Thứ sáu, Ngày 19/04/2024 -

Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Thanh tra
Ngày đăng: 13/01/2021  08:22
Mặc định Cỡ chữ
Chiều ngày 12/01, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác ngành Thanh tra năm 2021. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo.

 

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan của tỉnh; lãnh đạo cơ quan và các phòng nghiệp vụ của Thanh tra tỉnh.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh

 

Theo báo cáo tại Hội nghị, giai đoạn 2016-2020, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra đã có những đóng góp nhất định vào kết quả chung của cả nước. Công tác thanh tra đã sớm xây dựng kế hoạch và triển khai các cuộc thanh tra đúng theo nội dung, yêu cầu và định hướng, kế hoạch được phê duyệt; đồng thời triển khai nhiều cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ và thủ trưởng cơ quan nhà nước cùng cấp; hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra…

 

Toàn Ngành đã triển khai 6.199 cuộc thanh tra hành chính và 181.227 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 23.843 tỷ đồng và 830 ha đất. Thông qua hoạt động thanh tra, ngành Thanh tra đã góp phần quan trọng cả trong phòng ngừa tham nhũng và trong phát hiện, xử lý tham nhũng có vụ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong đấu tranh xử lý tham nhũng điển hình.

 

Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 384.435 lượt công dân (giảm 17,4% so với năm 2019); có 3.479 lượt đoàn đông người (giảm 18%); xử lý 180.204 đơn đủ điều kiện; giải quyết 22.133 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 85,6%.

 

Năm 2020, qua kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch tại 3.956 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã phát hiện 55 đơn vị có vi phạm; tiến hành 2.421 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 374 vụ việc với 482 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 74 tỷ đồng.

 

Trong năm 2021, ngành Thanh tra tiếp tục bám sát định hướng công tác của Chính phủ, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra; nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%. Triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả; tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021. Thanh tra các cấp, các ngành tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương...

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, ghi nhận những cố gắng của ngành Thanh tra trong thời gian qua trên các lĩnh vực công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

 

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ mặt còn hạn chế như: Một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, nhiều cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch; hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế; vẫn còn tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tiếp công dân; việc xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm so với kế hoạch.

 

Thủ tướng đề nghị Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, các cơ quan thanh tra xây dựng kế hoạch thanh tra phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, bảo đảm trọng tâm, hiệu quả, nhất là lĩnh vực nhạy cảm, thanh tra đột xuất; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, không để xảy ra điểm nóng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ ngành Thanh tra các cấp, nhất là cấp cơ sở; cấp ủy chính quyền địa phương, các bộ, ngành quan tâm đến tổ chức bộ máy cán bộ ngành Thanh tra…

 

                                                                                                     Minh Huệ