Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp
Ngày đăng: 18/12/2020  14:51
Mặc định Cỡ chữ
Sáng 18/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

 

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đại diện lãnh đạo các cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan.

 

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Tại hội nghị, đại diện Bộ Tư pháp đã thông tin về nội dung cơ bản, những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2021.

 

Luật bổ sung 1 điều, 4 khoản và 4 điểm; sửa đổi, bổ sung 8 điều, 22 khoản và 9 điểm với nhiều nội dung mới cơ bản. Trong đó, bổ sung quy định cấp thẻ giám định viên tư pháp; quy định Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được giám định âm thanh, hình ảnh; nới điều kiện mở Văn phòng giám định tư pháp; quy định thời hạn giám định tư pháp tối đa không quá 4 tháng, giám định viên được bố trí chỗ ngồi phù hợp tại tòa, bổ sung trường hợp bị miễn nhiệm giám định viên tư pháp...

 

Để triển khai và thực hiện có hiệu quả Luật này, ngày 24/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1450/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp năm 2020 với 9 nhóm nhiệm vụ, như: Tổ chức quán triệt việc thi hành và phổ biến nội dung của Luật; Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan tới giám định tư pháp và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật…

 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan Trung ương và các địa phương tổ chức thực hiện đầy đủ, hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ đã được giao tại Quyết định số 1450/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 

Tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật, quy trình giám định, quy chuẩn, định mức kỹ thuật liên quan đến công tác giám định tư pháp; Kiện toàn tổ chức bộ máy đội ngũ giám định viên, người làm công tác giám định, tập trung nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ này, nhất là phải quan tâm, giải quyết chế độ, chính sách, động viên khen thưởng kịp thời cho đội ngũ giám định viên và người làm công tác giám định; Quan tâm bố trí cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, kinh phí và các điều kiện đảm bảo khác phục vụ cho hoạt động giám định....

 

Minh Huệ