Thứ 7, Ngày 20/04/2024 -

Tự hào truyền thống 90 năm
Ngày đăng: 25/09/2020  17:00
Mặc định Cỡ chữ
Trong 90 năm qua (25/9/1930-25/9/2020), Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, cùng với Nhân dân cả nước anh dũng giành được chính quyền, thống nhất đất nước, xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển.

 

Mô hình nhà lao Kon Tum - nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại vùng đất Bắc Tây Nguyên. Ảnh: DN

\

Năm 1899, thực dân Pháp đã áp đặt bộ máy cai trị ở các tỉnh Tây Nguyên; chúng đã triển khai nhiều chính sách rất thâm độc về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đối với Kon Tum, thực dân Pháp đã áp dụng chính sách "chia để trị". Nhưng dù bằng chiêu bài dụ dỗ, lôi kéo hay biện pháp quân sự mạnh bạo, thực dân Pháp cũng không thể khuất phục được ý chí anh dũng, kiên cường của đồng bào các dân tộc ở Kon Tum. Những cuộc đấu tranh diễn ra liên tục, mạnh mẽ, nổi bật là phong trào đấu tranh của đồng bào Xơ Đăng những năm 1900-1911 đã gây nhiều tổn thất đối với quân xâm lược. Nhưng do thiếu đường lối đúng đắn nên các cuộc đấu tranh này đều thất bại. Nhân dân Kon Tum lại phải chịu nhiều đau khổ của thân phận người dân mất Nước. Khát vọng vì một cuộc sống độc lập, tự do luôn cháy bỏng và nung nấu trong lòng nhân dân các dân tộc nơi đây.

 

Ngày 03-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập là một bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về tổ chức và đường lối của cách mạng Việt Nam. Đối với Kon Tum, sự ra đời của tổ chức đảng đầu tiên là bước ngoặt đánh dấu sự soi rọi của ánh sáng cách mạng đến với Kon Tum. Tháng 6 năm 1930 địch đưa đồng chí Ngô Đức Đệ từ nhà lao Vinh (Nghệ An) - một đảng viên bị bắt trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh lên giam cầm tại Ngục Kon Tum. Tại đây, với tinh thần của người đảng viên Cộng sản, đồng chí Ngô Đức Đệ đã phát huy tinh thần sáng tạo, vượt qua sự giám sát nghiêm ngặt của kẻ địch, tìm cách tuyên truyền gây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch. Nhờ đó, đồng chí đã tuyên truyền cảm hóa, giác ngộ tư tưởng cách mạng trong Huỳnh Đăng Thơ (Đội Thơ), Huỳnh Liễu (cai Liễu), Nguyễn Cừ (cai Cừ); huấn luyện, thử thách và thay mặt tổ chức lần lượt kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối tháng 9 năm 1930, các đảng viên đã thống nhất thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại nhà lao Kon Tum - Chi bộ binh, là Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên tại vùng đất Bắc Tây Nguyên. Sự ra đời của Chi bộ binh đánh dấu thời khắc “hạt giống” tư tưởng cách mạng của Đảng chính thức được “gieo trồng” trên quê hương Kon Tum - đặt nền móng cho sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Kon Tum.

 

Với ý nghĩa đặc biệt của sự kiện thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên tại Ngục Kon Tum cuối tháng 9 năm 1930; năm 2006, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khóa 13 đã thống nhất lấy ngày 25-9-1930 là Ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum.

 

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chính quyền cách mạng tỉnh Kon Tum được thành lập, tỉnh Kon Tum cũng như cả nước đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, cùng một lúc phải đương đầu với "giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm". Trong hoàn cảnh đó, Chi bộ Đảng (thời điểm cuối năm 1945) và Tỉnh ủy lâm thời Kon Tum (thời điểm đầu năm 1946) được thành lập đã lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cách mạng thực hiện nhiều chính sách để ổn định đời sống Nhân dân, chống “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”.

