Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021
Ngày đăng: 17/09/2021  16:05
Mặc định Cỡ chữ
Sáng 17/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến. Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp và đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.

 

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh động vật trên cạn đã cơ bản được kiểm soát, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển. So sánh với cùng kỳ năm ngoái, tổng đàn gia súc, gia cầm mắc một số dịch bệnh ở động vật đã giảm đáng kể như bệnh Cúm gia cầm, lở mồm long móng; không có ổ dịch tai xanh mới phát sinh tại các địa phương; các dịch bệnh thông thường khác trên gia súc, gia cầm như dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng, phó thương hàn...được phát hiện và kiểm soát tốt, không gây thành dịch lớn.

 

Tổng đàn lợn cả nước ước tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020 với 26,67 triệu con; đàn bò tăng 1,8%; đàn trâu giảm 3,8%; đàn gia cầm tăng 4,2%; thủy sản đạt gần 5,7 triệu tấn cả khai thác và nuôi trồng.

 

Tuy nhiên, từ đầu năm  đến nay, bệnh Viêm da nổi cục đã xảy ra tại 3.936 xã của 51 tỉnh, thành phố với gần 188.000 con gia súc mắc bệnh; dịch tả lợn Châu Phi cao gấp  hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020 với hơn 93.260 con mắc bệnh bị tiêu hủy. Riêng thủy sản, tổng diện tích nuôi bị thiệt hại đã giảm gần 59% so với cùng kỳ năm ngoái với hơn 16.520 ha bị thiệt hại.

 

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất chăn nuôi, ngành chăn nuôi đã nhận định, đánh giá và đưa ra một số chỉ tiêu phát triển chính từ nay đến cuối năm 2021 và cho cả năm 2021, cụ thể: Tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2021 đạt khoảng 5-6%; Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,8 triệu tấn, trong đó: thịt lợn đạt khoảng 3,7 triệu tấn (tăng 6,1%), thịt gia cầm đạt khoảng 1,69 triệu tấn (tăng 5,8%), thịt bò đạt khoảng 449 ngàn tấn (tăng 6%); Sản lượng trứng đạt khoảng 16 tỷ quả (tăng 7,5%) và sản lượng sữa đạt khoảng 1,2 triệu tấn (tăng 11,5%).

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, nguy cơ các loại dịch bệnh trên động vật xảy ra vào các tháng cuối năm là rất cao. Do vậy, đề nghị các địa phương, đơn vị cần tập trung các nguồn lực để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch.

 

Trong đó, các địa phương tăng cường tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục. Khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi theo kế hoạch. Hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh bằng biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.

 

Ngoài ra, thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn việc phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở. Chú trọng công tác giám sát dịch bệnh chủ động đối với các bệnh nguy hiểm trên thủy sản. Các địa phương lưu ý tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng.

 

Tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT, thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với bối cảnh mới, tiến trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng; phát triển chăn nuôi theo định hướng thị trường; phát huy thế mạnh của từng vùng, từng vật nuôi chủ lực; nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững.

 

Tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tiếp tục khôi phục, tăng đàn lợn; ổn định phát triển đàn gia cầm và phát triển một số loại vật nuôi khác trong điều kiện có dịch covid-19 và sau dịch. Triển khai các nội dung xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn, truy xuất được nguồn gốc và theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm. Nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống gia súc, gia cầm trong sản xuất...

 

Dương Nương