Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV
Ngày đăng: 20/10/2020  13:52
Mặc định Cỡ chữ
Sáng 20/10, Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

 

Quang cảnh Kỳ họp tại nhà Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

 

Tham dự phiên khai mạc tại hội trường Diên Hồng có các đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch UBTWMTTQVN Trần Thanh Mẫn; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội và các đại biểu Quốc hội công tác tại Hà Nội.

 

Quang cảnh Kỳ họp tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có 03 đại biểu đang công tác tại địa phương: Đại biểu A Pớt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại biểu Tô Văn Tám - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại biểu Rơ Châm Long - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; có 02 đại biểu đang công tác tại các cơ quan nhà nước ở trung ương dự tại hội trường Diên Hồng và vắng 01 đại biểu. Tham dự tại điểm cầu còn có các đồng chí: Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Kring Ba - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh.

 

Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc. Ảnh: Chinhphu.vn

 

Phát biểu Khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong những ngày qua, nhiều tỉnh miền Trung đang oằn mình gánh chịu những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do mưa lũ gây ra, trong đó, có sự hy sinh của nhiều cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Quốc hội chia sẻ trước những đau thương, mất mát to lớn này và xin gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào, chiến sĩ vùng bị nạn, cùng lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình cán bộ, chiến sĩ hy sinh và người dân bị tử nạn. Quốc hội đánh giá cao sự quyết liệt, khẩn trương, ứng phó linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang trong cứu hộ, cứu nạn, khắc phục, giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, biểu dương ý chí, nghị lực, tinh thần đoàn kết, đùm bọc của người dân vùng lũ; sự quan tâm, ủng hộ, tinh thần tương thân, tương ái của các nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội.

 

Quốc hội yêu cầu Chính phủ và chính quyền các cấp tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác với những diễn biến cực đoan của thời tiết, có các giải pháp tích cực, hiệu quả để sớm khắc phục hậu quả của mưa lũ; đồng thời, kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân” hết lòng quan tâm, động viên, chia sẻ, ủng hộ vật chất và tinh thần giúp Nhân dân các địa phương bị thiệt hại sớm vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và sản xuất.

 

Để kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, dành toàn bộ thời gian nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm góp phần vào thành công của kỳ họp này.

 

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, được kỳ vọng tiếp nối đà tăng trưởng và thành tựu của những năm trước để bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch 5 năm 2016-2020, đồng thời, cũng là năm xây dựng kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, bão, lũ, nên một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra sẽ không đạt được, vì vậy, đòi hỏi các vị đại biểu Quốc hội cần phát huy cao độ năng lực, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện năm 2020 và cả nhiệm kỳ này; dự báo xu hướng biến động của dịch bệnh, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội thế giới, khu vực trong giai đoạn tới để xác định phương hướng, giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững hơn, nâng cao đời sống của người dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường hợp tác hữu nghị với các nước, các tổ chức quốc tế...

 

Kỳ họp thứ 10 được tiến hành thành 02 đợt: Đợt 1, họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ nhà Quốc hội (Hà Nội) đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố (từ ngày 20-27/10) và đợt 2 họp tập trung tại nhà Quốc hội (từ ngày 02-17/11).

 

Kỳ họp tập trung vào những nội dung quan trọng:

 

Quốc hội xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; xem xét, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020; phương hướng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính quốc gia 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

 

Đồng thời, xem xét, thông qua 07 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 04 dự án luật khác nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền con người, quyền công dân, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

 

Việc xem xét, thông qua Luật Cư trú (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, bảo đảm thực hiện quyền Hiến định về tự do cư trú, tạo điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo vệ môi trường sống của Nhân dân.

 

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc – đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tinh thần nhân đạo, nhân văn, quyết tâm chính trị bền vững, lâu dài của Đảng, Nhà nước ta về sứ mệnh hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. Điều đó càng tiếp tục khẳng định một Việt Nam tích cực, chủ động, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.

 

Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

 

Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tiến hành công tác nhân sự và thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

 

Ngoài ra, một số báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước… đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, kết hợp thảo luận cùng các nội dung liên quan.

 

Tin, ảnh: Dương Nương