Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011- 2020; Đề án 500 trí thức trẻ và Đề án 567
Ngày đăng: 19/01/2021  16:00
Mặc định Cỡ chữ
Sáng 19/01, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011- 2020; Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500 trí thức trẻ) và Đề án bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020 (Đề án 567). Đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo Hội nghị.

 

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh

 

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Y Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan của tỉnh. Hội nghị được truyền trực tiếp đến các điểm cầu các huyện là địa bàn triển khai Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 -2020.

 

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của thanh niên và trách nhiệm ban hành, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách phát triển thanh niên đã có nhiều chuyển biến tích cực; các cấp, các ngành đã triển khai đầy đủ và toàn diện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

 

Đến nay, việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chiến lược của các bộ, ngành, địa phương về cơ bản đã đi vào nền nếp, dần khắc phục được tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với tổ chức đoàn thanh niên hoặc "khoán trắng" cho tổ chức Đoàn thanh niên so với giai đoạn đầu thực hiện Chiến lược. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các tổ chức, cá nhân trong xã hội ngày càng chú trọng, dành nguồn lực đầu tư cho thanh niên, đặc biệt nhóm trí thức trẻ và lực lượng lao động có trình độ cao. Với sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội, thanh niên ngày càng nhận thức sâu sắc, rõ ràng hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đất nước, với bản thân; nỗ lực phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập và lao động.

 

Thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020, đến hết tháng 12/2014, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các địa phương hoàn thành công tác tuyển chọn đội viên 500 đội viên thuộc 34 tỉnh. Bộ Nội vụ đã chủ trì phối hợp với UBND các tỉnh thực hiện đề án tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và các kỹ năng cần thiết cho đội viên trước khi bố trí về xã công tác. Các đội viên của Đề án thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; phát huy vai trò của công chức chuyên môn trong từng lĩnh vực công tác, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội địa phương.

 

Nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, xã biên giới, hải đảo, xã an toàn khu và vùng dân tộc, miền núi giai đoạn 2013 - 2020, thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020. Qua 6 năm triển khai, đã bồi dưỡng cho 14.330 cán bộ, công chức trẻ của 2.293 xã thuộc 42 tỉnh.

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao vai trò thực hiện chiến lược của Bộ Nội vụ trong thời gian qua.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị để có các giải pháp khắc phục các hạn chế, xây dựng chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2021-2025; tiếp tục tham mưu Chính phủ xem xét cho chủ trương xây dựng và triển khai thực hiện Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2021 - 2025. Các nội dung bồi dưỡng cần bảo đảm ngắn gọn, chuyên sâu, tập trung vào nâng cao kỹ năng cho cán bộ, công chức trẻ phù hợp với từng vùng miền, nhất là nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin.

 

Yêu cầu các ngành, địa phương nghiên cứu quan tâm thu hút đội ngũ cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn miền núi, lưu ý cách làm mới, huy động nhiều nguồn lực tạo đột phá để Đề án triển khai đạt hiệu quả. Bộ Nội vụ đôn đốc các địa phương bố trí sử dụng, đào tạo, xét tuyển phù hợp, đúng quy định pháp luật đối với đội ngũ cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện./.

 

                                                                                                      Minh Huệ