Thứ 5, Ngày 28/03/2024 -

Hội nghị trực tuyến ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
Ngày đăng: 01/08/2020  12:38
Mặc định Cỡ chữ
Sáng ngày 01/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên về triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh Kon Tum, có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh và các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định vùng áp thấp trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và sau đó có khả năng mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới. Từ đêm 01/8 đến ngày 05/8, Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, riêng khu vực Bắc Tây Nguyên 200-300mm/đợt; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

 

Tại Hội nghị, các Bộ, ngành Trung ương và một số địa phương đã thông tin việc triển khai phương án, biện pháp để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão nhằm đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân. tổ chức theo dõi, kiểm đếm tầu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; "Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu"...

 

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, tăng cường công tác phòng, chống, tránh và thích ứng với thiên tai, rà soát, kiểm tra, xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình phòng, chống thiên tai, hồ đập trước mùa mưa lũ hàng năm; tổ chức theo dõi công tác khắc phục hậu quả, phục hồi sau thiên tai; kiểm tra giám sát và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả trong sử dụng nguồn lực hỗ trợ, phục hồi tái thiết sau thiên tai; đồng thời xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ theo Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ. Ngăn chặn các hoạt động làm tăng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất (đào núi, xẻ ta luy dốc đứng để xây dựng nhà ở, công trình; đắp chặn dòng trữ nước trái quy định); tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định và cắm biển cảnh báo khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến từng thôn, làng, hộ dân, công trình công cộng (nhất là trường học, cơ sở y tế), tuyến đường giao thông, khu sản xuất để chủ động di dời bảo đảm an toàn hoặc sẵn sàng phương án sơ tán khi xảy ra mưa lũ lớn. Tổ chức tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các chương trình, hoạt động của các cấp, đoàn thể tại địa phương.

 

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương; các bộ, ngành có liên quan và các địa phương theo dõi chặt diễn biến của mưa bão, tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

 

Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, trước mắt, các ngành, các địa phương cần tập trung đảm bảo an toàn trên biển, trong đó, chú ý kêu gọi, hướng dẫn các tàu, thuyền về nơi neo đậu an toàn; bảo vệ tính mạng người dân và tài sản trên các lồng bè ở vùng nuôi trồng thuỷ sản.

 

Đối với những vùng bão có khả năng đổ bộ trực tiếp cần chú ý chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, bảo vệ các công trình công sở, nhà cửa của người dân, có giải pháp gia cố đối với những công trình đã xuống cấp; Quan tâm đến vấn đề dự trữ lương thực, hàng hoá thiết yếu phục vụ vụ công tác phòng, chống thiên tai; đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức, ý thức phòng chống thiên tai, mưa bão. Chủ động ứng phó với thiên tai gắn với đảm bảo công tác phòng, chống dịch./.

 

                                                                                                Lê Hằng

 

Theo tin từ Đài Khí tượng thủy văn Kon Tum: Do ảnh hưởng của rìa phía Nam rãnh thấp nối với áp thấp nhiệt đới kết hợp gió mùa Tây Nam có cường độ mạnh nên trong 24 giờ qua trên địa bàn tỉnh Kon Tum trời nhiều mây, có mưa nhiều nơi, có nơi mưa vừa; tổng lượng mưa ở khu vực các huyện: Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Sa Thầy, IaH’Drai và TP. Kon Tum lượng mưa đạt từ 15 - 35mm; các huyện còn lại lượng mưa đạt từ 10 - 15 mm. Trên các sông, suối mực nước có dao động theo xu thế tăng dần

 

Dự báo trong 24h tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa nhiều nơi. Khu vực các huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà, Sa Thầy, IaH’Drai, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông  và TP Kon Tum có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa đạt từ 30 - 60mm, có nơi trên 60mm; khu vực các huyện Kon Plong, Đăk Glei có mưa vừa, lượng mưa đạt từ 20 - 40mm, có nơi trên 40mm. Trên các sông, suối mực nước tiếp tục xu thế tăng dần; các suối nhỏ ở khu vực các huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà, Sa Thầy, IaH’Drai có lũ với biên độ từ 1,00 - 1,50 mét; mực nước đỉnh lũ đạt xấp xỉ báo động cấp 1.