Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Thành quả phát triển KT-XH của tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2015 - 2020 và những mục tiêu, giải pháp trong nhiệm kỳ tới
Ngày đăng: 24/09/2020  07:33
Mặc định Cỡ chữ
Với những thành quả rõ nét đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, cùng với đó là tinh thần khẩn trương, tranh thủ thời cơ, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh quyết tâm đoàn kết, sáng tạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, góp phần đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.

 

Trong nhiệm kỳ vừa qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với tinh thần quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hưởng ứng của doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, tạo thế và lực mới cho sự phát triển của tỉnh Kon Tum nói riêng và của cả nước nói chung, cụ thể:

 

Tổng sản phẩm (GRDP) trong tỉnh đến cuối năm 2020 ước đạt 25.400 tỷ đồng, tăng gần 72% so với năm 2015. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 9,13%/năm (đạt chỉ tiêu Nghị quyết). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ. Thu nhập thực tế của người dân khoảng 31,5 triệu đồng/người vào năm 2020. Thu ngân sách nhà nước tại địa bàn đến năm 2020 đạt 3.505 tỷ đồng (đạt chỉ tiêu Nghị quyết).

 

Nông nghiệp ngày càng phát triển theo chiều sâu. Bước đầu đã hình thành và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông được thành lập và đi vào hoạt động; đồng thời xúc tiến hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà. Diện tích sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu khác tiếp tục được mở rộng, tạo ra các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung cho chế biến; nhiều sản phẩm dược liệu đã được sản xuất, đưa ra thị trường tiêu thụ. Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có những bước phát triển và tăng trưởng khá. Lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, góp phần duy trì và nâng độ che phủ rừng của tỉnh lên 63% (tăng 0,37% so với đầu nhiệm kỳ).

 

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa cùng lãnh đạo các sở, ngành, thành phố Kon Tum gắn biển công trình Tuyến tránh thành phố Kon Tum chào mừng

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Ảnh: V.P 

 

Ngành công nghiệp chuyển biến cả về quy mô và chất lượng. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng đều qua các năm, bình quân giai đoạn 2015 - 2020 tăng 10,83%/năm. Một số sản phẩm công nghiệp thế mạnh của tỉnh có chiều hướng phát triển tốt, nhất là tiềm năng, lợi thế về thủy điện được khai thác hiệu quả. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 30 công trình thủy điện đưa vào khai thác vận hành với sản lượng điện ước đạt 2,671 tỷ KWh/năm. Nhiều công trình điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) quy mô lớn đã được bổ sung quy hoạch và đang được triển khai các thủ tục đầu tư như: Dự án Nhà máy điện gió Tân Tấn Nhật - Đăk Glei (50MW), dự án Nhà máy điện gió Kon Plông (103,5 MW), dự án nhà máy điện mặt trời Sê San 4 (49MW),… góp phần đảm bảo năng lượng điện phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.

 

Thương mại - dịch vụ tăng trưởng khá cao, đã thu hút đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị lớn như: Trung tâm thương mại Vincom Plaza Kon Tum, siêu thị Co.opmart Kon Tum,… Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2015-2020 tăng bình quân 12,4%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản,… có bước phát triển. Hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư hoàn thiện; nhiều tour, tuyến, điểm du lịch được đưa vào khai thác; lượng khách du lịch đến tỉnh bình quân tăng 23%/năm.

 

Các nguồn lực trong toàn xã hội được huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Kết cấu hạ tầng đô thị được chỉnh trang, đầu tư nâng cấp, mở rộng, gắn với xây dựng các khu đô thị mới. Diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Thành phố Kon Tum đã thu hút nhiều dự án phát triển đô thị như Trung tâm thương mại kết hợp nhà ở thương mại Vincom, Khu chung cư Hoàng Thành, Tổ hợp khách sạn trung tâm thương mại, dịch vụ FLC Kon Tum; thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông được thành lập; hạ tầng thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi đạt tiêu chí đô thị loại IV; khu hành chính huyện Ia H'Drai được đầu tư, hình thành; hạ tầng trung tâm các huyện, xã, cụm xã được mở rộng, nâng cấp, ngày càng đồng bộ. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; đến cuối năm 2020 có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt chỉ tiêu Nghị quyết). Cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã nông thôn mới ngày càng được hoàn thiện.

 

Môi trường đầu tư, kinh doanh có nhiều chuyển biến rõ nét, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn có tiềm lực về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm như: Vingroup, TH True Milk,... đến đầu tư tại tỉnh. Đến nay, đã chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định Luật Đầu tư cho 192 dự án, trong đó 184 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 20.610 tỷ đồng, với nhiều dự án lớn như: Dự án chăn nuôi bò sữa và nhà máy chế biến sữa tỉnh Kon Tum, dự án Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco Kon Tum - Măng Đen… Kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có bước phát triển, đời sống của các thành viên được cải thiện. Hội nhập kinh tế quốc tế có chuyển biến tích cực, các mối quan hệ truyền thống được duy trì, giữ vững và ngày càng sâu sắc; cùng với đó là mở rộng quan hệ với các nước trong cộng đồng ASEAN, một số nước Châu Á và Châu Âu, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trong quan hệ đối ngoại, hợp tác và thu hút đầu tư nước ngoài. Bước đầu đã thiết lập quan hệ hợp tác với một số địa phương của Nhật Bản, Úc, Pháp, I-xra-en... và ký kết bản ghi nhớ với thành phố Iksan và quận Jinan, tỉnh Jeonlabuk của Hàn Quốc.

