Báo cáo tóm tắt kết quả giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI
Ngày đăng: 07/07/2020  18:08
Mặc định Cỡ chữ
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Khóa XI vào sáng ngày 07/7/2020; thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XI.

 

Đồng chí Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trình bày báo cáo

 

Trước và sau kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XI, Ủy ban nhân dân tỉnh đã nhận được 83 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri do Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, giao nhiệm vụ giải quyết tại Báo cáo số 45/BC-HĐND ngày 29/11/2019 và Báo cáo số 02/BC-HĐND ngày 21/ 01/ 2020. Trong đó, 69 ý kiến, kiến nghị liên quan lĩnh vực kinh tế - ngân sách, 09 kiến nghị lĩnh vực văn hóa - xã hội và 05 ý kiến, kiến nghị lĩnh vực pháp chế.

 

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, giải quyết, trả lời các ý kiến kiến nghị của cử tri bảo đảm theo quy định của pháp luật, phù hợp với khả năng, nguồn lực của địa phương; đối với những nội dung cử tri kiến nghị vượt quá khả năng của tỉnh, UBND tỉnh đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, nhờ đó nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri đảm bảo chất lượng, ngắn gọn, đúng trọng tâm vấn đề cử tri quan tâm và thời gian quy định để tổng hợp, báo cáo HĐND tỉnh và phục vụ công tác giám sát HĐND tỉnh.

 

Trên cơ sở kết quả giải quyết, trả lời ý kiến kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XI, UBND tỉnh tổng hợp, báo cáo HĐND tỉnh khóa XI, kỳ họp thứ 10 tại Báo cáo số 100/BC-UBND ngày 24/4/2020. Trong đó, hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh giải quyết, trả lời kịp thời, đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của cử tri, được cử tri và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh thống nhất.

 

Tại kỳ họp này, UBND tỉnh lựa chọn để báo cáo 09 vấn đề quan trọng mà cử tri quan tâm, cụ thể như sau:

 

Câu 1. Cử tri xã Đăk Ring kiến nghị: Tỉnh lộ 676 (đoạn từ ngã ba đi Măng Bút, Đăk Ring đến trung tâm xã Đăk Ring) đã xuống cấp, hư hỏng nặng, nhiều đoạn bị sạt lở, xuống cấp nghiêm trọng. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sớm đầu tư nâng cấp đoạn đường nêu trên.

 

Trả lời: Năm 2019, do ảnh hưởng của mưa bão làm sạt lở mái taluy dương, taluy âm gây ra tình trạng đất chảy tràn mặt đường, gây ách tắc giao thông trên Tỉnh lộ 676 và một số tuyến tỉnh lộ khác trên địa bàn tỉnh; tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chỉ triển khai hốt đất sụt lở taluy dương và đất chảy tràn mặt đường đảm bảo giao thông, các vị trí sạt lở taluy âm tạm thời xây gờ chắn nước không để sạt lở thêm vào nền, mặt đường. Về lâu dài, để đảm bảo nguồn vốn đầu tư nâng cấp, sửa chữa các tuyến Tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh, Sở GTVT đã có văn bản đăng ký kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, sau khi Bộ Giao thông vận tải ghi và cấp vốn, tỉnh sẽ triển khai thực hiện.

 

Câu 2. Cử tri Tổ dân phố 7, phường Thắng Lợi và cử tri thôn Măng La Klah, xã Ngọk Bay, thành phố kiến nghị: Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về việc “Sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố” đã được ban hành, nhưng chưa thấy tỉnh triển khai thực hiện. Theo Nghị định này thì các Chi hội đoàn thể của thôn không được hưởng chế độ phụ cấp, chỉ có Bí thư chi bộ, Thôn trưởng/Tổ trưởng và Trưởng Ban công tác Mặt trận mới được hưởng chế độ phụ cấp nên việc quản lý trong thôn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện, phân bổ kinh phí cho các chức danh ở thôn được hưởng phụ cấp như trước đây, đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành văn bản quy định cho các chức danh còn lại cũng được hưởng chế độ phụ cấp.

