Thứ 5, Ngày 28/03/2024 -

Nông nghiệp và công nghiệp chế biến ngày càng phát triển theo chiều sâu
Ngày đăng: 22/09/2020  15:19
Mặc định Cỡ chữ
Với nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, 5 năm qua, việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện để xây dựng "cánh đồng lớn", phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ được chú trọng triển khai, một số sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu như bí Nhật, bắp sú, cà chua bi, dâu tây, cà rốt, khoai tây, súp lơ, xà lách, cam, bưởi, chanh, bơ, chuối...

 

Trồng xà lách thủy canh tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Kon Plông

 

Tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Kon Plông; đang xúc tiến hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà; đã công nhận 02 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 02 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông và huyện Đăk Hà.

 

Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã được triển khai, đến nay đã có 35 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh được công nhận 03, 04 sao. Diện tích cây cao su, cà phê đều đạt và vượt mục tiêu đề ra: Đến nay, diện tích cây cao su đã trồng được 74.167 ha, tăng 17.279 ha so với năm 2015; diện tích cà phê đạt 21.619 ha, tăng 6.349 ha so với năm 2015.

 

Diện tích Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các loại dược liệu khác tiếp tục được mở rộng, trồng mới, tạo ra được các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến; đã phát triển được 1.531 ha dược liệu, trong đó có 630 ha sâm Ngọc Linh, trong đó diện tích trồng tập trung của các doanh nghiệp khoảng 600 ha, người dân trồng phân tán khoảng 30 ha; 901 ha các dược liệu khác như Đảng sâm, Đương quy…, sản lượng đạt khoảng 4.605 tấn.

 

Chăn nuôi có bước phát triển, chuyển dịch mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, liên kết và ứng dụng công nghệ cao; đến nay đã có 59 trang trại với quy mô lớn và vừa. Nuôi trồng, khai thác thủy sản tăng trưởng khá, sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 4.852 tấn, tăng 1.543 tấn so với năm 2015.

 

Lĩnh vực lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, đã trồng mới được 2.900 ha, diện tích rừng tự nhiên được phục hồi do khoanh nuôi bảo vệ 2.109 ha, góp phần duy trì và nâng độ che phủ rừng của tỉnh lên 63% (tăng 0,37% so với đầu nhiệm kỳ). Tổng sản phẩm ngành nông, lâm, thủy sản năm 2020 đạt 6.080 tỷ đồng, tăng 36,32% so với năm 2015.

 

Tiềm năng đất đai được khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tạo nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển, nhất là việc khai thác quỹ đất phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh, như Dự án Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla, Khu đô thị Bắc Duy Tân, thành phố Kon Tum; Dự án phát triển đô thị Trung tâm hành chính huyện Ia H'Drai; dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn một số huyện...

 

Công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi đã được quan tâm, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ.

 

Ngành công nghiệp chuyển biến cả về quy mô và chất lượng. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng đều qua các năm, bình quân giai đoạn 2015-2020 tăng 10,83%/năm. Công nghiệp chế biến được chú trọng và phát triển. Đến nay một số sản phẩm công nghiệp thế mạnh của tỉnh có chiều hướng phát triển tốt: Tính đến năm 2020: Sản phẩm cà phê bột và cà phê hòa tan ước đạt 250 tấn; tinh bột sắn 260.000 tấn; cồn sinh học khoảng 9 triệu lít; sản phẩm từ cao su (dây thun khoanh) 1.600 tấn; điện sản xuất 2.674 triệu Kwh.

 

Tiềm năng, lợi thế về thủy điện được khai thác hiệu quả; đến năm 2020, có 30 công trình thủy điện đưa vào khai thác vận hành với sản lượng điện ước đạt 2,671 tỷ KWh/năm.

 

Lĩnh vực thương mại dịch vụ tăng trưởng khá cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng nhanh (Năm 2016 đạt 14.010 tỷ đồng, dự kiến năm 2020 đạt 21.505 tỷ đồng), bình quân giai đoạn 2015-2020 tăng 12,4%/năm.

 

Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, đến năm 2020 đạt 150 triệu USD, bình quân tăng 12,63%/năm (Đến cuối năm 2019, giá trị xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y là 201,37 triệu USD, giá trị hàng hóa nhập khẩu 555,94 triệu USD).

 

Hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư hoàn thiện, trong đó đã cho chủ trương đầu tư một số dự án phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn các huyện Sa Thầy, Đăk Tô, Kon Plông...; nhiều tour, tuyến, điểm du lịch được đưa vào khai thác như Các tour, tuyến, điểm du lịch kết nối giữa thành phố Kon Tum với Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y; giữa tỉnh Kon Tum và các tỉnh, thành phố khác… tiếp tục được mở rộng, phát triển, lượng khách du lịch đến tỉnh bình quân tăng 23%/năm.

 

Các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực tiếp tục được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và được đầu tư phát triển. Tỉnh đã tiến hành rà soát và xác định lại ngành, nhóm ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2025.

 

Theo đó, gồm 04 ngành, nhóm ngành kinh tế mũi nhọn được tập trung phát triển: Nhóm ngành nông - lâm nghiệp; nhóm ngành công nghiệp chế biến; nhóm ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện; ngành du lịch.

 

09 sản phẩm chủ lực của tỉnh, bao gồm: Sắn và các sản phẩm chế biến từ sắn; Sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao (sản phẩm trồng trọt và các sản phẩm chế biến từ sản phẩm trồng trọt); Sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao (sản phẩm từ chăn nuôi và các sản phẩm chế biến từ sản phẩm chăn nuôi); Cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê; Cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su; Sâm Ngọc Linh, các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; Gỗ và các sản phẩm sản xuất từ gỗ; Điện; Du lịch sinh thái Măng Đen.

 

Công tác quy hoạch, rà soát bổ sung và triển khai quy hoạch được thực hiện kịp thời. Chất lượng công tác quy hoạch từng bước được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác tốt, đúng định hướng tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, từng địa phương. Công tác triển khai lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được triển khai tích cực./.

 

Bài, ảnh: Dương Nương