 

Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh đạt được nhiều bước tiến quan trọng với việc xây dựng và đưa nhiều hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành của chính quyền vào hoạt động, làm tiền đề xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số, điển hình như: Hệ thống quản lý văn bản điện tử và điều hành, Cổng dịch vụ công trực tuyến, Trung tâm điều hành thông minh và Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Kon Tum… Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính có nhiều bước đột phá với việc thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả một cửa cấp huyện, cấp xã, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện đáng kể Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

 

Kinh tế có bước chuyển mạnh mẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho đầu tư lĩnh vực văn hóa, xã hội. Nhiều giá trị văn hóa của các dân tộc được khôi phục, bảo tồn và phát huy. Phong trào thể dục thể thao quần chúng được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tham gia. Cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ phát thanh - truyền hình từng bước được nâng cao, phong phú về nội dung, đa dạng loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin và giải trí của nhân dân.

 

Đường phố Kon Tum rợp cờ, hoa chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Ảnh: Thế Binh - Văn Phương 

 

Chất lượng giáo dục - đào tạo chuyển biến tích cực, hệ thống trường, lớp học tiếp tục được củng cố, sắp xếp, tạo thuận lợi cho người học, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện, tỷ lệ lao động được đào tạo đến năm 2020 là 52% (đạt chỉ tiêu Nghị quyết).

 

Chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được nâng lên; hạ tầng cơ sở và trang thiết bị khám, chữa bệnh được đầu tư, nâng cấp; mạng lưới y tế từng bước được sắp xếp tinh gọn, hiệu quả. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội được đảm bảo, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm đạt 90,6%. Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, các chương trình, dự án đối với đồng bào DTTS, miền núi được tập trung thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4,05%/năm (đạt chỉ tiêu Nghị quyết).

 

Nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện. Các loại tội phạm và vi phạm pháp luật được kiềm chế. Các vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng được phát hiện và xử lý kịp thời. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện hiệu quả, đúng quy định. Trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng cao.

 

Từ những thành quả đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời trên cơ sở nhận định, đánh giá tình hình, điều kiện và nguồn lực thực tế của địa phương, tỉnh Kon Tum hướng đến mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ tới là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; củng cố niềm tin của nhân dân và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tập trung phát triển dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ và tăng cường cải cách hành chính; bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mức sống của nhân dân; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ. Đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững. Với các chỉ tiêu lớn như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2020-2025 từ 10%/năm trở lên. GRDP bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng trở lên; thu ngân sách nhà nước tại địa bàn đạt trên 5.000 tỷ đồng vào năm 2025; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3-4%/năm; có ít nhất 05 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và có ít nhất 60 xã (70,5% số xã) đạt chuẩn xã nông thôn mới...

 

Để đạt được mục tiêu và các chỉ tiêu đề ra, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào 06 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: (1) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; (2) Tiếp tục tái cơ cấu đồng bộ kinh tế của tỉnh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; (3) Thực hiện đầy đủ, đồng bộ 3 chương trình mục tiêu quốc gia; (4) Tập trung bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các DTTS trên địa bàn; (5) Đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; (6) Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện 03 lĩnh vực đột phá, đó là: (1) Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến; (2) Đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình; (3) Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (đô thị, các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ).

 

Cùng với đó là triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm huy động tối đa, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như:

 

Xây dựng Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo chất lượng, tuân thủ đúng quy định của Luật Quy hoạch và phát huy tốt nhất các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025 đảm bảo chất lượng và khả thi, phù hợp với định hướng chung và cơ chế thị trường, làm cơ sở cho việc phân bổ hợp lý các nguồn lực, yếu tố sản xuất (vốn, đất đai, tài nguyên,...) phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và thực hiện các chính sách xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

 

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh theo hướng phát huy lợi thế so sánh của tỉnh, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và xu thế thị trường. Đẩy mạnh dồn đổi, tích tụ đất đai, xác lập và phát triển một số vùng, khu sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Tập trung phát triển sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, phấn đấu phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị. Phát huy lợi thế rừng và đất rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp; chủ động khoanh nuôi, thực hiện khoán quản lý bảo vệ rừng gắn chặt với cải thiện sinh kế cho người dân. Chú trọng thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu, tài nguyên và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

 

Tăng cường liên kết, phát triển du lịch, trọng tâm là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, bản sắc văn hoá của các DTTS nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.

 

Tập trung huy động, khai thác nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi... Tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới; Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và phát triển các vùng kinh tế động lực của tỉnh để tạo sự lan tỏa cho các địa phương trên địa bàn tỉnh.

 

Quan tâm đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng trong giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức phát huy tốt năng lực. Khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của các DTTS. Củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế các tuyến, nhất là tuyến cơ sở; nâng cao năng lực và thực hiện tốt công tác y tế dự phòng. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội…

 

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền. Đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng thành công chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.

 

Với những thành quả rõ nét đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, cùng với đó là tinh thần khẩn trương, tranh thủ thời cơ, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh quyết tâm đoàn kết, sáng tạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, góp phần đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.

 

Nguyễn Văn Hòa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

 

Nguồn: Báo Kon Tum Online