 

Trả lời: Triển khai Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ và Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh khóa XI ban hành Nghị quyết số 61/2019/NQ-HĐND ngày 12/10/2019 bãi bỏ quy định về số lượng cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Nghị quyết số 03/2010/NQ-HĐND ngày 05/4/2010, đồng thời, báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giao số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo quy định mới.

 

Đối với việc thực hiện các quy định mới về người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP và Thông tư số 13/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo, đăng ký trình HĐND tỉnh kỳ họp thứ 10 năm 2020 và chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị phục vụ xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định cụ thể về chức danh, số lượng, mức phụ cấp và chế độ, chính sách đối cán bộ cơ sở theo quy định mới (thay thế Nghị quyết số 04/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014).

 

Việc xây dựng và trình ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chi tiết các nội dung theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 13/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ cần tuân thủ các quy trình, thủ tục xây dựng văn bản theo quy định. Trong khi chưa ban hành Nghị quyết mới thay thế, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 04/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố.

 

Hiện nay, Sở Nội vụ đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, tham mưu cấp có thẩm quyền Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định cụ thể các nội dung thuộc thẩm quyền theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP và Thông tư số 13/2019/TT-BNV. Việc quy định chức danh, số lượng và chế độ, chính sách đối với các chức danh người hoạt động không chuyên trách, người trực tiếp tham gia vào hoạt động ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh thực hiện theo quy định của Trung ương, đảm bảo phù hợp với thực tế, khả năng cân đối ngân sách của địa phương (sau khi HĐND tỉnh thông qua).

 

Câu 3. Cử tri các xã: Đăk Tờ Kan, Đăk Na, Đăk Rơ Ông, Đăk Sao, Tu Mơ Rông đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan xem xét diện tích đất rừng đã giao cho hộ cá nhân nên thu hồi và giao cho cộng đồng thôn, làng quản lý để đảm bảo hơn, không bị khai thác đất rừng trái phép. Thu hồi một số diện tích rừng non và rừng nguyên liệu giấy ở sát thôn, làng để cấp cho những hộ dân mới tách hộ bị thiếu đất sản xuất“

 

Trả lời: Việc thu hồi diện tích rừng đã giao cho hộ gia đình, cá nhân để giao cho công đồng thôn, làng thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện (theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Lâm nghiệp năm 2017). Việc thu hồi rừng của hộ gia đình, cá nhân phải đảm bảo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Lâm nghiệp năm 2017. Trong các trường hợp thu hồi rừng do Chủ rừng tự nguyện trả lại rừng. cộng đồng thôn, làng cần phối hợp với các đoàn thể nơi đang sinh sống vận động các hộ gia đình, cá nhân vì cộng đồng chung tự nguyện trả lại diện tích rừng đã được giao, sau đó giao lại cho cộng đồng.

 

Thu hồi một số diện tích rừng non và rừng nguyên liệu giấy ở sát thôn, làng để cấp cho những hộ dân mới tách hộ bị thiếu đất sản xuất: Hiện nay Chính phủ đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo vệ diện tích rừng hiện có, đặc biệt đối với diện tích có rừng tự nhiên bao gồm cả rừng non nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Do vậy, Chính phủ đã chỉ đạo không thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia, dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia, dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt tại Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ và khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp năm 2017.

 

Diện tích rừng trồng nguyên liệu giấy trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông hiện nay là của Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam trồng chủ yếu năm 2001, 2002 đến nay đã phát triển tốt và ổn định, Công ty đã đưa vào phương án kinh doanh rừng gỗ lớn và đã được Chính phủ cho phép. Việc thu hồi rừng trồng phải có sự thống nhất của chủ rừng, đồng thời thực hiện bồi thường rừng và trồng rừng thay thế (01 lần diện tích) theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp; trong trường hợp cần thiết, phải xác định rõ diện tích, vị trí rừng trồng cần thu hồi để địa phương và các ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét.

