Thứ sáu, Ngày 19/04/2024 -

Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển KTXH và đầu tư công năm 2022
Ngày đăng: 15/09/2021  13:58
Mặc định Cỡ chữ
Sáng ngày 15/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và đầu tư công năm 2022 Vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì Hội nghị.

 

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu của tỉnh Kon Tum

 

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan của tỉnh; lãnh đạo cơ quan và phòng, đơn vị thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe, thảo luận về Báo cáo Kế hoạch phát triển KTXH và đầu tư công năm 2022 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung; Báo cáo Kế hoạch phát triển KTXH và đầu tư công năm 2022 vùng Tây nguyên và 10 ý kiến tham luận luận, chia sẻ khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm và giải pháp trong triển khai Kế hoạch phát triển KTXH và đầu tư công của các tỉnh, thành phố trong Vùng.

 

Theo báo cáo tại Hội nghị, kinh tế 8 tháng đầu năm của các tỉnh trong vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung tiếp tục giữ được sự tăng trưởng, bảo đảm thực hiện mục tiêu “kép” vừa đẩy mạnh phát triển KTXH, vừa phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả. Hoạt động sản xuất, kinh doanh cả 3 khu vực nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng, thu ngân sách, xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Công tác an sinh xã hội, chăm sóc y tế, người có công, người nghèo, bị ảnh hưởng dịch bệnh được đảm bảo.

 

Dự báo khả năng hoàn thành các chỉ tiêu năm 2021, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng ước đạt khoảng 6-6,5%, mặc dù chưa đạt Kế hoạch (Kế hoạch 7%), nhưng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng GRDP năm 2020 (năm 2020 vùng miền Trung chỉ tăng 0,18%), 14/14 địa phương đều có tăng trưởng dương, đây là mức tăng khá trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. Quy mô nền kinh tế năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 1.230 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,3% GDP cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 60 triệu đồng/người/năm (Kế hoạch 65-68 triệu đồng).

 

Về thu ngân sách nhà nước, ước thu ngân sách cả năm 2021 từ số liệu báo cáo của các địa phương, cả Vùng miền Trung đạt khoảng 182,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,1% cả nước, tăng khoảng 15% so với dự toán Trung ương giao đầu năm, 12/14 địa phương đạt và vượt dự toán Trung ương giao. Giải ngân kế hoạch đầu tư công 8 tháng năm 2021, vùng Miền Trung giải ngân đạt 33.144,5 tỷ đồng, chiếm 48,67% kế hoạch giao, cao hơn số giải ngân bình quân chung của khối địa phương (42,92%), thấp hơn so với số giải ngân bình quân chung khối địa phương cùng kỳ năm 2020 (49,11%), trong đó: tỷ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 53,78% kế hoạch, cao hơn bình quân chung khối địa phương (46,9%), cao hơn giải ngân khối địa phương cùng kỳ 2020 (52,4%); vốn ngoài nước giải ngân đạt 8,58% kế hoạch cao hơn giải ngân khối địa phương đạt 5,93% kế hoạch, thấp hơn 11,42%% giải ngân khối địa phương so với cùng kỳ 8 tháng năm 2020 (đạt 20,9%).

 

Có 08/14 địa phương vùng Miền Trung có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40% kế hoạch, trong đó, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 60% như: Thanh Hóa, Hà Tĩnh; các địa phương đạt giải ngân từ trên 40% gồm: Nghệ An, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Đà Nẵng, Phú Yên.

 

Tổng nhu cầu kế hoạch đầu tư công 2022 của 14 địa phương Vùng Miền Trung là 91.641,883 tỷ đồng, tăng 34,55% so với kế hoạch năm 2021.

 

Trong khi đó, đối với vùng Tây Nguyên, tốc độ tăng trưởng GRDP của Vùng 6 tháng đầu năm 2021 đạt 7,21%. Tốc độ tăng trưởng GRDP của Vùng tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 (2,72%) và cao hơn trung bình cả nước (5,8%); thu ngân sách nhà nước vùng Tây nguyên tính đến 31/8/2021 đạt cao 22.026 tỷ đồng, bằng 96% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (22.907 tỷ đồng), bằng 157% so với cùng kỳ năm 2020 (13.980 tỷ đồng). Trong 8 tháng đầu năm, các địa phương trong Vùng đã cấp phép được 102 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 45.409 tỷ đồng, trong đó Gia Lai cấp phép 33 dự án, Kon Tum 31 dự án, Lâm Đồng và Đắk Lắk đều được 14 dự án.

 

Giải ngân 8 tháng của vùng Tây Nguyên ước đạt 6.485 tỷ đồng, đạt 41,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (thấp hơn bình quân cả nước là 42,93%). Tổng nhu cầu nguồn vốn đầu tư công năm 2022 Vùng Tây Nguyên là 20.632 tỷ đồng, gấp 1,31 lần so với kế hoạch 2021 (15.472  tỷ đồng).

 

Đối với tỉnh Kon Tum, theo báo cáo, dự báo kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh Kon Tum năm 2021, có 09/13 chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh Kon Tum đạt và vượt kế hoạch; còn 04 chỉ tiêu dự kiến chưa đạt mục tiêu là: Tốc độ tăng trưởng GRDP; GRDP bình quân đầu người; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tỷ lệ độ che phủ rừng.

 

Tính đến ngày 20/8/2021, tổng kế hoạch vốn năm 2021 và kế hoạch năm 2020 kéo dài đã giải ngân 915, 5 tỷ đồng, bằng 31,27% trên kế hoạch địa phương đã giao. Nếu tính thực nguồn kế hoạch đến thời điểm báo cáo thì tổng kế hoạch giải ngân 915, 5 tỷ đồng/2.565,8 tỷ đồng, đạt 35,68%, và riêng kế hoạch năm 2021 đạt 36,54% trên thực nguồn. Ước thực hiện đến hết tháng 12/2021, địa phương giải ngân khoảng 2.636,3 tỷ đồng, đạt 72,9% trên tổng số kế hoạch địa phương giao.

 

Kết luận Hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận các ý kiến, kiến nghị đề xuất của các địa phương tại Hội nghị; Bộ sẽ tổng hợp các kiến nghị của các địa phương để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.

 

Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có tác động, ảnh lớn đến phát triển kinh tế của Vùng. Đồng chí đề nghị, các đơn địa phương tập trung thực hiện nhóm 02 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: (1) Phát triển sản xuất kinh doanh; xây dựng các Kế hoạch khôi phục phát triển kinh tế; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế; (2) Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; tập trung phối hợp chủ đầu tư, các nhà thầu để tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công.

 

Về xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH và đầu tư công năm 2022, đề nghị các địa phương cần căn cứ vào Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 23/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện cho sát với tình hình thực tế của đất nước và khả năng phát triển của địa phương; xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 gắn với thực hiện các mục tiêu thực hiện của giai đoạn 2021-2025; đề xuất các giải pháp để khôi phục nền kinh tế; xây dựng kế hoạch đầu tư công sát với thực tế, sát với nhu cầu, sát với năng lực thực hiện của các địa phương.

 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển KTXH 10 năm giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm giai đoạn 2021-2025 và các Kế hoạch 5 năm trên các lĩnh vực theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội; năm 2022, cũng là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm giai đoạn 2021-2025, vì vậy, đề nghị các địa phương tập trung thực hiện các kế hoạch phát triển KTXH và đầu tư công./.

 

Vũ Huệ