Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Nâng cao hiệu quả 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh
Ngày đăng: 31/12/2020  16:38
Mặc định Cỡ chữ
Sau 13 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 20-4-2007 của Tỉnh ủy khóa XIII "về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2007-2010, có tính đến năm 2020" cho thấy ở cả 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh: Vùng kinh tế động lực thành phố Kon Tum, vùng kinh tế động lực huyện Ngọc Hồi và vùng kinh tế động lực huyện Kon Plông đều đã đạt được những kết quả quan trọng.

 

Thành phố Kon Tum

 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn các vùng động lực luôn ổn định và duy trì ở mức khá. Việc xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả nhất định, có 11/27 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, chiếm 40,07% so với số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh. Diện mạo đô thị, nông thôn từng bước được chỉnh trang, hạ tầng kinh tế-xã hội ở các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn được cải thiện. Đời sống Nhân dân tại các vùng kinh tế động lực có nhiều khởi sắc. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, trình độ dân trí ngày càng cao. Hệ thống y tế và giáo dục cơ sở được đầu tư; chất lượng khám, chữa bệnh ở cơ sở và chất lượng dạy và học từng bước được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng về du lịch tăng dần qua các năm, số lượt khách du lịch đến với các vùng kinh tế động lực chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 80%) so với toàn tỉnh.

 

Các Vùng kinh tế động lực được quan tâm và tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển về cơ sở hạ tầng. Thành phố Kon Tum được thành lập vào năm 2009 và đang được chỉnh trang, mở rộng không gian đô thị theo hướng hiện đại. Thị trấn Plei Kần huyện Ngọc Hồi được mở rộng và công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV vào năm 2015, hiện đang tiếp tục xây dựng và từng bước tiến tới thành lập thị xã Ngọc Hồi; Khu kinh tế của khẩu quốc tế Bờ Y đã thành lập, là liên kết của tam giác phát triển ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Trung tâm huyện lỵ Kon Plông đã được hình thành và từng bước phát triển, kết cấu hạ tầng thiết yếu từng bước được đầu tư đồng bộ; thị trấn Măng Đen được thành lập vào năm 2019.

 

Các vùng kinh tế động lực đã phát huy vai trò làm đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các khu vực lân cận, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng. Trong đó nhiều dự án đầu tư lớn của tỉnh đã và đang được triển khai trên địa bàn các vùng kinh tế động lực. Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng đầu tư, nâng cấp và mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết, thông thương dễ dàng giữa các vùng. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề được hình thành và có bước phát triển, tạo việc làm cho lao động tại chỗ và các huyện, xã lân cận.

 

Khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen mùa hoa Anh đào năm 2019

 

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số mục tiêu chưa đạt, một số tiềm năng, lợi thế các vùng kinh tế động lực chưa được khai thác hiệu quả như: Các hoạt động tại Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y mới dừng lại ở việc trung chuyển hàng hóa, chưa trở thành trung tâm tăng trưởng trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Trung tâm huyện lỵ Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái Măng Đen mới cơ bản được hình thành, chưa trở thành khu du lịch lớn của khu vực Bắc Tây Nguyên; một số tiềm năng, lợi thế các vùng kinh tế động lực chưa được khai thác hiệu quả. Công tác quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Môi trường đầu tư chậm cải thiện, công tác kêu gọi, thu hút đầu tư có mặt chưa hiệu quả. Việc triển khai thực hiện dự án của một số nhà đầu tư còn chậm. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất chưa phổ biến, các dự án chế biến chỉ mới dừng lại ở mức độ sơ chế, chưa thu hút được nhiều dự án chế biến sâu để mang lại giá trị kinh tế cao...

 

Trung tâm thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi

 

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả giải pháp phát triển các vùng kinh tế động lực của tỉnh trong thời gian tới, nhiều giải pháp đã được đặt ra, trong đó, trọng tâm là tiếp tục tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền vùng kinh tế động lực, các sở, ban ngành của tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ thúc đẩy đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội các vùng kinh tế động lực gắn với việc triển khai thực hiện các kết luận, nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhất là thực hiện có hiệu quả 03 lĩnh vực đột phá được xác định tại Kết luận số 1195-KL/TU, ngày 25-11-2019 của Tỉnh ủy. Đồng thời có giải pháp để tăng cường tính kết nối các vùng kinh tế động lực với nhau và với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

 

Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình, đề án tại các vùng kinh tế động lực. Tiếp tục chỉ đạo hoàn chỉnh Đề án xây dựng thành phố Kon Tum đạt tiêu chuẩn đô thị loại II; Đề án thành lập thị xã Ngọc Hồi và các phường thuộc thị xã Ngọc Hồi...

 

Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các huyện, thành phố vùng kinh tế động lực nhiệm kỳ 2020-2025. Xây dựng đảm bảo chất lượng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025. Nâng cao chất lượng và từng bước ổn định các quy hoạch; dần hạn chế việc bổ sung, điều chỉnh quy hoạch thường xuyên.

 

Tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng các dự án triển khai trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm, các dự án lớn theo kế hoạch...  Hình thành các khu dân cư, khu đô thị mới để mở rộng không gian đô thị các vùng kinh tế động lực. Tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, nghiên cứu xây dựng chợ biên giới Việt Nam-Lào theo quy hoạch, từng bước phát triển đô thị biên giới, đẩy mạnh dịch vụ Logistics. Huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới; trong đó huy động Nhân dân cùng tham gia xây dựng giao thông nông thôn.

 

Tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án trên địa bàn. Trong đó có giải pháp thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế của địa phương (như: lĩnh vực thương mại-du lịch-dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu, chế biến nông lâm sản, nuôi trồng thủy sản trên các mặt hồ thủy lợi...). Đồng thời tăng cường xã hội hoá lĩnh vực giáo dục, y tế theo hướng thu hút đầu tư các cơ sở dịch vụ chất lượng cao.

 

Sớm xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thành phố Kon Tum; hình thành các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Ngọc Hồi khi có đủ điều kiện. Thúc đẩy mở rộng việc thực hiện liên kết 04 nhà: Nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước nhằm góp phần nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa nông sản.

 

Tổ chức triển khai và đẩy mạnh công tác tạo việc làm và tự tạo việc việc làm thông qua các chương trình, dự án có liên quan trên địa bàn, đồng thời phối hợp các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân để cung ứng, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có công việc ổn định. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ các dự án trọng điểm và nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các vùng kinh tế động lực và của tỉnh trong thời gian đến.

 

Dương Nương