 

Năm 2015, UBND tỉnh đã có quyết định điều chỉnh diện tích 5.743 ha đất chồng lấn của Ban quản lý Rừng phòng hộ Tu Mơ Rông (Quyết định số 40/QĐ-UBND ngày 23 tháng 01 năm 2015), Công ty TNHH lâm nghiệp Đăk Tô (lâm phần trên huyện Tu Mơ Rông, Quyết định số 443/QĐ-UBND ngày 07/7/2015) trả về cho địa phương bố trí đất sản xuất cho Nhân dân. Do vậy, UBND huyện Tu Mơ Rông chỉ đạo UBND các xã rà soát các hộ thiếu đất sản xuất và bố trí từ diện tích này. Đối với những hộ dân mới tách hộ bị thiếu đất sản xuất đề nghị chính quyền xã rà soát, lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, cấp đất sản xuất ở các vị trí phù hợp theo quy định.

 

Câu 4. Cử tri huyện Sa Thầy và các cử tri trên địa bàn tỉnh kiến nghị: Đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có chính sách ưu tiên đối với thanh niên người dân tộc thiểu số ít người (dân tộc Rơ Măm) sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ Công an thì được tạo điều kiện đi đào tạo sỹ quan để tiếp tục phục vụ lâu dài.

 

Trả lời: UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, tham mưu và có Văn bản số 650/UBND-KGVX ngày 05/3/2020 đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, đề xuất Chính phủ có cơ chế chính sách ưu tiên trong xét duyệt, cử đi đào tạo chuyên nghiệp để tiếp tục phục vụ lâu dài trong ngành công an, quân sự đối với thanh niên người dân tộc thiểu số rất ít người (dân tộc Rơ Măm) đã hoàn thành nghĩa vụ trên địa bàn tỉnh.

 

Tại văn bản số 1109/BQP-TM ngày 29/3/2020, Bộ Quốc phòng có ý kiến như sau: Từ trước tới nay, Đảng, Nhà nước và Quân đội luôn giành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào các dân tộc rất ít người nói riêng (có 16 dân tộc rất ít người: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cơ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chút, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ), không chỉ tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum mà tất cả đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, bằng những chính sách cụ thể được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Nghĩa vụ Quân sự năm 2015, ưu tiên tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ đến cấp tiểu học, ưu tiêu đào tạo cử tuyển theo Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ; Nghị định số 49/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định về cử tuyển đào tạo và Nghị định số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chính sách giáo dục đào tạo đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về cử truyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. Đối với Bộ Quốc phòng, hằng năm đều có kế hoạch giao chỉ tiêu cử tuyển đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật để phục vụ lâu dài trong Quân đội, trong đó các đơn vị, địa phương thuộc địa bàn Quân Khu 5, đối tượng cử tuyển là hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và thanh niên là con em đồng bào dân tộc thiểu số, dân tộc rất ít người.

 

Hiện nay, sự nghiệp giáo dục đang đổi mới, phát triển mạnh mẽ trước đòi hỏi của công nghiệp hóa, hiện đại hóa Đất nước, Quân đội đang từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo hướng tinh, gọn, mạnh. Tuy nhiên, khó  khăn vướng mắc hiện nay đối với con em người dân tộc thiểu số trong cử tuyển, tuyển sinh đào tạo, tuyển chọn, tuyển dụng phục vụ lâu dài trong Quân đội là trình độ văn hóa (phần lớn công dân người dân tộc rất ít người nhập ngũ chỉ có trình độ văn hóa chưa tốt nghiệp Trung học cơ sở hoặc Tiểu học), vì vậy, không đáp ứng yêu cầu tối thiểu về tiêu chuẩn văn hóa quy định trong cử tuyển.

 

Đối với tỉnh Kon Tum, trong hai năm 2019-2020 chỉ có 03 công dân là người dân tộc Brâu đủ tiêu chuẩn nhập ngũ (02 đồng chí thuộc Trung Đoàn 990, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và 01 đồng chí thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Kon Tum, trong đó 02 đồng chí trình độ văn hóa lớp 8 và 01 đồng chí tốt nghiệp lớp 12), đơn vị đang tiến hành nắm nguyện vọng cá nhân, nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, có thể được xét tuyển cử đi đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật để phục vụ lâu dài trong Quân đội. Thời gian tới, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân, hằng năm, rà soát nắm chắc về số lượng, chất lượng, nguyện vọng những chiến sĩ là con em đồng bào các dân tộc ít người nhập ngũ vào Quân đội để có hướng sử dụng; đồng thời, tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục có chính sách phù hợp trong tuyển sinh đào tạo, tuyển chọn đối với con em đồng bào dân tộc rất ít người.

