Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Tổng kết Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2013-2020
Ngày đăng: 12/01/2021  14:23
Mặc định Cỡ chữ
Sáng ngày 12/01, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết Chương trình hành động vì trẻ em trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2013-2020. Đồng chí A Kang, Giám đốc Sở Lao động - TBXH, Ủy viên UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh chủ trì Hội nghị.

 

Quang cảnh đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh

 

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh đại diện các cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh; lãnh đạo cơ quan và các đơn vị trực thuộc Sở Lao động - TBXH. Tại điểm cầu các huyện, thành phố có lãnh đạo UBND tỉnh; các cơ quan là thành viên Ban Điều hành Bảo vệ trẻ em cấp huyện, thành phố và lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn.

 

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong giai đoạn 2013-2020, các mô hình có liên quan đến bảo vệ trẻ em được xây dựng và duy trì hoạt động đi vào nề nếp ngày càng có chất lượng, hiệu quả, công tác truyền thông được tăng cường; đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ngày càng được quan tâm ở nhiều lĩnh vực; nhiều cấp, nhiều ngành có sự phối hợp đồng bộ hiệu quả áp dụng Quy chế phối hợp liên ngành về quy trình bảo vệ, can thiệp và trợ giúp trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt.

 

Đã thành lập 21 mô hình Câu lạc bộ Quyền tham gia của trẻ em tại 10 huyện, thành phố; bằng nhiều loại hình tổ chức ở các cấp để trẻ em được tham gia, thể hiện quyền được tham gia và bày tỏ ý kiến của mình; 16.700 trẻ em tham gia Diễn đàn trẻ em ở các cấp; trên 7.500 trẻ em tham gia mô hình Câu lạc bộ trẻ em và Câu lạc bộ Quyền tham gia của trẻ em; nhóm trẻ em nòng cốt, Câu lạc bộ phóng viên nhỏ,...

 

Đến năm 2020, có 51 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em (trong đó có 33 xã, phường, thị trấn được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen 05 năm liên tục đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em).

 

Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp hàng năm hỗ trợ can thiệp và trợ giúp cho hơn 20.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh.

 

Tổng kinh phí ngân sách nhà nước cấp để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ quản lý về công tác trẻ em giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn tỉnh là: 20,594 triệu đồng (Trong đó, Trung ương cấp: 7,266 triệu đồng; địa phương cấp 13,328 triệu đồng). Ngoài ra, trong giai đoạn từ năm 2013-2020 có 24 tổ chức Phi chính phủ nước ngoài và 02 cá nhân cam kết tài trợ 10,2 triệu USD tương đương khoảng 236 tỷ đồng, thông qua 51 chương trình, dự án có liên quan đến bảo vệ trẻ em.

 

Thông qua việc thực hiện Chương trình, nhận thức của gia đình, cộng đồng và xã hội về bảo vệ trẻ em đã từng bước được nâng lên. Huy động được nguồn lực xã hội, các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ trẻ em, hỗ trợ nguồn lực thực hiện các mục tiêu vì trẻ em, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...

 

Các mục tiêu vì trẻ em Kon Tum được các sở, ngành; Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quan tâm, triển khai, thực hiện hiệu quả; các quyền cơ bản của trẻ em được thực hiện ngày càng tốt hơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm chăm sóc, hạn chế trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt,...

 

Bên cạnh kết quả đạt được, mô hình kết nối dịch vụ bảo vệ trẻ em quy mô còn nhỏ, phạm vi còn hẹp, chưa đủ kinh phí để nhân rộng mô hình, các hoạt động truyền thông đều phải lồng ghép vào các chương trình khác, chưa thường xuyên liên tục, hiệu quả chưa cao; các mục tiêu vì trẻ em và công tác quản lý nhà nước về trẻ em tại cấp cơ sở còn nhiều bất cập, chưa thực sự sâu sát. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em bị tử vong do đuối nước, tai nạn giao thông chưa giảm; trẻ em chưa đủ tuổi đi xe máy tham gia giao thông gia tăng; vẫn còn xảy ra hiện tượng bạo lực gia đình, trẻ em sống trong gia đình có các vấn đề xã hội như cha mẹ ly hôn, vi phạm pháp luật, gia đình có người nhiễm HIV, ma túy, đang thi hành án, làm ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em,...

 

Đồng chí Giám đốc Sở Lao động - TBXH phát biểu tại Hội nghị

 

Phát biểu kết thúc Hội nghị, đồng chí Giám đốc Sở Lao động - TBXH, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu tham gia tại Hội nghị.

 

Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giáp pháp trong thời gian tới, đồng chí đề nghị các huyện, thành phố tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trong công tác bảo vệ trẻ em; nâng cao vai trò thành viên Ban Chỉ đạo chương trình hành động vì trẻ em cấp tỉnh, Ban điều hành bảo vệ trẻ em cấp huyện, thành phố, Ban bảo vệ trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện các mục tiêu vì trẻ em; tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên cấp cơ sở làm công tác trẻ em; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục vận động, hỗ trợ năng lực bằng nhiều loại hình phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy thực hành của cha mẹ và trẻ em trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em,.../.

 

Vũ Huệ