 

Mặc dù những chính sách của chính quyền cách mạng chỉ được thực thi trong thời gian ngắn, từ tháng 8 năm 1945 đến tháng 6 năm 1946 - khi thực dân Pháp xâm lược tỉnh Kon Tum lần thứ hai. Nhưng nền dân chủ nhân dân đã được thực hiện và ghi dấu ấn sâu đậm trong các tầng lớp Nhân dân Kon Tum. Để rồi, Nhân dân các dân tộc Kon Tum đứng lên thực hiện đường lối kháng chiến "toàn dân", "toàn diện", "trường kỳ", "dựa vào sức mình là chính", phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến dịch Bắc Tây nguyên Đông Xuân 1953-1954, góp phần vào thắng lợi của cả nước, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

 

Từ năm 1954 đến năm 1975, Nhân dân Kon Tum một lần nữa cùng miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường để giành độc lập dân tộc. Với truyền thống anh hùng, bất khuất và tinh thần "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"; trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, quân và dân Kon Tum đã cùng Nhân dân miền Nam lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi đó "mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc"- như lời phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Năm 1975, đất nước thống nhất, Nhân dân các dân tộc Kon Tum cùng với nhân dân tỉnh Gia Lai phấn khởi, sum họp trong nền độc lập, tự do dưới mái nhà chung của tỉnh Gia Lai- Kon Tum; cùng vượt qua khó khăn, thử thách do những tàn dư của cuộc chiến tranh kéo dài gần ba thập kỷ, sự chống đối của các thế lực phản động, thù địch âm mưu gây chiến tranh biên giới Tây Nam và chống phá của tổ chức phản động FULRO. Quán triệt chủ trương của Trương ương Đảng, Đảng bộ tỉnh Gia Lai - Kon Tum đã lãnh đạo nhân dân tiến hành 3 cuộc cách mạng (cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng tư tưởng văn hóa) là những mắt xích quan trọng để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Những năm 1986-1991 là giai đoạn bước đầu thực hiện đường lối đổi mới đất nước theo tinh thần nghị quyết Đại hội 6 của Đảng (tháng 12-1986), cũng là lúc tình hình thế giới có nhiều biến động, mô hình xã hội chủ nghĩa hiện thực Liên Xô và Đông Âu sụp đổ đã tác động trực tiếp đến cách mạng Việt Nam. Đảng bộ tỉnh Gia Lai- Kon Tum đã quán triệt, triển khai chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, từng bước khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, tạo đà cho sự chuyển biến mới.

Ngày 12-8-1991, tỉnh Kon Tum được thành lập lại, Đảng bộ tỉnh Kon Tum tiếp tục lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới theo Nghị quyết của Đảng, mà nội dung cơ bản, cốt lõi được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và các văn kiện quan trọng của Đảng qua các kỳ Đại hội phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Kon Tum. Chủ trương, quan điểm của Đảng được cụ thể hóa bằng các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đại hội.

 

Trong quá trình lãnh đạo của mình, Đảng bộ tỉnh luôn luôn quán triệt, nắm vững và vận dụng sáng tạo những nguyên lý, quan điểm cơ bản, phương pháp duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, nghị quyết của Đảng vào tình hình thực tế của địa phương; chú trọng đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra chủ trương, giải pháp trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh trong từng giai đoạn cụ thể; thường xuyên chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức; lãnh đạo củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững và phát huy khối đoàn kết toàn dân; chú trọng xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với Nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, giữ vững an ninh-quốc phòng trong tình hình mới; xác định công tác giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống là tiền đề quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

 

Thành phố Kon Tum hôm nay. Ảnh: baokontum.vn

 

 

Sau gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và gần 30 năm thành lập lại tỉnh Kon Tum, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, vươn lên thực hiện thắng lợi và giành được nhiều thành tựu quan trọng. Đến nay, kinh tế- xã hội của Tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Cơ sở hạ tầng giao thông được xây dựng, nâng cấp, mở rộng ngày càng hiện đại, thoát khỏi thế “ngõ cụt” về giao thông và kết nối với các tỉnh trong khu vực, cả nước và với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia, Đông Bắc Thái Lan. Nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững; tỉnh Kon Tum không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; đời sống vật chất của người dân ngày càng được cải thiện, GRDP bình quân đầu người tăng từ 1.406 USD năm 2015 lên 2.025 USD (hơn 46 triệu đồng) vào cuối năm 2020 (tăng 45%), thu nhập bình quân đầu người năm 2020 khoảng 32 triệu đồng; đời sống tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện rõ nét. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn luôn được giữ vững ổn định.

 

Từ thực tiễn lịch sử 90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam và 90 năm Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã chứng tỏ sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích của nước Việt Nam; trong đó có vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Kon Tum đối với sự nghiệp thắng lợi của tỉnh nhà./.

Dương Nương (tổng hợp)