Thứ 7, Ngày 20/04/2024 -

Ban hành Kế hoạch triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2021-2026
Ngày đăng: 07/01/2021  21:37
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 07/01/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức vào ngày Chủ nhật, 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới.

 

Về nội dung thực hiện:

Tổ chức các Hội nghị quán triệt triển khai và tập huấn nghiệp vụ bầu cử: Chủ trì: Cơ quan thường trực của Ủy ban bầu cử tỉnh (Sở Nội vụ) chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các đơn vị có liên quan chuẩn bị nội dung và đảm bảo cơ sở vật chất tổ chức. Thành phần tham dự: Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử các cấp, Tổ bầu cử và cán bộ công chức trưng tập làm công tác bầu cử,…

 

Đối với các huyện, thành phố: Ngay sau khi dự Hội nghị của tỉnh; các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị quán triệt triển khai công tác bầu cử tại địa phương mình. Thành phần Hội nghị do Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện xem xét quyết định, đảm bảo triển khai công tác bầu cử đến cán bộ chủ chốt các cấp.

 

Về thành lập Ủy ban bầu cử: Ủy ban bầu cử huyện, thành phố (Ủy ban bầu cử cấp huyện); Ủy ban bầu cử xã, phường, thị trấn (Ủy ban bầu cử cấp xã): UBND cấp huyện, cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực HĐND và Ban thường trực UBMTTQ Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Ủy ban bầu cử ở cấp huyện, Ủy ban bầu cử cấp xã để tổ chức bầu cử HĐND cấp huyện, cấp xã. Ủy ban bầu cử cấp huyện có từ 11-15 thành viên, Ủy ban bầu cử cấp xã có từ 9-11 thành viên.

 

Về thành lập Ban bầu cử: Ban bầu cử đại biểu Quốc hội: UBND tỉnh sau khi thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh và Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội một Ban bầu cử đại biểu Quốc hội từ 09-15 thành viên.

 

Ban bầu cử đại biểu HĐND: UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực HĐND và Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp mình một Ban bầu cử đại biểu HĐND gồm đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội. Thành phần Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã có thêm đại diện cử tri ở địa phương. Ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh từ 11-13 thành viên; Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện từ 09-11 thành viên; Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã từ 07-09 thành viên.

 

 Về thành lập Tổ bầu cử: UBND cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực HĐND và Ban thường trực UBMTTQ Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Tổ bầu cử có từ 11 - 21 thành. Ở đơn vị vũ trang nhân dân được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng được thành lập một Tổ bầu cử có từ 5 - 9 thành viên. Trong trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân và địa phương có chung một khu vực bỏ phiếu thì UBND cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực HĐND, Ban thường trực UBMTTQ Việt Nam cùng cấp và Chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân quyết định thành lập Tổ bầu cử có từ 11 - 21 thành viên.

 

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử và việc kết thúc hoạt động của các tổ chức này được quy định trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

 

Về Thành lập Tổ giúp việc và trưng tập cán bộ phục vụ công tác bầu cử: Căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể tại mỗi thời điểm, Sở Nội vụ tham mưu các nội dung: (1) Uỷ ban bầu cử tỉnh: Thành lập Tổ giúp việc Ủy ban bầu cử tỉnh; (2) UBND tỉnh: Thành lập Tổ giúp việc các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn tỉnh; (3) Sở Nội vụ: Quyết định trưng tập công chức của Sở Nội vụ để làm nhiệm vụ của cơ quan thường trực; tổng hợp kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trong toàn tỉnh. Căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể tại mỗi thời điểm và tùy tình hình cụ thể ở địa phương, Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã quyết định thành lập: Tổ giúp việc cho Ủy ban bầu cử. Trưng tập công chức, viên chức các phòng, ban, đơn vị của huyện, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn các xã, phường, thị trấn để thực hiện các nhiệm vụ. Số lượng, thành phần tham gia các Tổ giúp việc và trưng tập cán bộ tham gia bầu cử do Ủy ban bầu cử các cấp quyết định.

 

Các cơ quan thường trực của Ủy ban bầu cử các cấp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban bầu cử các cấp tiếp nhận hồ sơ của những người ứng cử theo hướng dẫn và quy định của Trung ương; tiến hành lập, tham mưu Ủy ban bầu cử các cấp công bố danh sách chính thức những người ứng cử đảm bảo thời gian theo quy định của pháp luật.

 

UBND tỉnh giao: Căn cứ vào nhiệm vụ tại Kế hoạch, các cơ quan, đơn vị, liên quan tổ chức triển khai và thực hiện theo đúng yêu cầu của Kế hoạch. Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, các cơ quan Trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh, các tổ chức đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa cuộc bầu cử, các văn bản liên quan đến bầu cử. Các đơn vị kết nghĩa xây dựng xã phân công cán bộ phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã nắm bắt tình hình, giúp xã triển khai thực hiện nhiệm vụ cuộc bầu cử theo đúng quy định pháp luật./.

 

Cổng TTĐT tỉnh