Thứ sáu, Ngày 19/04/2024 -

Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư từ nguồn vay nước ngoài năm 2021
Ngày đăng: 14/06/2021  16:05
Mặc định Cỡ chữ
Sáng 14/6, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài 5 tháng đầu năm 2021 và thúc đẩy giải ngân năm 2021. Đồng chí Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính chủ trì Hội nghị.

 

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh đại diện lãnh đạo các đơn vị: Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Kho bạc Nhà nước tỉnh; Ban Quản lý dự án Hỗ trợ phát triển biên giới tỉnh Kon Tum; Ban Quản lý dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững; Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi; Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

 

Theo báo cáo của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, tình hình giao Kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021 đối với nhóm địa phương là 63.709 tỷ; tính đến 31/5/2021, số vốn đã giải ngân là 1.100,66 tỷ đồng, bằng 1,73% dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó có 15 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân đạt trên 3%; 37 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân 0%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020.

 

Đối với tỉnh Kon Tum, năm 2021 được Trung ương giao kế hoạch vốn nước ngoài 477 tỷ 30 triệu đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương cấp phát 386 tỷ 30 triệu đồng và vốn địa phương vay lại từ nguồn nước ngoài Chính phủ vay 91 tỷ đồng.

 

 Trên cơ sở mức vốn được Trung ương giao, địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch vốn 477 tỷ 30 triệu đồng, đạt tỷ lệ 100% kế hoạch. Tính đến hết ngày 31/5/2021, tỉnh Kon Tum đã giải ngân 3 tỷ 561 triệu đồng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự tại các điểm cầu của các tỉnh đã thông tin tình hình giải ngân vốn nước ngoài 5 tháng đầu năm 2021, nguyên nhân chậm giải ngân, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn nước ngoài năm 2021.

 

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Bộ Tài chính và các tỉnh, thành phố đã nêu ra nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân các chương trìnhdự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài chậm, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

 

Về nguyên nhân khách quan như do dịch bệnh COVID-19 dẫn đến việc các chuyên gia tư vấn không sang được, các nhà tài trợ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc phản hồi dự án ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân; việc nhập vật tư thiết bị từ các nước có dịch khó khăn; việc thay đổi danh mục thiết bị dự án,...

 

Nguyên nhân chủ quan như không có khối lượng thực hiện đủ điều kiện thanh toán; một số dự án đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm giải phóng mặt bằng; thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư; kế hoạch đấu thầu, triển khai các gói thầu chậm…

 

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị các địa phương cập nhật số liệu tình hình giải ngân vốn vay nước ngoài đến ngày 11/6; trong đó tách ra cụ thể 02 số liệu: số liệu giải ngân nguồn vốn năm 2020 chuyển qua năm 2021 và số liệu giải ngân vốn năm 2021 được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thống nhất về mặt số liệu báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Về các giải pháp nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn vay nước ngoài từ nay đến cuối năm 2021, theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà có 03 nhóm giải pháp chủ yếu đối với các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án; đối với cơ quan chủ quản (UBND các tỉnh); đối với Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan.

 

Trong đó, các chủ đầu tư, các Ban quản lý phải tích cực, quyết liệt triển khai các dự án của mình, trong đó có việc hoàn tất thủ tục đầu tư, triển khai giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng, thẩm tra khối lượng phải hết sức nhanh chóng.

 

Các cơ quan chủ quản dự án phải chỉ đạo các Ban quản lý dự án trong việc triển khai dự án, kể cả việc trình duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt các hồ sơ quyết định đầu tư, thực hiện vai trò quản lý nhà nước khác liên quan đến vấn đề đầu tư và xây dựng, sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi.

 

Về cơ chế chính sách trong hoạt động đầu tư, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài cho phù hợp; Bộ Tài chính sẽ chủ trì tham mưu sửa đổi Nghị định 97/NĐ-CP của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, các Bộ ngành Trung ương sẽ tích cực phối hợp với các địa phương để đẩy mạnh giải ngân vốn nước ngoài năm 2021; những dự án chưa kịp giải ngân trong năm 2021, đề nghị các địa phương cần kịp thời đưa vào dự toán Kế hoạch vốn năm 2022 để tiếp tục triển khai thực hiện./.

 

Vũ Huệ