Thứ 4, Ngày 24/04/2024 -

Chỉ đạo nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tuần từ ngày 19-23/10/2020
Ngày đăng: 25/10/2020  14:58
Mặc định Cỡ chữ
(kontum.gov.vn): Tăng cường phòng, chống dịch COVID-19; Thực hiện thu phí cách ly y tế và khắc phục thiệt hại do mưa, lũ gây ra; Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai; Triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh bạch hầu năm 2020; Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2020; Triển khai thực hiện cấp và sử dụng thẻ Căn cước công dân; Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tuần từ ngày 19-23/10/2020.

 

Tăng cường phòng, chống dịch COVID-19.

 

Triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủđể tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không lơ là chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19.

 

Đối với việc quản lý người nhập cảnh: Thực hiện nghiêm ngặt việc khai báo y tế; cách ly và theo dõi y tế sau cách ly (đủ ít nhất 28 ngày kể từ ngày nhập cảnh) đối với tất cả những người nhập cảnh lưu trú/cư trú trên địa bàn tỉnh; thực hiện quản lý sức khỏe đối với người nhập cảnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tổ chức chặt chẽ việc quản lý và yêu cầu khai báo y tế bắt buộc đối với nhập cảnh đã hoàn thành thời gian cách ly y tế tập trung về địa phương; quản lý, theo dõi sức khỏe, giám sát y tế tại cộng đồng ít nhất 14 ngày các đối tượng này; quản lý việc di chuyển của người nhập cảnh theo đúng quy định phòng, chống dịch.

 

Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan chỉ đạo tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, các trung tâm dưỡng lão thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch; kiên quyết dừng hoạt động các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn. Rà soát, cập nhật các hướng dẫn phòng chống dịch đối với trường học, cơ sở lưu trú, giao thông công cộng, nhà máy, công sở... cho phù hợp với tình hình mới. Chỉ đạo các cơ sở (trước hết là các trường học và cơ sở lưu trú) thực hiện nghiêm các hướng dẫn và cập nhật trên hệ thống Bản đồ chống dịch COVID-19; kiên quyết xử lý các cơ sở không đảm bảo an toàn. Khẩn trương hoàn thiện việc lập sổ sức khỏe điện tử toàn dân, xác định nhóm đối tượng dễ bị tổn hại nặng tới sức khỏe nếu bị nhiễm Covid-19 để ưu tiên bảo vệ; thúc đẩy tiến độ triển khai khám chữa bệnh từ xa và đăng ký khám bệnh qua mạng...

 

Thực hiện thu phí cách ly y tế và khẩn trương khắc phục những thiệt hại do mưa, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh.

 

Triển khai Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc việc thu phí cách ly y tế tập trung đối với các trường hợp nhập cảnh được cách ly y tế tập trung trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh.

 

Khẩn trương rà soát, khắc phục kịp thời, hiệu quả những thiệt hại do mưa, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua; tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với điều kiện địa phương, huy động lực lượng giúp Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định cuộc sống và sản xuất; triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và của tỉnh về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trong thời gian tới để chủ động triển khai các kế hoạch, phương án nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

 

Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai.

 

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan chủ động rà soát, bổ sung phương án phòng, chống thiên tai đảm bảo theo cấp độ rủi ro thiên tai; tổ chức tuần tra canh gác, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; tuyên truyền, ngăn chặn không để người dân vớt củi, đánh bắt cá,... trên sông, suối khi mưa lũ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.

 

Tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các công trình thủy điện, hồ đập trên địa bàn tỉnh; thường xuyên kiểm tra, rà soát và yêu cầu các chủ đập thủy lợi, thủy điện quản lý đảm bảo an toàn công trình, vận hành xả lũ đúng quy trình được phê duyệt; tăng cường công tác giám sát của chính quyền địa phương, kiên quyết xử lý các đơn vị không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

 

Kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và nhà nước. Tổ chức cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là đối với những hộ dân bị mất nhà cửa, những hộ ở vùng ngập sâu chia cắt dài ngày; tuyệt đối không để người dân bị đói, bị rét, thiếu nước uống, không có chỗ ở,…. Kịp thời triển khai công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ, trong đó tập trung hỗ trợ người dân sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa; dọn vệ sinh môi trường; tiêu độc khử trùng, không để dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ.

 

Phê duyệt Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn toàn tỉnh năm 2020.

 

Tại Quyết định số 1022/QĐ-UBND ngày 19/10/2020, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn toàn tỉnh Kon Tum năm 2020 với các mục tiêu cụ thể của chiến dịch là trên 90% các đối tượng từ 02 tháng tuổi trở lên được tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu; bảo đảm an toàn tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

 

Chiến dịch được triển khai đối với tất cả đối tượng từ 02 tháng tuổi trở lên, cụ thể: Đối với trẻ từ 02 tháng tuổi đến dưới 12 tháng tuổi tại thời điểm triển khai nếu chưa tiêm đủ 03 mũi vắc xin có chứa thành phần bạch hầu thì sẽ tiêm 01 mũi vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) trong đợt này và tiêm các mũi còn lại trong tiêm chủng thường xuyên hàng tháng.