 

Thực hiện ý kiến của Bộ Quốc phòng trên, UBND tỉnh có văn bản số 1094/UBND-KGVX ngày 03/4/2020 chỉ đạo Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan nghiên cứu đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực trong quá trình thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo gắn với công tác tuyển sinh quân sự, tuyển quân hằng năm; qua đó, tạo mọi điều kiện thu hút con em đồng bào dân tộc thiểu số và dân tộc rất ít người trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Sa Thầy nói riêng, đủ điều kiện, tiêu chuẩn để phục vụ lâu dài trong Quân đội, Công an.

 

Câu 5. Cử tri tổ dân phố 6, phường Thắng Lợi, thành phố: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh nói chung và thành phố Kon Tum nói riêng có rất nhiều dự án đã thu hồi đất nhưng chưa triển khai thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh rà soát, thu hồi đối với những dự án đã thu hồi đất nhưng để kéo dài quá thời hạn quy định mà không triển khai thực hiện.

 

Trả lời: Thời gian qua, công tác rà soát, kiểm tra các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh nói chung và thành phố Kon Tum đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt; qua đó kịp thời nắm bắt tình hình triển khai các dự án đầu tư, các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoặc xử lý chấm dứt hoạt động của các dự án chậm tiến độ nhưng không có lý do chính đáng, vi phạm quy định của Luật Đầu tư năm 2014. Cụ thể: từ đầu năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của 15 dự án trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Đầu tư, trong đó có 05 dự án tại thành phố Kon Tum. Trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát, kiểm tra các dự án đầu tư để tham mưu UBND tỉnh xử lý thu hồi diện tích đất đã cho nhà đầu tư thuê nhưng không triển khai để kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, năng lực vào đầu tư, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Câu 6.  Cử tri thôn 2, xã Diên Bình kiến nghị: Đề nghị UBND có chính sách hỗ trợ đối với người dân mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y để động viên và giảm bớt khó khăn cho người bệnh.

 

Trả lời: Trong thời gian qua, Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo tỉnh Kon Tum (theo Quyết định số 58/2014/QĐ-UBND ngày 23/10/2014 Quy định về trình tự, thủ tục, mức hỗ trợ và công tác quản lý, sử dụng Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh) đã hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên, cụ thể:

 

- Hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng thuộc hộ nghèo và người đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế Nhà nước từ tuyến huyện trở lên. Mức hỗ trợ bằng 3% mức lương tối thiểu/người bệnh/ngày.

 

- Hỗ trợ tiền đi lại từ nhà đến bệnh viện và ngược lại; chuyển bệnh viện cho các đối tượng thuộc hộ nghèo và người đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế Nhà nước từ tuyến huyện trở lên, các trường hợp cấp cứu, tử vong hoặc bệnh quá nặng và người nhà có nguyện vọng đưa về nhà nhưng không được BHYT thanh toán.

 

- Hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho các đối tượng là người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập phải đồng chi trả chi phí khám, chữa bệnh theo quy định.

 

- Hỗ trợ thanh toán một phần chi phí khám, chữa bệnh cho các đối tượng là người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh hiểm nghèo khác gặp khó khăn do chi phí cao, không đủ khả năng chi trả viện phí theo quy định.

 

Ngoài ra, đối với người bị nhiễm HIV chưa có thẻ bảo hiểm y tế được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT (theo Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 18/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Kon Tum).

