Thứ 5, Ngày 25/04/2024 -

Vang mãi bản hùng ca
Ngày đăng: 23/04/2022  13:00
Mặc định Cỡ chữ
Cách đây 50 năm, quân và dân ta đã làm nên một trận chiến lịch sử, Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 - 24/4/2022). Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng khi nhắc đến những ngày tháng Tư lịch sử năm 1972, ký ức về một thời oanh liệt, hào hùng, gian khổ, thậm chí là cận kề cái chết của những người lính trực tiếp tham gia trận đánh Đăk Tô - Tân Cảnh lại ùa, về với khí thế hừng hực của mùa hè đỏ lửa năm ấy không thể nào quên.

Ông A Tủi rưng rưng nhớ về đồng đội trong trận chiến giải phóng

Đăk Tô - Tân Cảnh 50 năm về trước

 

Trực tiếp cùng đồng đội tham gia trận đánh Đăk Tô - Tân Cảnh khi mới 17 tuổi, là tiểu đội trưởng, tiểu đội 2, đơn vị C180 của huyện đội Đăk Tô, ông A Tủi, khối phố 5, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô nhớ lại "Tiểu đội của ông gồm 8 đồng chí, khi tham gia trận đánh Đăk Tô - Tân Cảnh thì đến 7 đồng chí hy sinh, ông là người may mắn duy nhất còn sống sót sau trận đánh. Trận Đăk Tô - Tân Cảnh rất ác liệt, ác liệt từ tháng 1 đến khi 24/4 khi giải phóng. Chúng tôi không một ai ở trên mặt đất, toàn bộ đều sống dưới hầm. Xe tăng của ngụy xếp hàng ngang bên này, bên kia bắn pháo 12 ly 7 quét sạch mặt đất; máy bay trực thăng vần vũ trên đầu với 40 đến 50 chiếc. Anh em hi sinh rất nhiều".

 

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ký ức khốc liệt về trận đánh hào hùng, về một thời đỏ lửa năm ấy vẫn luôn trong tâm trí ông. Hồi tưởng về quá khứ là lại thêm một lần ông nhớ về đồng đội và nước mắt của người lính già lại trực chờ nơi khóe mắt, giọng nghẹn lại, đứt quãng từng lời kể...

 

Ông Võ Văn Mẹo nói chuyện với ĐVTN thị trấn Đăk Tô về trận đánh tại

Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh

 

Không trực tiếp tham gia đánh trận Đăk Tô - Tân Cảnh như ông A Tủi, nhưng  ông Võ Văn Mẹo, trú tại thôn 5, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô lại cùng đồng đội tiếp quản Đăk Tô - Tân Cảnh ngay sau ngày chiến thắng, là lực lượng dẹp và tiếp quản sau chiến tranh. Ông cho biết: Hồi đó dân sơ tán ra phía sau hết, bên núi chứ không sống tại trung tâm của huyện Đăk Tô như bây giờ. Toàn bộ lực lượng đều là lực lượng vũ trang ở lại để ổn định an ninh trật tự trên địa bàn và quản lý tài sản của người dân để lại tránh mất mát. Ngày ấy, nhà cửa của người dân và các công trình công cộng bị bom tàn phá hư hỏng hết, nằm ngổn ngang... 

 

Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh như một bản hùng ca thể hiện sự đồng sức, đồng lòng, hợp sức chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Trong chiến thắng đó không thể không nhắc đến bà Hồ Thị Lục, hiện đang trú tại phường Duy Tân, thành phố Kon Tum - người đã từng vượt màn đêm, băng rừng, lội suối để dẫn đường cho bộ đội đánh trận Đăk Tô - Tân Cảnh và cũng là người hằng đêm dùng loa để kêu gọi lính ngụy đầu hàng.

 

Bà kể: Chúng tôi ở trên phía chùa gọi loa, hôm nào muốn vào cơ sở thì bí mật đi vào. Hồi đó, cũng xây dựng được vài gia đình, nắm tình hình để liên lạc. Tôi xác định quê hương thứ hai của tôi là ở Đăk Tô chứ không phải là ở thành phố Kon Tum này. Tôi đã gắn bó với Đăk Tô như vậy đó. Những năm tháng gian khổ, gắn bó với dân, gắn bó với cán bộ, bộ đội từ ngày đó đến bây giờ nên giờ tôi về Đăk Tô cũng như là về nhà mình.

 

Thắng lợi chiến dịch Xuân Hè năm 1972 mà đỉnh cao là chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh; là thắng lợi của đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng; sự chỉ huy sáng suốt của các cấp ủy Đảng và của Bộ Tư lệnh chiến dịch; tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, tinh thần đoàn kết nhất trí, hiệp đồng tác chiến, hiệp đồng giữa các binh chủng, giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; là thắng lợi của ý chí quyết tâm với khí thế “Trường Sơn chuyển mình - Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng quê hương”, “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

 

Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã trút lon gạo cuối cùng cho bộ đội ra trận, những "rẫy mì cách mạng", "rẫy mì giải phóng" được mọc lên khắp nơi để cung ứng lương thực, thực phẩm tại chỗ cho chiến dịch, những tiếng chày giã gạo thâu đêm suốt sáng của nhân dân huyện Đăk Tô (H80), hay những hình ảnh người mẹ "Tay cầm khẩu súng, phía trước địu con, sau lưng cõng đạn" và nhiều hành động anh hùng trong chiến đấu của các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân trở thành biểu tượng bất tử của lịch sử dân tộc Việt Nam.

 

Có thể nói, chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của quân và dân các dân tộc Tây Nguyên, góp phần tạo thế và lực mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là tiền đề quan trọng để giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

 

Dương Nương