 

Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi: Nếu chưa được tiêm đủ 03 mũi vắc xin có chứa thành phần bạch hầu sẽ tiêm 01 mũi vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) trong đợt này và tiêm các mũi còn lại trong tiêm chủng thường xuyên hàng tháng; nếu đã tiêm đủ 03 mũi vắc xin có chứa thành phần bạch hầu sẽ tiêm 01 mũi vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) trong đợt này và không cần tiêm vắc xin DPT lúc 18 tháng tuổi trong tiêm chủng thường xuyên.

 

Đối với trẻ từ 19 tháng đến 48 tháng tuổi, tiêm 01 mũi vắc xin DPT nếu chưa tiêm đủ 04 mũi vắc xin có chứa thành phần bạch hầu; trẻ từ 49 tháng tuổi trở lên và người lớn: Tiêm 02 mũi vắc xin Td, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng.

 

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2020.

 

Để đạt được các mục tiêu cải cách hành chính và cải thiện Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh trong năm 2020, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đúng tiến độ và đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2020 và Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Kon Tum.

 

Tiếp tục tham mưu rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa TTHC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gắn với thực hiện tốt các nhiệm vụ tại Chương trình hành động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, HĐND tỉnh về kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Chương trình hành động tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 và các văn bản của UBND tỉnh về đơn giản hóa TTHC; triển khai thực hiện giải quyết hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử theo quy định; thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC qua các hình thức trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích. Kịp thời cập nhật, công khai các TTHC đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế; giải quyết hồ sơ TTHC cho tổ chức, cá nhân đúng thời hạn quy định; thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết hồ sơ trễ hạn.

 

Triển khai có hiệu quả các quy định mới của Chính phủ về tổ chức bộ máy và quản lý công chức, viên chức; thường xuyên rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian và gắn kết chặt chẽ với thực hiện chính sách tinh giản biên chế; tổ chức thực hiện tốt công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, bảo đảm đúng với điều kiện, tiêu chuẩn của vị trí việc làm được phê duyệt.

 

Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao số lượng thủ tục và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, bảo đảm chất lượng theo quy định.

 

Triển khai thực hiện cấp và sử dụng thẻ Căn cước công dân có gắn chíp điện tử.

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng thẻ Căn cước công dân có gắn chíp điện tử, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp với Công an tỉnh tổ chức quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và tuyên truyền cho người dân trên địa bàn tỉnh biết các quy định của Luật Căn cước công dân và tầm quan trọng của việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp thẻ Căn cước công dân có gắn chíp điện tử, chuyển đổi Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân để tạo sự đồng thuận, cung cấp thông tin xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình thực hiện.

 

Giao các cơ quan liên quan tăng cường các biện pháp, nắm chắc tình hình, đặc điểm từng địa bàn để tiến hành rà soát, thống kê, lập danh sách số lượng công dân thuộc diện được cấp thẻ Căn cước công dân; lập kế hoạch, xây dựng phương án, cách thức thực hiện cho phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất; tổ chức xác minh các trường hợp công dân có thông tin không rõ ràng, sai lệch và thống nhất với lực lượng Công an về biện pháp xử lý trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, đảm bảo các thông tin cá nhân đồng nhất giữa các loại giấy tờ, làm cơ sở pháp lý để tiến hành thu nhận thông tin đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định.

 

Giao UBND các huyện, thành phố dự kiến các điểm tiếp nhận hồ sơ, thu nhận vân tay, chụp ảnh cố định và lưu động đảm bảo điều kiện thực hiện công tác thu nhận, đề nghị cấp Căn cước công dân; đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất tại các điểm thu nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân cố định, lưu động cho lực lượng Công an cấp xã, cấp huyện phục vụ cho công tác.

 

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.

 

Thực hiện Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và các địa phương:

 

Rà soát, xác định khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản; xác định các dự án làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu, thoát lũ, sự ổn định của bờ sông, gây sạt lở bờ, bãi sông hoặc làm ảnh hưởng đến sự an toàn của các công trình ven sông để thực hiện theo quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, tập trung vào công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt là hoạt động khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông; kiên quyết dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật; xử lý nghiêm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

 

Kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hoá đơn, chứng từ hợp lệ; xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư thực hiện các dự án nạo vét, khơi thông luồng; xử lý nghiêm việc lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, khai thác khoáng sản trái phép; đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyền truyền pháp luật về khoáng sản...

 

Yêu cầu UBND huyện, thành phố tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác theo các Phương án của UBND tỉnh ban hành. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn./.

Thái Ninh