 

Câu  7. Cử tri xã Kon Đào, huyện Đăk Tô kiến nghị: Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 37/2018/NQ-HĐND về quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng công tác. Tuy nhiên, việc phân cấp hỗ trợ kinh phí và hình thức thanh toán như hiện nay gây khó khăn cho đối tượng được cử đi học. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo việc phân cấp, hỗ trợ kinh phí đào tạo nên chuyển cho cơ sở đào tạo chi trả để thuận tiện cho đối tượng được cử đi học,

 

Trả lời: Quy định các mức chi để hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng được quy định tại Nghị quyết số 37/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Về trình tự, thủ tục thanh toán và các nội dung liên quan khác thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể:

 

- Tại điểm c khoản 2 Điều 4 Thông tư số 36/2018/TT-BTC quy định: toàn bộ các khoản chi phí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng (hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê chỗ nghỉ, chi phí đi lại, tài liệu học tập) cho cán bộ, công chức, viên chức do cơ quan, đơn vị cử cán bộ công chức, viên chức đi bồi dưỡng chịu trách nhiệm chi hỗ trợ theo quy định.

 

- Tại điểm c khoản 3 Điều 4 Thông tư số 36/2018/TT-BTC quy định: Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng chi hỗ trợ cho các đối tượng là những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, sóc, tổ dân phố ở phường, thị trấn trong những ngày đi học tập trung tại cơ sở đào tạo các khoản: Chi phí đi lại từ cơ quan đến nơi học tập (một lượt đi và về; nghỉ lễ; nghỉ tết); chi hỗ trợ tiền thuê chỗ nghỉ;

 

Để triển khai thực hiện, đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng do các Sở, ngành của tỉnh tổ chức theo kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, ngân sách tỉnh cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các huyện, thành phố để chủ động kinh phí chi trả tiền ăn cho các đối tượng là những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở phường, thị trấn theo đúng quy định hướng dẫn tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính nêu trên. Vì vậy, đề nghị các đối tượng ở cấp xã được cử đi học thực hiện đúng theo quy định của Trung ương.

 

Câu 8. Cử tri Tổ dân phố 1, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum: Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng liên quan cần phải kiểm tra chất lượng nước thường xuyên để đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân.

 

Trả lời: Hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Sở Y tế đều tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại các cơ sở cấp nước trên địa bàn tỉnh; trong đó, có Công ty Cổ phần cấp nước Kon Tum. Thời gian qua, việc kiểm tra chất lượng nước đã được thực hiện đủ về tần suất và các nội dung kiểm tra theo quy định tại Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Năm 2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục điều chỉnh và đã tăng tần suất kiểm tra tại Công ty Cổ phần cấp nước Kon Tum nhằm đảm bảo chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt cho Nhân dân

 

Câu  9. Cử tri xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum và cử tri trên địa bàn tỉnh kiến nghị: Hiện nay, giữa Bảo hiểm Y tế và Bệnh viện đa khoa tỉnh chưa có sự thống nhất, còn gây phiền hà cho người dân trong thanh toán như: khi cấp cứu làm thủ tục nhập viện bệnh nhân không mang theo BHYT, khi xuất viện chưa bổ sung thẻ BHYT thì Bệnh viện buộc phải đóng tiền trước và phải chờ đợi mất nhiều thời gian mới được thanh toán lại số tiền theo quy định của Bảo hiểm Y tế cho người dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan có liên quan xem xét để người dân không phải chờ đợi thanh toán trả lại cho bệnh nhân chậm như hiện nay. 

 

Trả lời: Khoản 6, Điều 15 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế nêu rõ: “Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được đến khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và phải xuất trình các giấy tờ quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều này trước khi ra viện…”.  Như vậy, việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện thu tiền khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp người bệnh không xuất trình được thẻ BHYT trước khi ra viện là đúng quy định của pháp luật.

 

Trường hợp người bệnh không thực hiện đầy đủ thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và chưa được hưởng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định ngay tại cơ sở khácm chữa bệnh, sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Hồ sơ, thủ tục, thời hạn thanh toán được thực hiện theo quy định tại các Điều 28, Điều 29 và Điều 30 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư số 09/2019/TT-BYT ngày 10/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế./.

 

Văn phòng UBND tỉnh