Thứ 4, Ngày 17/04/2024 -

Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam làm việc với tỉnh Kon Tum
Ngày đăng: 07/12/2021  11:01
Mặc định Cỡ chữ
Chiều 06/12, Đoàn công tác của Viện Di truyền Nông nghiệp đã có buổi làm việc với tỉnh Kon Tum về hợp tác trong việc đưa giống mới và ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệpcủa tỉnh. Tham dự buổi làm việc với Đoàn công tác có lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và các huyện, thành phố.
Quang cảnh buổi làm việc

 

Theo báo cáo của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính năm 2021, tổng diện tích cây trồng chính của tỉnh trên 188.000 ha. Trong đó, cây lúa là 23.323 ha, chiếm 12%/diện tích giao trồng; cây sắn 39.133 ha, chiếm 20,7%/diện tích giao trồng; cây ăn quả 6.300 ha, chiếm 3,37%/diện tích giao trồng.

 

Trong gia đoạn 2016 -2020, thực hiện nhiệm vụ của Tỉnh giao, Sở đã tập trung tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển nông nghiệp UDCNC gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp và đã  chuyển giao, ứng dụng công nghệ trên diện tích gần 8.000 ha cây trồng, 17.100 con gia súc, gia cầm; 40 ha nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực nông nghiệp UDCNC khác cũng được chú trọng như: UDCNC trong nhân giống cây trồng có giá trị; công nghệ canh tác bán tự đông; công nghệ sinh học trong phòng trừ sâu hại sâm Ngọc Linh và các loại cây trồng khác; công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học, các loại nấm có giá trị.

 

Tuy nhiên, trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện nay, cũng phát sinh một số vấn đề đối với cây sắn và cây ăn quả, đó là bệnh Khảm lá trên cây sắn; bệnh sâu hại và năng suất, chất lượng, diện tích trồng đối với cây ăn quả…

 

Tại buổi làm việc, GS.TS Phạm Xuân Hội Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam đã giới thiệu một số giống cây trồng mới – tiến bộ kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của tỉnh hiện nay như: Giống sắn kháng khảm lá HN3, HN5; Các dòng sắn kháng khảm lá tiềm năng HN97,HN1, HN80, HN36, C36 năng suất đạt từ 30 tấn – 43 tấn/ha, Có hàm lượng tinh bột đạt 23,5% - 30%. Giống cam chín muộn V2; Giống cam chín đúng tết CT36; Giống cam chín sớm CT9… đây là những rất cần cho địa phương hiện nay.

 

Tinh thần của Viện là sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ cung cấp cho tỉnh những giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật và tư vấn các mô hình sản xuất hiệu quả để tạo nguồn thu nhập cao, ổn định đời sống sản xuất cho bà con nông dân tỉnh Kon Tum.

 

Tại buổi làm việc, 2 bên đã thống nhất một số nội dung hợp tác như: công tác thực nghiệm, khảo nghiệm, chọn tạo giống cây trồng mới phù hợp như cây lúa, cây sắn, cây ăn quả, cây dược liệu...; công tác bảo tồn các nguồn gen quý hiếm về giống cây trồng truyền thống; thực nghiệm và chuyển giao áp dụng tiến bộ KHKT và công nghệ vào trồng trọt, sản xuất; chuyển giao các ứng dụng tiến bộ mới về phân bón, chế phẩm vi sinh; phát triển sản xuất nông nghiệp các sản phẩm sạch, an toàn theo hướng hữu cơ tại Kon Tum.

 

Lê Thiện