Thứ 7, Ngày 20/04/2024 -

Hội thảo hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững Khu vực miền Trung và Tây Nguyên
Ngày đăng: 20/05/2022  21:27
Mặc định Cỡ chữ
Sáng ngày 20/5, tại tỉnh Quảng Nam, Bộ Lao động - TBXH, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Thực trạng, hiệu quả tín dụng chính sách xã hội (CSXH) trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2021; kế hoạch và giải pháp triển khai giai đoạn 2022-2025 tại Khu vực miền núi các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên”.

 

Quang cảnh Hội thảo

 

Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Lao động - TBXH, Ngân hàng CSXH Việt Nam, UBND tỉnh và các ngành liên quan các tỉnh thuộc khu vực Miền Trung và Tây Nguyên. Thay mặt UBND tỉnh Kon Tum, đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và phát biểu tham luận tại hội thảo.

 

Theo đại diện Ngân hàng CSXH Việt Nam, đến cuối năm 2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là 87.466 tỷ đồng (35,27% dư nợ toàn quốc) với hơn 2,6 triệu hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách còn dư nợ. Dư nợ tập trung vào các chương trình cho vay hộ cận nghèo với 17.018 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 16.758 tỷ đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 13.538 tỷ đồng, hộ gia đình sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn 12.021 tỷ đồng, giải quyết việc làm 9.667 tỷ đồng.

 

Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích, làm rõ thực trạng của tín dụng CSXH trong giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2021 tại Khu vực miền núi miền Trung và Tây Nguyên; đồng thời, để xuất các kế hoạch, giải pháp nhằm tạo cú hích cho giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025.

 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phát biểu tại hội thảo

 

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nhấn mạnh: Nguồn vốn từ tín dụng CSXH đã góp phần rất lớn trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững tại tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 26,1% năm 2015 xuống còn 6,3% vào cuối năm 2021, giúp hơn 25 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút, tạo việc làm cho khoảng 14 ngàn lao động, giúp 1.500 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập... Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả tích cực; góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị và đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại cơ sở...

 

Từ kinh nghiệm trong thực hiện tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh, đồng chí đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả nguồn vốn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM giai đoạn 2022-2025, như: Đẩy mạnh nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các địa phương và Ngân hàng CSXH trong xây dựng, lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện quản lý, giám sát và sử dụng hiệu quả nguồn vốn...

 

Đồng chí cũng đề nghị Ngân hàng CSXH Việt Nam và các Bộ ngành trung ương quan tâm, sớm có văn bản hướng dẫn triển khai chính sách ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 1 (2021-2025) vừa được Chính phủ ban hành để các địa phương triển khai kịp thời, nhất là việc triển khai chính sách "cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý"...

 

Cổng TTĐT tỉnh