Thứ sáu, Ngày 26/04/2024 -

Kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ
Ngày đăng: 20/09/2020  09:25
Mặc định Cỡ chữ
Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã huy động được hơn 62.329 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là tại ba vùng kinh tế động lực. Các nguồn lực được huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ.

 

 

Hạ tầng cửa ngõ phía nam thành phố Kon Tum ngày càng được đầu tư khang trang hơn

 

Từ nguồn vốn trên, các dự án trọng điểm của tỉnh được đẩy mạnh thực hiện, nhất là hạ tầng giao thông; trong đó đã đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kon Tum; đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa một số tuyến và đoạn tuyến có nguy cơ mất an toàn cao như đèo Lò Xo, đèo Văn Rơi, đèo Măng Đen, Quốc lộ 24, 14C, 40B; triển khai xây dựng tuyến tránh đường Hồ Chí Minh đoạn qua thành phố Kon Tum và đường giao thông kết nối đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 24...

 

Các tuyến giao thông nội tỉnh được đầu tư, nâng cấp; nhiều công trình, cụm công trình thủy lợi được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, phục vụ tốt nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân như hồ chứa nước Đăk Pokei (cung cấp nước tưới cho hơn 2.000ha đất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho 35.000 nhân khẩu của thành phố Kon Tum và huyện Kon Rẫy); hồ chứa nước Đăk Rơn Ga, cụm công trình thủy lợi Ia H’Drai....

 

Hạ tầng lưới điện, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch được đầu tư hoàn thiện. Năm 2020, có 99,3% hộ gia đình sử dụng điện; 100% thôn có điện; trên 89% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

 

Vincom Palaza của Tập đoàn Vingroup mới được đầu tư xây dựng tại trung tâm thành phố Kon Tum

 

Kết cấu hạ tầng đô thị được chỉnh trang, đầu tư nâng cấp, mở rộng, gắn với xây dựng các khu đô thị mới, diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc. Thành phố Kon Tum ngày càng khang trang hơn. Hiện đã hoàn thành Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại kết hợp nhà ở thương mại với tổng mức đầu tư 298,65 tỷ đồng, Khu đô thị Bắc Duy Tân, Khu chung cư Hoàng Thành; đang triển khai Dự án tổ hợp khách sạn trung tâm thương mại, dịch vụ FLC Kon Tum với tổng vốn đầu tư 1.332 tỷ đồng.

 

Đồng thời, tỉnh đang cho chủ trương đầu tư nhiều dự án phát triển đô thị trên địa bàn như: Cho chủ trương đầu tư Dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí và nhà phố FLC Kon Tum, tổng vốn đầu tư 1.701 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã bố trí từ vốn NSNN triển khai 13 dự án đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, chỉnh trang đô thị với tổng mức đầu tư khoảng 2.369 tỷ đồng.

 

Cùng với đó là thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông được thành lập; hạ tầng thị trấn Plei kần, huyện Ngọc Hồi đạt tiêu chí đô thị loại IV; khu hành chính huyện Ia H'Drai được đầu tư, hình thành; hạ tầng trung tâm các huyện, xã, cụm xã được mở rộng, nâng cấp, ngày càng đồng bộ. Tỉnh đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng Bến xe khách tại huyện Kon Plông đạt tiêu chuẩn loại 3, hiện đã đưa vào khai thác; đồng thời, Bến xe huyện Sa Thầy, Bến xe huyện Tu Mơ Rông cũng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện.

 

Các khu, cụm công nghiệp được tập trung đầu tư đưa vào hoạt động. Trên địa bàn tỉnh hiện có 03 Khu công nghiệp và 08 Cụm công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích quy hoạch 241,585 ha, trong tổng số 14 Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tiểu thủ công nghiệp được thành lập.

 

Hiện Khu công nghiệp Hòa Bình đã được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh và đi vào hoạt động với diện tích 60 ha, trên tổng số 04 Khu công nghiệp với diện tích 426,76 ha theo danh mục quy hoạch các khu công nghiệp đến năm 2020 của tỉnh Kon Tum được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Về thu hút đầu tư vào các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp: Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y hiện có 52 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 1.222,4 tỷ đồng, vốn thực hiện 575,4 tỷ đồng; Khu Công nghiệp Hòa Bình có 36 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 664,4 tỷ đồng, vốn thực hiện 425 tỷ đồng; Cụm công nghiệp Đăk La có 04 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 193,5 tỷ đồng, vốn thực hiện 08 tỷ đồng. Hiện đang xúc tiến thành lập Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi; Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Làng nghề thị trấn Đăk Hà và Khu công nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu tập trung...

 

Cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã nông thôn mới ngày càng được hoàn thiện, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo, nâng cao cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với khu vực nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

 

Riêng tại 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh, từ năm 2016 đến nay 2020, đã huy động và bố trí khoảng 7.681 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển. Trong đó, đối với vùng kinh tế động lực thành phố Kon Tum, đã đầu tư cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Nam Đăk Bla. Hệ thống đường giao thông, thoát nước, cây xanh được chú trọng đầu tư đồng bộ. 100% tuyến đường trung tâm nội thành đã có hệ thống điện chiếu sáng công lộ; đang thực hiện Đề án bê tông hóa các đường hẻm nội thành thành phố Kon Tum.

 

Đối với vùng kinh tế động lực huyện Ngọc Hồi, thị trấn Plei kần đã được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV và đang hoàn thiện các tiêu chí để thành lập thị xã.

 

Đối với vùng kinh tế động lực huyện Kon Plông, kết cấu hạ tầng trung tâm huyện và hạ tầng du lịch được tập trung đầu tư, từng bước đồng bộ; đã và đang đầu tư các công trình như đường quanh hồ khu trung tâm, vườn hoa trung tâm huyện, đường từ Quốc lộ 24 đi thác Pa Sỹ, đài tưởng niệm chiến thắng Măng Đen, đường vào thác Đăk Ke, đường vào thôn Kon Tu Rằng, đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát triển làng văn hóa-du lịch Kon Tu Rằng... Một số dự án có quy mô lớn đang được triển khai đầu tư./.

Bài, ảnh: Dương Nương